Là địa phương có thế mạnh về du lịch, vì vậy Đà Nẵng đang tận dụng tiềm năng này để quảng bá, đẩy mạnh xuất khẩu cho hệ thống sản phẩm trên địa bàn.
>>Doanh nghiệp tung ưu đãi tour nhằm hút khách trong mùa du lịch trầm lắng
Theo báo cáo của Cục thống kê Đà Nẵng, hoạt động du lịch Đà Nẵng phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tính chung 8 tháng năm 2023, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 15.264 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh thu lĩnh vực lưu trú ước đạt 6.580 tỷ đồng (tăng 65,7%), lĩnh vực ăn uống đạt 8.684 tỷ đồng (tăng 23,1%) so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 5.145 nghìn lượt, khách quốc tế 1.376 nghìn lượt, khách trong nước đạt hơn 3.768 nghìn lượt. Tổng số lượt khách do cơ sở lữ hành phục vụ tính chung 8 tháng năm 2023, ước đạt gần 977 nghìn lượt. Lĩnh vực du lịch tăng trưởng trở tại đã tạo thêm động lực cho nền kinh tế địa phương, trong đó có công tác quảng bá sản phẩm cũng đang có thêm nhiều cơ hội. Đặc biệt, các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP,... có nhiều lợi thế vì dễ dàng tiếp cận đến khách du lịch.
Theo bà Mai Thị Ý Nhi, đại diện Công ty TNHH Mỹ Phương Food, doanh nghiệp đã có được cơ hội xuất khẩu sản phẩm thông qua khách du lịch. Cụ thể, vị này cho hay khách du lịch khi đến Đà Nẵng đã mua và dùng thử sản phẩm bánh dừa nướng thương hiệu Mỹ Phương Food và kết nối xuất khẩu từ nhiều năm nay. Ngoài ra, giữa tháng 3 vừa qua đơn vị đã xuất khẩu lô hàng 7 container sang thị trường Trung Quốc, là sản phẩm OCOP đầu tiên của Đà Nẵng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
“Ngoài thị trường Trung Quốc, chúng tôi đang tiếp cận, hiện sản phẩm của Công ty đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Lào (tất cả đều theo đường chính ngạch). Đơn vị cũng tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản khi xuất hàng đi thị trường Nhật Bản. Doanh nghiệp sẽ nỗ lực để đưa sản phẩm của mình có thể có mặt ở các nước, khẳng định giá trị và tự hào của người Việt”, bà Nhi thông tin.
Tương tự, bà Nguyễn Thanh Huyền, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Anh Maca (tỉnh Lâm Đồng) cho hay Đà Nẵng là thành phố du lịch, đông dân, thời gian qua địa phương đã thu hút lượng lớn khách du lịch, trong đó có khách du lịch quốc tế rất lớn. Vị này cho rằng đây là cơ hội để doanh nghiệp kết nối với các du khách này, xúc tiến thương mại ngay tại Đà Nẵng.
“Doanh nghiệp luôn mong muốn tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm ở các thành phố lớn như TP. Đà Nẵng, từ đó kết nối được các đầu mối, kênh phân phối để tăng tiêu thụ các sản phẩm địa phương”, bà Huyên nói.
Theo tìm hiểu, tại chợ đêm Sơn Trà đang dần trở thành địa chỉ có sức hấp dẫn lớn đối với người dân địa phương cũng như du khách trong và ngoài nước. Theo ghi nhận, có tới 80-85% du khách đến Đà Nẵng đều ghé đến để mua sắm, ăn uống. Để tăng cường quảng bá sẩn phẩm cũng như phục vụ nhu cầu của khách du lịch, Công ty CP DHTC Đa Năng (đơn vị quản lý) đã chính thức đưa vào hoạt động “Điểm bán hàng OCOP và sản phẩm tiêu biểu” tại chợ đêm Sơn Trà với 250 mặt hàng của 38 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành.
Theo ông Đỗ Ngọc Thi Ca, Giám đốc Công ty CP DHTC bên cạnh các hoạt động tham quan, vui chơi, tắm biển... thì khách du lịch rất thích thú khi đến chợ đêm Sơn Trà để mua sắm và thưởng thức ẩm thực. Thông tin từ vị này, đơn vị sẽ sắp xếp, tổ chức làm mới lại chợ cho thật hấp dẫn như trang trí không gian với ánh sáng màu sắc bắt mắt, mời các ban nhạc nước ngoài đến biểu diễn hằng tuần tại khu trung tâm để phục vụ du khách.
“Để chợ đêm tạo được nét riêng cho Đà Nẵng, công ty động viên hộ kinh doanh đưa thêm nhiều mặt hàng có chất lượng như hàng OCOP vào phục vụ khách hàng, vì xu hướng tiêu dùng hiện nay là sử dụng những sản phẩm sạch, an toàn”, ông Ca cho hay.
Thông tin từ bà Nguyễn Thị Thuý Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng các điểm bán hàng OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại chợ đêm Sơn Trà là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại của thành phố. Qua đó, địa phương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối giao thương, kết nối cung cầu… để tìm kiếm, phát triển thị trường và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
“Việc trưng bày các sản phẩm đã và đang triển khai các điểm trưng bày như tại chợ đêm Sơn Trà, tại các chợ, siêu thị, các điểm du lịch… để giúp người dân, du khách có cơ hội tiếp cận, nhận diện nhiều hơn”, bà Mai cho biết.
Hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn TP. Đà Nẵng, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại của khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Thời gian tới, địa phương sẽ thu hút và phát triển mới 5 trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm hiện đại phục vụ du lịch, các siêu thị, trung tâm thương mại miễn thuế,... để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận.
Có thể bạn quan tâm