Trong phiên khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã gợi mở một số vấn đề Đà Nẵng cần lưu ý quan tâm.
Ngày 21/10, thành phố Đà Nẵng đã khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Tại buổi khai mạc có sự tham dự của Phó Thủ tướng thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình cùng các đại biểu.
Sau khi nghe các báo cáo của thành phố, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cơ bản thống nhất với các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển của thành phố đưa ra. Đồng thời, Phó Thủ tướng chúc mừng và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những kết quả khá toàn diện mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Phó Thủ tướng thông tin, kinh tế thành phố duy trì nhịp độ tăng trưởng khá với GRDP giai đoạn 2016 - 2019 tăng 7,5%/năm, nhưng do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 tăng trưởng năm 2020 của Thành phố ước tính âm 9,3%, do vậy tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 4%/năm, GRDP bình quân đầu người chỉ đạt gần 3.700 USD/năm 2020 so với 2019 đạt 4.000 USD, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng với khu vực dịch vụ chiếm 65%, công nghiệp - xây dựng hơn 22%...; các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển, nổi bật trong đó là các ngành dịch vụ, nhất là du lịch đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tiếp tục thực hiện tốt, bảo đảm đồng bộ, có trọng điểm, diện mạo của thành phố tiếp tục thay đổi nhanh, phát triển theo hướng hiện đại, thân thiện và bền vững.
Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá, xây dựng con người thành phố Đà Nẵng phát triển toàn diện được quan tâm. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo được quan tâm đầu tư; các chương trình thành phố “4 an”, “5 không”, “3 có” đậm tính nhân văn được triển khai hiệu quả, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện; công tác giảm nghèo giai đoạn 2016 -2020 về đích trước 2 năm.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng hoan nghênh thái độ nghiêm túc tự nhìn nhận của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố trong việc thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn hạn chế như: Công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trên một số mặt còn hạn chế; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn yếu; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn chậm đổi mới nội dung, phương thức làm việc.
"Kinh tế thành phố tuy có tăng trưởng nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, chưa đạt yêu cầu của một đô thị động lực phát triển của khu vực miền Trung (với tỷ trọng GRDP chỉ chiếm 1,65% cả nước), chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng cũng như phát huy lợi thế mà thành phố đang có. Những năm trở lại đây, tăng trưởng kinh tế của thành phố có phần suy giảm, phát sinh nhiều vấn đề phức tạp của một đô thị lớn đang phát triển. Dư địa phát triển, nhất là quỹ đất sạch dành cho việc thu hút đầu tư không còn nhiều. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng." Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Cũng theo Phó Thủ tướng, thời gian tới tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, trong đó có Biển Đông và đặc biệt là tác động chưa lường hết được của đại dịch COVID-19. Cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, có tác động và ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng tác động mạnh đến nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước ta.
Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết toàn diện như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA... sẽ tác động đến Đà Nẵng trong 5 năm tới trên nhiều lĩnh vực. Vì vậy, với vị trí chiến lược quan trọng, có nhiều tiềm năng, lợi thế, là một trong những trung tâm KT-XH lớn của cả nước, thành phố cần chủ động dự báo các tình huống để khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế; đồng thời cũng hạn chế những tác động bất lợi để đề ra mục tiêu, nhiệm vụ mang tính đột phá quyết liệt để phát triển KT-XH.
"Chủ đề của Đại hội thể hiện sự quyết tâm, khát vọng vươn lên phát triển phồn vinh và hạnh phúc của Đảng bộ và Nhân dân Đà Nẵng. Đồng thời cũng là định hướng đúng đắn để Đà Nẵng tiếp tục sáng tạo, đổi mới, tăng tốc quyết liệt phát triển mạnh mẽ, thực sự là điểm sáng, là một cực tăng trưởng của đất nước, là “nơi đáng sống” của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước, là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, là điểm đến của du khách quốc tế." Phó Thủ tướng chia sẻ trước Đại hội.
Thông qua Đại hội, Phó Thủ tướng thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình cũng gợi mở một số vấn đề thành phố cần lưu ý trong thời gian tới. Cụ thể:
Một là, Đảng bộ thành phố cần quán triệt và xác định công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong trong đổi mới là mục tiêu, nhiệm vụ then chốt.Kiên trì, kiên quyết thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu các tổ chức cơ sở đảng, thực sự thể hiện được vai trò nòng cốt, bản lĩnh trong lãnh đạo; phát huy dân chủ, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, đồng thuận trong xã hội; chú trọng công tác tư tưởng, chính trị, đạo đức; nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Quan tâm xây dựng, đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đảm bảo tính kế thừa, không để hụt hẫng; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đảng bộ thành phố cần xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
Tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác phòng chống tham nhũng và phòng chống các biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, không để những sai phạm trong quá khứ làm suy giảm sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố, gây tâm lý co cụm, sợ sai, ngại va chạm, không dám làm.
Đồng thời, mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần "thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm và nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa", như lời Tổng Bí thư đã nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII.
Đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp. Phấn đấu hoàn thiện nền tảng mô hình thành phố thông minh, chính quyền số. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh đồng thuận của người dân trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách vì lợi ích phát triển chung thành phố, lấy người dân làm trung tâm phát triển, trong đó chất lượng cuộc sống của người dân phải đạt ở mức cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh đồng thời với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng cần tập trung xây dựng cơ sở chính trị, nhất là tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp, khu dân cư trên địa bàn thành phố, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Hai là, Đà Nẵng cần lập, triển khai, quản lý tốt quy hoạch thành phố có tầm nhìn rộng mở, phù hợp quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch, giúp thu hút các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Đà Nẵng cần xác định tiếp tục thực hiện 3 đột phát chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số là một giải pháp để Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững (Đà Nẵng có điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho phát triển lĩnh vực này), khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội, động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đà Nẵng phải xung phong đi đầu trong phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, trở thành đầu tàu dẫn dắt sự phát triển trong vùng. Để thực hiện mục tiêu đó, Đà Nẵng cần tăng cường ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới mạnh mẽ mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; ưu tiên nguồn lực thích đáng để đầu tư phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, xem đây là động lực quan trọng để phát triển thành phố thời gian tới; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững.
Tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhiệm kỳ 2020-2025 mà Đại hội đề ra, nhất là thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng; tập trung xây dựng hạ tầng, phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số; đặt ra mục tiêu đưa Đà Nãng trở thành một trung tâm mạnh về công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường đại học để sánh ngang với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện mục tiêu đưa kinh tế số chiếm 20% GDP cả nước vào năm 2025 theo Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong các trường đại học, doanh nghiệp, khu công nghiệp, coi đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đà Nẵng cần liên kết phát triển với cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, trước hết là liên kết về giao thông đường bộ theo trục dọc nối với Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên về phía Nam, với Thừa Thiên Huế về phía Bắc và trục ngang kết nối hệ thống cảng biển, sân bay với khu vực Tây Nguyên để phát huy vị trí cửa ngõ phía Đông của Đà Nẵng mở rộng hợp tác với khu vực tiểu vùng sông Mekông, khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, góp phần vào tăng trưởng của đất nước.
Là trung tâm du lịch hàng đầu của Việt Nam, đóng góp 60% vào GRDP của thành phố, được tạp chí New York Times ví như ”Mai-a-mi của Việt Nam”, là điểm đến ưa thích của du khách trong và ngoài nước (năm 2019 đã đón gần 9 triệu lượt khách, trong đó gần 4 triệu khách quốc tế), Đà Nẵng có hệ thống di sản văn hóa và tài nguyên du lịch phong phú, hấp dẫn như Bà Nà Hill, bãi biển Mỹ Khê, bán đảo Sơn Trà, chùa Linh Ứng, nhà thờ Chính tòa, làng đá Non Nước, bảo tàng điêu khắc Chăm, Lễ hội pháo hoa quốc tế hàng năm, Cuộc thi dù quốc tế, thi chạy Marathon quốc tế... và nhiều khách sạn, resort đẳng cấp, ẩm thực đa dạng, con người thân thiện, mến khách, môi trường an toàn, nên Đà Nẵng cần phát huy tiềm năng, thế mạnh của riêng mình, đồng thời kết nối với danh lam, thắng cảnh của các tỉnh trong vùng như Thánh địa Mỹ Sơn, Hội An, cố đô Huế...
Nhanh chóng khôi phục du lịch an toàn - ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19; đẩy mạnh đầu tư phát triển du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế đi đôi với tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng. Tiếp tục huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đề xuất các cơ chế, chính sách xây dựng Đà Nẵng trở thành Trung tâm tài chính quy mô khu vực; đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hình thành cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế.
Tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thực chất, công khai, minh bạch; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, của doanh nghiệp; đánh giá đúng, kịp thời, có giải pháp nhanh chóng, hiệu quả đối với những ”điểm nghẽn” cản trở sự phát triển; tiếp tục giữ vững thứ hạng cao trong xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thúc đẩy kinh tế tư nhân, đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển và đầu tư trong nước, tập trung vào các dự án lớn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường phù hợp với quy hoạch ngành nghề thành phố, ưu tiên những ngành nghề như công nghệ thông tin, tài chính, chế biến chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, y tế, logistics, năng lượng tái tạo, nhất là điện sinh khối ở đô thị đang phát triển nhanh như Đà Nẵng... phát triển kinh tế biển theo Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 22/01/2018 về phát triển bền vững kinh tế biển, hướng đến 2 mục tiêu quan trọng là phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo, chú trọng xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá, phát triển mạnh đội tàu hiện đại đánh bắt xa bờ, bảo quản hải sản trên biển.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là cho các dự án có vốn đầu tư lớn, có khả năng hoàn thành nhanh, tạo sức lan tỏa phát triển KT-XH của thành phố năm 2020, 2021 và tạo đà cho các năm tiếp theo, góp phần cùng cả nước phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 2,5 đến 3% năm nay.
Ba là, dành nguồn lực thích đáng để đầu tư phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển. Coi trọng phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, xã hội. Xây dựng đời sống văn hóa phong phú, có bản sắc, với hệ thống thiết chế văn hóa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế.
Giải quyết tốt các vấn đề xã hội phát sinh; mọi chủ trương, chính sách cần phải nhất quán và luôn đặt lợi ích người dân lên hàng đầu; đẩy mạnh thực thi có hiệu quả các chính sách đậm tính nhân văn, nhất là các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”, xây dựng thành phố “đáng sống”, hình thành các giá trị bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa của người Đà Nẵng.
Chú trọng đầu tư cho giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, không chỉ phục vụ cho thành phố mà phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe hàng đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có liên kết với các doanh nghiệp lớn gắn nghiên cứu, đào tạo với nhu cầu của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Vì vậy, cần sớm đưa dự án Khu đô thị Đại học Đà Nẵng vào hoạt động và nghiên cứu, đề xuất Trung ương thành lập Đại học quốc gia Đà Nẵng; nghiên cứu xây dựng Bệnh viện nhiệt đới; đầu tư mở rộng hệ thống y tế của thành phố; nâng cao năng lực kiểm soát, xét nghiệm, điều trị các loại dịch bệnh mới.
Bốn là, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phòng chống tội phạm một cách toàn diện, liên tục và hiệu quả; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố quốc phòng - an ninh; nắm chắc tình hình, quản lý thật tốt địa bàn, xử lý rốt ráo khiếu nại, tố cáo của người dân ngay từ cơ sở, quản lý hoạt động của người nước ngoài, các hoạt động kinh doanh và mua bán bất động sản có yếu tố nước ngoài, phát hiện xử lý các vấn đề nhạy cảm kịp thời, không để bị động, bất ngờ, phát sinh điểm nóng.
Năm là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương và đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển với các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo không gian kinh tế thống nhất, bổ trợ lẫn nhau để thúc đẩy phát triển Vùng, đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong triển khai hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Chủ động phối hợp để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình khắc phục những vi phạm theo kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền, nhất là trên lĩnh vực đất đai. Cùng với các tỉnh, thành trong khu vực đề xuất với Trung ương có cơ chế đặc thù để phát triển “Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, trong đó Đà Nẵng là hạt nhân của chuỗi đô thị và là cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
Sáu là, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và việc tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, nhất là dân vận chính quyền; công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí khát vọng vươn lên trong Đảng bộ và Nhân dân, nhằm động viên tối đa mọi nguồn lực, sức sáng tạo của Nhân dân trong thực hiện Nghị quyết Đại hội.
Có thể bạn quan tâm
Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ XXII: Lấy khôi phục kinh tế làm trọng tâm
11:00, 21/10/2020
Vướng mắc cấp "sổ đỏ" tại Đà Nẵng: Do các cấp có thẩm quyền "không chịu" chỉ đạo?
14:06, 20/10/2020
121 đương sự vắng mặt, hoãn phiên tòa Mường Thanh kiện Chủ tịch Đà Nẵng
13:30, 19/10/2020
Du lịch Đà Nẵng “lấy ngắn nuôi dài”
05:00, 18/10/2020
Đà Nẵng tiên phong làm chủ quy trình công nghệ cao SMT đầu tiên tại Việt Nam
13:29, 17/10/2020
Đà Nẵng: Khắc phục thấm dột tại chung cư nhà ở xã hội Hoà Khánh
09:20, 15/10/2020
Đà Nẵng ảnh hưởng nặng nề bởi mưa bão
04:19, 12/10/2020