Hiện tại, phần lớn trong các doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng đều ổn định lực lượng sản xuất, không xảy ra tình trạng người lao động không nghỉ việc sau Tết.
>>Miền Trung phát huy tiềm năng thu hút FDI
Các doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng nỗ lực không ngừng để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế để bù đắp những thiệt hại đang đè nặng.
Doanh nghiệp quan tâm người lao động
Thời gian qua, chính quyền cùng doanh nghiệp Đà Nẵng đang nỗ lực để khôi phục kinh tế - xã hội sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Để phục vụ cho các kế hoạch kinh doanh trong năm 2022 và những năm tiếp theo, nhiều doanh nghiệp đã lên phương án tăng cường sản xuất, đảm bảo chuỗi lao động để không xảy ra tình trạng đứt gãy sản xuất gây thiệt hại.
Trong đó, vấn đề giữ chân người lao động là điều doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Bởi trong bối cảnh hiện tại, người lao động được xem là nguồn vốn quý giá của mỗi doanh nghiệp, là bộ phận then chốt giúp doanh nghiệp ổn định phát triển.
Ông Huỳnh Văn Chính - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29/3 cho biết phía Công ty luôn tìm cách tạo động lực làm việc cho hơn 2.000 lao động tại nhà máy. Ngoài việc khích lệ tinh thần, Công ty cam kết trả lương theo sản phẩm và năng lực, tối thiểu từ 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn được đài thọ ăn giữa ca, sau khi thử việc đạt yêu cầu, công nhân được ký Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và tham gia đầy đủ các loại hình BHXH, BHYT, BHTN,...
“Ngoài tiền lương sản phẩm, người lao động còn được thưởng chuyên cần 800.000 đồng/tháng, thưởng nhân các ngày lễ, thưởng tháng lương thứ 13 và thưởng thi đua (theo xếp loại A,B,C hàng tháng) vào cuối năm”, ông Chính chia sẻ.
Ngoài việc giữ chân người lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng đang trong giai đoạn tích cực mở rộng sản xuất. Từ khởi nguồn mở rộng, nhiều doanh nghiệp đã tiến hành tuyển dụng thêm loạt nhân sự, công nhân mới để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng.
Theo ông Nguyễn Thanh Diệp - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng trong phiên tuyển dụng đầu năm 2022 có 81 doanh nghiệp đã gửi thông báo tuyển hơn 6.300 vị trí. Ông Diệp nhận định nhu cầu tìm kiếm lao động của các doanh nghiệp hiện nay là khá lớn, thời gian tới, Trung tâm vẫn thường xuyên cập nhật thông tin tuyển dụng qua các kênh, để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều lao động.
“Đơn vị sẽ duy trì thực hiện kết nối phiên giao dịch việc làm với các tỉnh, thành phố miền Trung, Tây Nguyên qua hình thức trực tuyến mỗi tháng/một lần/địa phương để người lao động các tỉnh có thêm nhiều sự lựa chọn”, ông Diệp cho hay..
Mở rộng quy mô sản xuất
Hiện tại, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đang quản lý 500 doanh nghiệp, với 70.000 công nhân. Trong tổng số 500 doanh nghiệp có 129 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Sau khi tổng hợp báo cáo của các doanh nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp cho hay hiện vẫn chưa ghi nhận doanh nghiệp phản hồi về việc thiếu lao động sản xuất. Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hiện nay cũng đang tăng cao để mở rộng sản xuất.
Theo ông Phạm Trường Sơn – Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp hiện các doanh nghiệp đã thực hiện đón công nhân quay trở lại làm việc, đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đầu năm. Tỷ lệ lao động quay lại làm việc theo thống kê từ doanh nghiệp đạt 98%, công tác sàng lọc, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ mắc COVID-19 được doanh nghiệp quan tâm, chú trọng.
“Hiện tại,các doanh nghiệp đã hoạt động bình thường, các ca nhiễm được phát hiện hằng ngày tại các doanh nghiệp, tuy nhiên chưa có doanh nghiệp nào phải tạm dựng hoạt động do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Về nhu cầu nguồn cung lao động, tùy thuộc vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh đã đề ra từ đầu năm, doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác tuyển dụng lao động qua các kênh hoặc hỗ trợ từ Trung tâm giới thiệu và hỗ trợ việc làm thành phố Đà Nẵng”, ông Phạm Trường Sơn cho hay.
Theo ông Sơn, trong giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì mục tiêu đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu, việc giữ chân cũng như quan tâm đến các chính sách đời sống người lao động được xem là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Thực tế trong thời gian qua, nội dung trên được doanh nghiệp thực hiện tốt.
“Các doanh nghiệp luôn phối hợp với công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động, các chế độ về lương thưởng, phụ cấp và lương tăng ca, chế độ đối với người lao động thực hiện 3 tại chỗ, người lao động nhiễm COVID-19 hoặc thuộc diện cách ly y tế, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đảm bảo tiêm đủ mũi vaccin cho người lao động… Đảm bảo cho người lao động yên tâm làm việc, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp”, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng nói thêm.
Có thể bạn quan tâm