Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc hiện đang triển khai thi công 5/11 gói thầu, sản lượng thi công dự án đạt 5%.
>>>Khởi công dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc
Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng ADB và Chính phủ Úc tài trợ. Dự án được khởi công từ tháng 12/2021 với tổng mức đầu tư hơn 5.370 tỷ đồng, tương đương 236,673 triệu USD. Trong đó, 188,363 triệu USD vốn vay ADB; 4,481 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc và 43,829 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc gồm 2 tuyến kết nối. Tuyến thứ nhất, kết nối thành phố Lai Châu với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài khoảng 147km thiết kế với tiêu chuẩn đường cấp III miền núi, gồm chiều dài tuyến nâng cấp cải tạo 132,8 km và chiều dài tuyến xây dựng mới hơn14 km. Trong đó, đoạn trên địa bàn tỉnh Lai Châu có chiều dài 83 Km, được chia làm 5 gói thầu. Hiện nay đã phát lệnh khởi công được 1 gói thầu vào tháng 12/2021 và 2 gói thầu đã ký hợp đồng, đang chuẩn bị phát lệnh khởi công. Cùng với đó, 2 gói thầu đang tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Tuyến thứ hai kết nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài hơn 51 km. Trong đó, chiều dài đoạn nâng cấp cải tạo 46,8 km, đoạn xây dựng mới dài 4,6 km. Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu - ông Trần Tiến Dũng nhận định, dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc rất quan trọng không chỉ đối với tỉnh Lai Châu mà còn đối với quốc gia, chính vì vậy Lai Châu luôn xác định được trách nhiệm của tỉnh trong công việc chung và trong phối hợp triển khai dự án. Tỉnh đã thành lập Tổ hỗ trợ giải phóng mặt bằng do Giám đốc Sở Giao thông vận tải làm Tổ trưởng và nhiều cơ quan có liên quan cùng phối hợp thực hiện; tổ chức họp hàng tuần.
Theo lãnh đạo tỉnh Lai Châu, đến thời điểm hiện tại, trong quá trình triển khai dự án vẫn còn một số khó khăn. Đối với chuyển mục đích sử dụng rừng, tỉnh Lai Châu đã báo cáo lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đến hiện tại Bộ mới có hướng dẫn điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng và yêu cầu phải thông qua tại Kỳ họp HĐND tỉnh mới đủ căn cứ, do đó tỉnh Lai Châu đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục cần thiết. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai dự án còn thiếu ngân sách thực hiện giải phóng mặt bằng; khó khăn trong di dời hạ tầng viễn thông, điện để bàn giao mặt bằng...
>>>Lai Châu: Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng Dự án kết nối giao thông miền núi phía Bắc
>>>PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn: 6 nhóm vấn đề cần làm rõ để phát triển Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc
Theo ông Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc đoạn qua địa phận huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Hiện công tác đo đạc, lập bản đồ giải phóng mặt bằng đã hoàn thành xong cả 03 gói thầu; công tác kê khai, kiểm đếm đã hoàn thành cả 03 gói thầu. Đến nay, UBND huyện đã ban hành thông báo thu hồi đất 1.330/1621 hộ có đất thu hồi, còn 291 hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến rừng chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục địch sử dụng nên chưa ban hành thông báo thu hồi đất.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, dự án ảnh hưởng đến 32,46 ha rừng, gồm 22,46858 ha rừng tự nhiên; 9,99497 ha rừng trồng. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu cho UBND tỉnh đưa phần diện tích rừng phải thu hồi của dự án ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng theo đề nghị của Ban Quản lý dự án 2. Cùng với đó, trong quá trình triển khai dự án vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng 32,46 ha rừng (36,6 km dọc theo tuyến) nên phần diện tích này chưa có căn cứ ban hành thông báo thu hồi đất; một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, số liệu trong Ma trận quyền lợi của dự án đã được ADB thông qua ở gói XL-01, XL-02, XL-03 đã đưa số liệu về số hộ, diện tích thu hồi… theo số liệu khảo sát chưa chính xác hoặc áp dụng theo Điều, Khoản cụ thể của Quyết định số 26/2021/QĐ-UBND ngày 14/5/2021 của UBND tỉnh (hiện đã bãi bỏ). UBND tỉnh Lào Cai đã có ý kiến nhưng không được ADB chỉnh sửa; Dự án chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Chủ trương đầu tư dự án; các bãi đổ thải của dự án không có thu hồi, GPMB có nguy cơ dẫn đến khó khăn trong việc đổ thải của nhà thầu thi công...
Theo đó, tỉnh Lào Cai kiến nghị Ngân hàng ADB xem xét chỉnh sửa một số nội dung Kế hạch tái định cư cập nhật và kế hoạch phát triển dân tộc thiểu số cập nhật cho gói thầu XL-01, XL-02, XL-03; đề nghị Bộ GTVT sớm trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để đảm bảo nguồn vốn, tính pháp lý thực hiện xây dựng các khu tái định cư cho dự án. Cho phép sử dụng kinh phí bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư để thực hiện xây dựng trước 04 khu tái định cư với kinh phí khái toán khoảng 51 tỷ đồng, trong khi trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án; đề nghị Bộ GTCV phối hợp với Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để làm căn cứ thu hồi đất…
Theo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc hiện đang triển khai thi công 5/11 gói thầu, đạt sản lượng 5%, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Trong tháng 9/2022, dự kiến khởi công 4 gói thầu, gồm: XL03, XL10, XL02 và XL04. Còn lại, hai gói thầu XL07 và XL11 đang tiến hành đánh giá hồ sơ dự thầu, dự kiến ký hợp đồng trong tháng 10/2022. Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu đại diện chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành lựa chọn nhà thầu các gói thầu còn lại để triển khai thi công, đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2024.
Tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu về tiến độ triển khai Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc ngày 22/09, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự phối kết hợp giữa Bộ Giao thông vận tải với các địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Giám đốc Sở Giao thông vận tải 3 tỉnh trực tiếp nắm bắt tiến độ triển khai, trực tiếp theo dõi giám sát quá trình triển khai Dự án và báo cáo UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải; Sở Giao thông vận tải phối hợp với Ban Quản lý Dự án 2 nắm chắc tình hình giá cả vật liệu, quy hoạch bãi đỗ thải gắn với mục đích lâu dài như san lấp, đắp nền kết hợp với tránh sạt lở, tạo quỹ đất phục vụ tái định cư. Ban Quản lý Dự án 2 bám sát hiện trường, kiểm soát chặt chẽ nhà thầu đã trúng thầu, nhất là hồ sơ năng lực, đưa người máy móc thiết bị triển khai thực hiện và báo cáo địa phương nắm bắt cùng áp sát với Bộ Giao thông vận tải trong quá trình triển khai.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng phải có trọng tâm, trọng điểm, nơi nào có nhà thầu, thuộc diện thi công tốt, điều kiện thuận lợi tập trung làm trước; chủ động làm việc với các đơn vị có liên quan đến các hạ tầng viễn thông, điện để cam kết thời gian và tiến độ di dời; các địa phương hoàn thiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thông qua Kỳ họp HĐND tỉnh cùng cấp để trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đảm bảo theo quy định. Đồng thời khẳng định, Bộ sẽ đặc biệt quan tâm điều chỉnh vốn phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Thông tư về phí, lệ phí lĩnh vực giao thông vận tải chưa đảm bảo tính minh bạch
03:00, 21/09/2022
Hải Phòng: "siết chặt" xử lý vi phạm an toàn giao thông
00:02, 21/09/2022
“Trục xương sống” hạ tầng giao thông
03:17, 18/09/2022
Cân nhắc việc công bố thông tin giao thông dưới dạng dữ liệu mở
03:20, 16/09/2022
Tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông
08:09, 31/08/2022
Long An: Hạ tầng giao thông đồng bộ
13:55, 31/08/2022
Giải bài toán giao thông và nhân lực, nâng tầm quan hệ Việt – Lào
08:00, 01/09/2022