“30 năm chịu oan sai, nửa cuộc đời của tôi không làm được gì, mất danh dự, mất cơ hội, gia đình ly tán, những thứ không thể nào bù đắp lại được…30 năm đã làm tan nát cả cuộc đời một con người… ”.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Khẩn (SN 1953, ngụ phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP. HCM), ông Khẩn là cựu giám đốc Công ty Cổ phần Thái Dương, người bị khởi tố oan 30 năm trước về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân".
>>Thăng trầm cuộc đời “Vua lốp” (kỳ 1): Vòng trầm luân oan nghiệt
Theo đó, ngày 31/1/2024, VKSND TP. HCM đã tổ chức buổi xin lỗi công khai và cải chính đối với ông Nguyễn Văn Khẩn. Sau 30 năm chịu oan trái mới được trả lại sự trong sạch, ông Khẩn xúc động cho biết: “Tôi rất cảm động khi được VKSND TP. HCM quan tâm, xin lỗi. Hiện giờ tôi tuổi già đau bệnh triền miên, tôi đề nghị các cán bộ chứng kiến buổi xin lỗi này phải có kinh nghiệm dày dặn, tránh trường hợp làm oan một người như tôi đã từng bị”.
Cũng tại buổi lễ, bà Vũ Xuân Nhuệ, Trưởng phòng thực hành quyền công tố kiểm sát xét xử phúc thẩm án hình sự đã bày tỏ sự nghiêm túc nhận trách nhiệm. Bà Nhuệ cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc khởi tố oan sai trên là do các cơ quan tiến hành tố tụng chưa xem xét, đánh giá đầy đủ sự việc nên dẫn đến sai phạm. Những vụ sai phạm do người thi hành công vụ gây ra đối với ông Khẩn là tổn thất không thể nào bù đắp về danh dự, tinh thần cho ông và gia đình.
“Cũng qua đây, VKSND huyện Bình Chánh, VKSND TP.HCM và Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM đã thấy được trách nhiệm và rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc trong quá trình tiến hành tố tụng đối với vụ án, đồng thời cam kết thận trọng”, bà Nhuệ nói. Đại diện VKS cũng khẳng định sẽ nâng cao tinh thần trách nhiệm nhiều hơn nữa trong công tác điều tra, truy tố đối với các vụ án hình sự trong thời gian tới để không xảy ra trường hợp oan như đã xảy ra đối với ông Khẩn.
>>Thăng trầm cuộc đời "Vua lốp" (kỳ 2): Vinh quang và cay đắng
Trở lại nội dung vụ án của cựu giám đốc một thời, ngày 12/11/1991, ông Nguyễn Văn Khẩn lúc bấy giờ là Giám đốc Công ty cổ phần Thái Dương, đã ký hợp đồng kinh tế với ông Đặng Kiến Cường để chuyển nhượng 177.800m2 đất tại xã Tân Tạo, huyện Bình Chánh có tổng trị giá 1.019 lượng vàng 96%.
Quá trình thực hiện hợp đồng, ông Cường đã giao cho ông Khẩn 991 lượng vàng 96% để mua diện tích đất nêu trên của 25 hộ dân và ông Khẩn đã trả cho hộ dân 800 lượng vàng, tương đương 123.116m2, trong đó đã làm thủ tục chuyển nhượng cho ông Cường 22.149m2; còn 100.967m2 đang làm thủ tục chuyển nhượng thì ngày 2/10/1992, UBND huyện Bình Chánh có công văn không cho ông Khẩn, ông Cường chuyển nhượng mua bán đất.
Ngày 15/10/1994, ông Cường có đơn khiếu nại ông Nguyễn Văn Khẩn gửi Công an huyện Bình Chánh. Ngày 10/11/1994, Công an huyện Bình Chánh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Khẩn về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.
Ngày 11/4/1995, Viện KSND huyện Bình Chánh ký quyết định chuyển vụ án đến Công an TPHCM với nhận định giá trị tài sản bị thiệt hại lớn, vụ án phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra, xét xử cấp thành phố.
Tuy nhiên, qua công tác điều tra, truy tố, Viện KSND TPHCM nhận thấy ngày 2/10/1992 UBND huyện Bình Chánh có công văn không cho tiếp tục chuyển nhượng mua bán đất. Mặt khác, phía ông Cường cũng có 1 phần lỗi theo Điều 3 của phụ lục hợp đồng, nay đã khắc phục hết hậu quả.
Hợp đồng kinh tế nêu trên là quan hệ dân sự nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Văn Khẩn. Do đó, Viện KSND TPHCM đã ban hành Quyết định hủy bỏ việc tạm giam và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Sau đó, cơ quan tố tụng quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ điều tra bị can ngày 15/11/1997 đối với ông Nguyễn Văn Khẩn.
>>Thăng trầm cuộc đời “Vua lốp”(kỳ cuối): Người anh hùng thời kỳ đổi mới
Chia sẻ với báo chí về cuộc sống của ông mình suốt 30 năm bị oan sai, cựu giám đốc một thời cho biết đó là những ngày tủi cực. Sau khi bị bắt giam 51 ngày, vợ con ly tán, các con ông phải bỏ học. Hiện nay ông Khẩn đang sống một mình trong phòng trọ chỉ 24m2. Ông chia sẻ, nhiều khi đi ăn giỗ còn bị người xung quanh xua đuổi, kỳ thị vì là "thằng tù". "30 năm rồi, chiếm nửa cuộc đời của tôi, không làm được gì, mất danh dự, như người đi trên thảm mà bước xuống vũng bùn, cơ hội mất hết, gia đình ly tán, không thể nào tìm lại được", ông Khẩn nói.
Tuy nhiên, sau tất cả, khi làm việc với các cán bộ Viện KSND TPHCM, ông đã cảm thấy thoải mái hơn, thấy Nhà nước vẫn còn quan tâm đến thân phận oan sai như ông.
Có thể bạn quan tâm