Bên cạnh ưu tiên phát triển du lịch và công nghệ thông tin, Đà Nẵng đang bồi đắp các nguồn lực cho sự phát triển của ngành logistics.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 5 đơn vị hành chính gồm Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định được xác định có vị trí chiến lược trong sự kết nối với khu vực và quốc tế. Mặc dù điều kiện thuận lợi và có nhiều ưu đãi song thực tế miền Trung vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.
Cảng Liên Chiểu sẽ là cảng cửa ngõ
Con số thống kê cho thấy với gần 20 cảng biển lớn, nhỏ nhưng tổng sản lượng hàng qua cụm cảng của vùng chỉ chiếm một thị phần nhỏ của cả nước.
Vài nguyên nhân được ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam chỉ ra là do mật độ cảng biển dày đặc nên nguồn vốn đầu tư dàn trải, quy mô đầu tư dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ, thiếu cầu bến cho tàu trọng tải lớn, đặc biệt là các bến cho tàu container vận hành trên tuyến biển xa. Do vậy, các cảng miền Trung chỉ mới hoạt động mang tính chất gom hàng rồi đem đến các cảng Hải Phòng hoặc TP HCM để xuất hàng.
Trong Quy hoạch phát triển hệ thống Trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2015 đã xác định vùng miền Trung - Tây Nguyên hình thành và phát triển 6 Trung tâm Logistics hạng I, hạng II và 1 Trung tâm Logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế...
Theo đó, điều kiện đầu tiên của phát triển hệ thống và trung tâm logistics của Vùng, theo PGS. TS. Bùi Tất Thắng, Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư: phải đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các loại như giao thông, kho tàng, bến bãi, CNTT, cung cấp điện, nước.. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, ông Thắng cho rằng cần đặc biệt có cơ chế, chính sách hợp lý, hấp dẫn đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thu hút các doanh nghiệp logistics lớn trong nước và quốc tế trực tiếp góp vốn xây dựng trung tâm logistics.
Tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX mới đây, TP Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ Logistics thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2045.
Nghị quyết này tiếp thu các góp ý của các chuyên gia. Trong đó, xác định mục tiêu “phát triển TP Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, đặc biệt “Cảng Liên Chiểu sẽ được sử dụng như cảng cửa ngõ của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics của các nước ASEAN và các nước Châu Á Thái Bình Dương”.
Theo đó, quan điểm quy hoạch là hệ thống Trung tâm logistics gắn kết hợp lý với Quy hoạch phát triển thương mại, công nghiệp, giao thông, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng khác của Đà Nẵng và khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời, tính đến khả năng khai thác lâu dài đảm bảo dành quỹ đất đủ để bố trí phát triển các khu chức năng đáp ứng.
Có thể bạn quan tâm
16:22, 16/05/2018
06:00, 09/07/2018
06:00, 12/05/2018
11:30, 29/04/2018
01:37, 23/04/2018
08:18, 16/04/2018
09:43, 06/04/2018
05:30, 05/04/2018
05:05, 14/06/2018
Huy động nguồn lực xã hội
Ông Đặng Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: “Dự kiến đến 2020 trung tâm logistics trên địa bàn TP sẽ đáp ứng 25 % về lượng xử lý logistics cho luồng hàng hóa qua cảng biển, 2025 là 30%, 2030 là 35%, đến 2050 là 55%. Đối với luồng hàng hóa qua cảng hàng không tương ứng là 10%, 15%, 20%, 40%. Đối với luồng hàng hóa qua đường sắt 2030 là 20%, 2050 là 40%”.
Để đạt được các mục tiêu trên, TP bắt đầu bằng phát triển các trung tâm logistics dựa trên huy động nguồn lực xã hội - đảm bảo nguồn lực cả từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo lộ trình, phát triển cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ logistics có trọng tâm trên cơ sở xác định quy mô trung tâm logistics chính, số lượng, vị trí các trung tâm logistics vệ tinh phù hợp với từng thời kỳ. Quá trình thực hiện tận dụng các ưu thế của địa phương trong phát triển hệ thống hạ tầng, hướng đến đáp ứng nhu cầu dịch chuyển, xử lý dòng hàng hóa phát sinh của TP, các tỉnh lân cận và một phần lượng hàng hóa từ hành lang kinh tế đông tây (gồm Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam - PV) .
Thành phố sẽ xây dựng 1 trung tâm logistics cấp vùng và các trung tâm logistics cấp tỉnh gồm trung tâm logistics Cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics Hòa Nhơn, trung tâm logistics Ga hàng hóa Kim Liên mới, trung tâm logistics Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, trung tâm logistics công nghiệp khu Công nghệ cao, các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác.
Nghị quyết này xác định ưu tiên thu hút đầu tư vào các cơ sở hạ tầng logistics nhằm lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, đạt hiệu quả cao, đơn giản hóa các thủ tục, tránh chồng chéo nhiệm vụ quyền hạn giữa các cơ quan liên quan,
Các giải pháp cũng được TP đề ra để nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics gồm khắc phục yếu kém của doanh nghiệp logistics nội địa so với các đối thủ quốc tế, tăng cường hợp tác, liên kết hoạt động logistics giữa doanh nghiệp trong khu vực, tạo dựng lợi thế cạnh tranh riêng biệt về dịch vụ logistics cho các doanh nghiệp logistics nội địa và các giải pháp về nguồn nhân lực.