Vừa qua, dự án “Đầu tư máy phân cỡ tôm thông minh” của công ty Thuỷ sản Miền Trung đã được sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng trao kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ.
Trước đó, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1314/QĐ-UBND ngày 24/6/2024 về việc hỗ trợ chi phí mua thiết bị phục vụ đổi mới công nghệ cho công ty CP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Miền Trung trong dự án đầu tư “Máy phân cỡ tôm thông minh” với tổng kinh phí là 890 triệu đồng.
>>https://diendandoanhnghiep.vn/da-nang-noi-hoi-tu-va-ket-noi-dau-tu-startup-voi-cac-quy-dau-tu-quoc-te-265213.html
>>>>>https://diendandoanhnghiep.vn/da-nang-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-bao-ho-quyen-so-huu-tri-tue-262512.html
Chia sẻ về việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của TP. Đà Nẵng ông Dương Hoàng Văn Bản – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, tính đến cuối tháng 6/2024, thông qua các chương trình hỗ trợ và các chương trình ươm tạo, Đà Nẵng đã phát triển được 172 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và thành lập được 72 doanh nghiệp.
Từ năm 2017 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ cho 70 lượt doanh nghiệp, giải ngân kinh phí hỗ trợ là 9.371 triệu đồng. Trong đó, một số doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động đổi mới công nghệ như: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung, Công ty Cổ phần Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Công ty TNHH Châu Đà, Công ty Cổ phần Công nghệ QCM, Công ty Cổ phần Điện Trường Giang, Công ty Cổ phần Công nghệ Đức Huy,… đây là những đơn vị đi đầu trong hoạt động nghiên cứu tạo công nghệ, chế tạo máy móc thiết bị công nghệ, mua thiết bị công nghệ phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường.
Có thể thấy, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của Đà Nẵng đã có hiệu quả thiết thực trong thực tiễn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, đời sống và góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất.
Từ những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Anh Thi – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đánh giá cao các hoạt động đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, cũng như công tác hỗ trợ doanh nghiệp của Sở Khoa học và Công nghệ trong thời gian vừa qua. Đồng thời cũng ghi nhận sự chủ động, tích cực trong hoạt động đổi mới công nghệ của công ty CP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Miền Trung. Qua đây bà Anh Thi cũng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng tiếp tục chủ trì, phối hợp với các sở ngành, chủ động tham mưu các biện pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách của thành phố đã được ban hành và ưu tiên cho các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Bà Anh Thi cho biết, TP. Đà Nẵng đã có những chính sách đặc thù riêng và được triển khai có hiệu quả trong thực tế, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, thay thế được hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường. Việc triển khai thực hiện chính sách đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất và đời sống và góp phần phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất. Chính sách đã ngày càng đi vào thực tiễn và được doanh nghiệp tiếp cận và đề xuất hỗ trợ phục vụ cho hoạt động đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất tại doanh nghiệp.
Đại diện cho doanh nghiệp được trao kinh phí hỗ trợ đổi mới công nghệ năm 2024, bà Trần Như Thiên Mỵ - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung chia sẻ, quyết định từ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp một cách cụ thể và đi đến cùng của UBND TP. Đà Nẵng là một sự động viên, khích lệ rất lớn giúp Công ty tiếp tục con đường đổi mới công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Theo bà Thiên Mỵ , trong quá trình sản xuất kinh doanh, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Công ty đã mạnh dạn đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị công nghệ cao, công nghệ mới. Máy phân cỡ tôm thông minh, sử dụng nguyên lý xác định trọng lượng bằng tạo hình ảnh và phân tích laser từng con tôm với độ chính xác cao và độ đồng nhất rất tốt, có chế độ báo cáo thống kê theo nhật ký từng lô, từng nguồn, từng ngày của tất cả phân loại – đây là công nghệ mới nhất hiện nay, cho công suất lớn nhất từ trước đến nay của Công ty.
“Trước đây, việc phân cỡ tôm chủ yếu bằng tay, tốn nhiều lao động có tay nghề cao, nhưng năng suất thấp, độ chính xác không cao, đặc biệt ở cuối ca, khi người lao động đã thấm mệt, mỏi mắt thì năng suất và độ chính xác sẽ kém đi rõ ràng. Vì vậy, việc đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, có tính chất công nghệ cao đã giúp Công ty tăng năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường trong nước cũng như tại các thị trường quốc tế, giúp Công ty duy trì và cải thiện được vị thế nằm trong Top 30 doanh nghiệp xuất khẩu Tôm thẻ chân trắng của Việt Nam và Top 5 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu Tôm vào thị trường Nhật trong 3 năm qua”, bà Trần Như Thiên Mỵ cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm