Nhà sản xuất ô tô Việt Nam VinFast đang cho thấy bản lĩnh "kẻ tiên phong" khi tìm hiểu khả năng IPO tại Mỹ, có thể định giá công ty tối thiểu lên đến 50 tỷ USD.
VinFast thuộc sở hữu của Vingroup JSC, tập đoàn lớn nhất Việt Nam, hiện đang làm việc với Credit Suisse Hong Kong để chào bán trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Hãng tin Bloomberg nói rằng, các chi tiết về đợt IPO của VinFast, chẳng hạn như quy mô và thời gian, có thể thay đổi khi các cuộc thảo luận tiếp tục diễn ra.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, công ty có thể huy động lên tới 3 tỷ USD trong đợt IPO của mình, đồng thời hướng đến mức định giá tối thiểu 50 tỷ USD vốn hóa, điều này biến họ thành công ty Việt Nam niêm yết lớn nhất từ trước đến nay tại Mỹ, vượt qua con số 1,4 tỷ USD mà chính Vinhomes JSC huy động được vào năm 2018.
Nếu đúng như dự tính, “gã khởi nghiệp” non trẻ của Việt Nam sẽ “ngồi chung mâm” về giá trị vốn hóa với hàng loạt các ông lớn xe hơi trên thế giới như Ford của Mỹ với giá trị vốn hóa 49,8 tỷ USD, Honda của Nhật Bản (51 tỷ USD), Huyndai (Hàn Quốc 51,22 tỷ USD), Ferrari (Ý, 51,3 tỷ USD) hay là BMW (Đức, 58,7 tỷ USD).
Không những thế, họ có thể bỏ xa một số tay chơi kỳ cựu trong khu vực như Kia của Hàn Quốc (30,68 tỷ USD), Suzuki của Nhật Bản (21,95 tỷ USD) hay Nissan cũng của Nhật Bản (21,64 tỷ USD), còn với Mazda có giá trị 5,4 tỷ USD dường như không thể là đối thủ.
Hiện tại, một số công ty sản xuất xe ô tô dẫn đầu thị trường thế giới hiện nay có thể kể đến như Tesla (673,79 tỷ USD), Toyota (214,99 tỷ USD), Volkswagen (160,87 tỷ USD), Daimler (doanh nghiệp sở hữu Mercedes Benz – 160,87 tỷ USD) hay General Motors (85,96 tỷ USD).
Một cố công ty sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc như là BYD (69,08 tỷ USD), hay NIO (60,85 tỷ USD), cũng đang là những tay chơi hết sức mạnh mẽ trong lĩnh vực ô tô điện trên thế giới.
Được thành lập bởi tỷ phú Phạm Nhật Vượng, VinFast được cho là đang chuẩn bị sẵn sàng những mẫu xe điện đầu tiên và đang có trong tay gần 4.000 đơn đặt hàng trong nước sau 12 tiếng mở bán.
Công ty có trụ sở tại Hải Phòng đang có những văn phòng được đặt tại Đức, dự định phân phối các loại xe mới ở châu Âu. Họ cũng để mắt đến các thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc để tiếp thị sản phẩm của mình. Đặc biệt, Vinfast coi thị trường Mỹ là trọng tâm trong chiến lược phát triển mở rộng của mình. Họ cũng đang xúc tiến việc xây dựng một nhà máy ở đó.
Tại sao Vinfast đặc biệt quan tâm đến thị trường Mỹ? Theo như ông Vượng đã từng chia sẻ trong đại hội cổ đông thường niên hồi năm 2020, thị trường Mỹ giống như một phép thử, nếu họ làm được thị trường khó nhất thì vào những thị trường khác đơn giản, dễ dàng. Và với những công ty mới, mang tính startup như Vinfast, họ càng phải đặt những mục tiêu rất cao, rất nghiêm khắc.
Tuy nhiên, con đường đi của VinFast không hẳn được “trải bước trên hoa hồng”. Trên thực tế, các kế hoạch tăng trưởng của công ty đang yêu cầu mức vốn hóa lớn hơn và những kế hoạch chiến lược hợp lý mới có thể đem đến những thành công trong tương lai. Điều này khiến họ đặt mục tiêu IPO tại Mỹ có thể ngay trong quý II này.
Nếu IPO thành công tại Mỹ, VinFast sẽ trở thành nhà sản xuất ô tô mới nhất làm được điều này trong vòng 12 tháng qua. Trên thực tế, những cái tên như Xpeng, Lucid và Lordstown đều đã được niêm yết công khai trong những tháng gần đây. Và đặc biệt là Rivian – một công ty khởi nghiệp được đánh giá rất cao cũng có thể được niêm yết công khai vào tháng 9 năm nay.
Trong số rất nhiều công ty khởi nghiệp xe điện, Rivian đang được đánh giá cao nhất. Họ đã huy động được hơn 8 tỷ USD từ các nhà đầu tư tư nhân, nhiều hơn đáng kể so với các công ty khởi nghiệp đối thủ. Các nhà đầu tư chính vào Rivian bao gồm Ford, Quỹ Cam kết Khí hậu của Amazon và Công ty Nghiên cứu và Quản lý Fidelity. Và với mức định giá 50 tỷ USD sẽ khiến đợt IPO của Rivian quan trọng nhất kể từ khi Tesla ra công chúng vào năm 2010.
Chính vì vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng, tham vọng tiến quân thị trường Mỹ của Vinfast có thể sẽ gặp phải những sự cạnh tranh khốc liệt với những công ty tên tuổi như General Motors, Ford và đặc biệt là Tesla. Đồng thời họ cũng sẽ phải đối mặt với các công ty khởi nghiệp xe điện được hậu thuẫn từ các ông lớn của Mỹ.
Rõ ràng, Vinfast đã tính toán rất kỹ khi tìm hiểu khả năng IPO tại Mỹ. Đầu tiên liên quan đến … tiền. Giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ được coi là có quy mô lớn hơn rất nhiều so với các sàn chứng khoán khác. Đây cũng là nơi có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, sẵn sàng góp vốn mà không đòi hỏi quyền điều hành vì niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ cho phép ban giám đốc duy trì kiểm soát của các công ty dù không sở hữu phần lớn cổ phiếu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều rất muốn IPO tại Mỹ vì đây là thị trường có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trên khắp thế giới. Ngoài ra, việc niêm yết trên sàn chứng khoán của Mỹ cho phép các công ty có phạm vi hoạt động rộng hơn khi tiến hành mua bán sáp nhập. Sở hữu cổ phiếu niêm yết bằng đồng USD sẽ đơn giản hóa hoạt động mua lại các công ty Mỹ trong tương lai của doanh nghiệp nước ngoài, và giảm bớt sự giám sát mà những thương vụ này thường phải đối mặt.
Cách đây vài năm, có lẽ có không ít người đã “dè bỉu” tham vọng sản xuất ô tô của ông Vượng và Vingroup. Thời điểm đó, những phát ngôn kiểu “VinFast đặt tầm nhìn trở thành một trong những nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới”, được phân tích mổ xẻ và có phần hoài nghi.
Tuy vậy, chỉ sau hơn hai năm kể từ khi chúng ta nhắc đến VinFast, nhà sản xuất ô tô hàng loạt đầu tiên của Việt Nam, đã bán được khoảng 30.000 xe trong năm 2020 và dự báo doanh số hơn 45.000 xe cho năm 2021, lọt top những thương hiệu xe được ưa chuộng nhất thị trường Việt Nam, theo số liệu của Hiệp hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA).
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù doanh số bán hàng chỉ đạt vài nghìn chiếc mỗi tháng vào đầu năm nay, nhưng công ty đã có gần 100 triệu người tiêu dùng trong nước và thu nhập bình quân đầu người đang tăng lên, đây là một trong những yếu tố chính để một nhà sản xuất ô tô phát triển ổn định.
Ngoài ra, theo thống kê từ Wards Auto, số lượng ô tô được bán ra ngày càng nhiều tại thị trường Việt Nam, nơi mà hầu hết người tiêu dùng đang sử dụng xe máy làm phương tiện giao thông cá nhân chính. Năm 2018, chỉ có dưới 300.000 xe mới được bán tại Việt Nam, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng lên 750.000 đến 800.000 chiếc mỗi năm vào năm 2025 và có thể lên đến 1,7 đến 1,8 triệu vào năm 2035.
Do đó, cơ hội giành cho Vinfast là rất nhiều và IPO dường như là một quyết định đúng đắn trong thời điểm này.
Có thể bạn quan tâm
Vingroup nói gì về khả năng niêm yết VinFast tại thị trường chứng khoán Mỹ?
14:37, 14/04/2021
Vingroup đang cân nhắc IPO VinFast tại Mỹ?
11:00, 13/04/2021
Chính sách bán hàng độc đáo có thể giúp VinFast phổ cập ô tô điện tại Việt Nam?
15:30, 05/04/2021
VinFast khẳng định sức hút qua giải thưởng “Xe của năm 2021”
17:44, 02/04/2021
Cận cảnh VinFast VF e34 - xe điện make in Vietnam bứt phá mọi giới hạn
13:40, 31/03/2021
DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: VinFast và chuyện “đem chuông đi đánh xứ người”
05:00, 07/03/2021