Đà Nẵng nên tập trung đẩy mạnh các sản phẩm mới phù hợp với tiềm năng vốn có, thúc đẩy nguồn nhân lực trở lại làm việc nhằm bảo đảm câu chuyện phục hồi.
>>Kết nối những mảnh ghép của du lịch và nông nghiệp
Trong 6 tháng đầu năm 2023, lượng du khách đến Đà Nẵng đã đạt hơn 3,5 triệu lượt, đạt 83% kế hoạch năm 2023, tuy nhiên ngành du lịch địa phương vẫn chưa thể trở lại.
Tránh lãnh phí tiềm năng
Tại kỳ họp hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng vừa qua, Đại biểu Lê Văn Nghĩa, tổ Đại biểu Liên Chiểu cho rằng du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, trong đó, du lịch đường thủy nội địa đầy tiềm năng nhưng chưa được khai thác một cách đúng mức. Theo đại biểu này, với nhiều lợi thế tự nhiên, nhất là hệ thống sông, hồ đa dạng và cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, các điểm tham quan, du lịch, trải nghiệm, di tích văn hóa, lịch sử,… nằm khá gần hệ thống các sông và không cách quá xa nhau là điều kiện thuận lợi cho du lịch đường thủy nội địa phát triển.
Thông tin từ vị này, giai đoạn 2016-2019, lượng khách du lịch đường thủy tăng trưởng bình quân trên 50%/năm, năm 2019 đạt 726.472 lượt khách, tổng doanh thu của các doanh nghiệp du lịch đường thủy nội địa Đà Nẵng giai đoạn trên đạt 298,643 tỷ đồng, nộp ngân sách 10,469 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế đánh giá, những kết quả nêu trên của lĩnh vực du lịch đường thủy nội địa thành phố còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực đầu tư của thành phố.
“Mức thu từ du lịch đường thủy nội địa chỉ chiếm 4% so với tổng thu từ hoạt động lữ hành, trong đó, nguyên nhân chủ yếu thuộc về chủ quan, khi các chủ trương, quy hoạch, cơ chế, chính sách đã cơ bản đầy đủ thì vai trò của các sở ngành chức năng liên quan và trách nhiệm phối hợp liên ngành trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ còn hạn chế, các hạng mục, dự án ưu tiên đầu tư đến năm 2022 đều chậm tiến độ.
Cùng với đó là hệ thống điểm đến, các sản phẩm du lịch trên các tuyến thủy chưa được quan tâm theo các đề án du lịch đã được phê duyệt, các cơ chế, chính sách đã được ban hành nhưng thiếu sự phổ biến, công khai nên chưa đạt được kết quả như mong muốn, nhất là việc kêu gọi đầu tư xã hội hóa, một số bến cảng đã đầu tư nhưng khai thác không hiệu quả gây lãng phí nguồn lực…”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
Theo vị này, hiện tại các sản phẩm du lịch tại Đà Nẵng gần như bão hòa, chưa có sự khác biệt, đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác, thì việc phát triển du lịch thủy nội địa với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có là một hướng đi quan trọng của ngành du lịch. TP Đà Nẵng có sông, biển và núi cùng những cảnh quan, nhiều sản vật, địa chỉ văn hóa độc đáo vẫn đang được khai thác, bảo tồn, phát triển, với những lợi thế, tiềm năng như vậy, nếu khai thác không có hiệu quả đối với nguồn tài nguyên quý giá này, đó là một sự lãng phí to lớn.
Vì vậy, địa phương cần có những phương án về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng cho du lịch đường thủy, làm rõ cơ hội, thách thức khi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Song song với đó, Đà Nẵng cũng cần xem xét đến tính khả thi tại các khu vực tiềm năng đối với không gian du lịch, đề ra giải pháp tập trung kêu gọi đầu tư du thuyền và tàu thủy lưu trú đêm, du thuyền cao cấp và tàu du lịch cao cấp dưới 30 chỗ hoạt động trên Sông Hàn, cửa biển Đà Nẵng, vịnh Đà Nẵng,...
Khôi phục nguồn nhân lực
Khi dịch Covid-19 diễn ra, ngành du lịch là ngành đầu tiên chịu ảnh hưởng và hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, lưu trú tại Đà Nẵng đều tạm dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Trong đó, nhiều đơn vị đã phải cắt giảm gần 70-80% nhân sự, chỉ giữ lại những nhân sự chủ chốt để vận hành.
Và hiện nay, khi ngành du lịch đang bắt đầu “ấm” trở lại bên cạnh việc thiếu vốn thì nhiều doanh nghiệp gặp tình trạng thiếu nguồn nhân lực. Nguyên nhân là do nhân sự ngành du lịch đã chuyển công việc và không thể nghỉ để quay trở lại nghề, còn công tác đào tạo thì khá hạn chế.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc công ty Vận tải và Du lịch Vitraco cho rằng doanh nghiệp du lịch hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tái thiết các hoạt động. Đồng thời, vị này cũng nhìn nhận xu hướng du lịch hiện nay có sự thay đổi.
“Đối với khách lẻ, họ thích đi du lịch tự túc hơn thông qua các dịch vụ trực tuyến. Còn đối với khách đoàn nội địa, lượng khách từ các công ty giảm mạnh, vì tình hình kinh doanh của các công ty đều gặp khó khăn”, ông Tùng nói.
Tương tự, ông Lâm Trí Quang, Giám đốc điều hành Grand Tourane Hotel Danang thông tin khi doanh nghiệp hoạt động trở lại phải chịu nhiều chi phí vận hành. Song song, đơn vị cũng phải thực hiện tuyển dụng, đào tạo lại cho nhân viên,.... và hiện nay doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn lỗ.
Ở góc độ quản lý, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho hay hiện nay trên địa bàn thành phố đã có gần 1.100 cơ sở lưu trú quay lại hoạt động. Đối với nguồn nhân lực của ngành, ông Bình thông tin số lượng quay trở lại làm việc đã tương đối, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn thiếu ở các lực lượng quản lý cấp trung và cấp cao.
Ngoài vấn đề về khôi phục nguồn nhân lực, ông Bình cũng cho rằng Đà Nẵng đang hướng đến phát triển các sản phẩm mới để gia tăng tính cạnh tranh giữa các điểm đến. Theo vị này, nếu tận dụng tốt những lợi thế sẵn có của thành phố như đường bờ biển đẹp, kết nối được với nhiều điểm du lịch ở các địa phương khác để tạo ra những sản phẩm du lịch, sự kiện mới thì địa phương sẽ trở thành điểm đến của sự kiện và hội nghị.
Theo ý kiến từ các doanh nghiệp, Đà Nẵng cần có chính sách khuyến khích các trường đại học đào tạo chuyên sâu cho vị trí nhân sự cấp cao. Đồng thời, khuyến nghị các cơ sở đào tạo nên có phương án xây dựng nền móng vững chắc về đa ngôn ngữ cho sinh viên để đáp ứng nhu cầu của thực thế.
Đối với việc phát triển các sản phẩm mới, cần thêm hiều hoạt động du lịch ban đêm để khách du lịch có thể chi tiêu trải nghiệm mang lại nguồn thu cho địa phương. Đặc biệt, Đà Nẵng cũng nên chú trọng thêm vào phát triển du lịch Golf và du lịch MICE, du lịch chữa lành và du lịch sinh tồn – trải nghiệm,... để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Có thể bạn quan tâm