Bình luận

Đảm bảo tính minh bạch và quyền tự do kinh doanh

YẾN NHUNG 09/08/2024 03:00

Để bảo đảm tính khả thi của văn bản pháp luật, quyền và lợi ích của doanh nghiệp, góp ý Dự thảo Nghị định về đăng ký doanh nghiệp (Dự thảo), nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét, sửa đổi quy định liên quan đến việc ghi ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Ảnh minh họa
VCCI phối hợp với Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo nghị định về đăng ký doanh nghiệp”. Ảnh: Gia Nguyễn

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức lấy ý kiến góp ý với Dự thảo để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Quy định còn bất cập

So với quy định hiện hành, Dự thảo có một số điểm mới theo hướng điều chỉnh một số quy định để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, các quy định tại Dự thảo sẽ tác động đến doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực khi thực hiện các thủ tục liên quan đăng ký doanh nghiệp…

Dự thảo gồm 09 chương với 83 điều và 77 biểu mẫu. Trong đó, nội dung liên quan đến quy định về việc ghi ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp được đánh giá là còn nhiều bất cập, cần xem xét sửa đổi để phù hợp với thực tế.

Cụ thể, Điều 7 Dự thảo quy định về việc ghi ngành, nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh hoặc khi đề nghị cấp đổi sang Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp lựa chọn ngành nghề kinh tế cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành, nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Đây là quy định không mới, được kế thừa từ văn bản pháp luật hiện hành. Trong quá trình xây dựng Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Nghị định 108/2018/NĐ-CP, Nghị định 01/2021/NĐ-CP, đã có nhiều phản ánh về những bất cập của quy định, thậm chí là đề xuất bãi bỏ việc ghi mã ngành này, nhưng chưa được ghi nhận.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn, thậm chí tùy tiện trong thực hiện quy định trên trong trường hợp doanh nghiệp đăng ký những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Cần đảm bảo tự do kinh doanh

Liên quan đến vấn đề này, tại văn bản góp ý Dự thảo mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị, giữ quy định ghi mã ngành cấp 4 khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, đồng thời xác định chủ thể phải thực hiện việc ghi mã ngành này là cơ quan quản lý nhà nước thay vì yêu cầu doanh nghiệp.

Giải trình về kiến nghị này, VCCI cho rằng, cơ quan nhà nước có thể dựa vào các ngành nghề mà doanh nghiệp đăng ký để xác định các nhóm, phân nhóm phù hợp để phục vụ cho mục tiêu thống kê hoặc các mục tiêu quản lý khác.

“Hơn thế, dù doanh nghiệp đăng ký ngành nghề nào, có hay không trong có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, miễn là không phải là ngành nghề cấm kinh doanh, thì doanh nghiệp cũng sẽ được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật. Do đó, xét ở góc độ doanh nghiệp, việc xác định mã ngành nghề nào tại thời điểm đăng ký kinh doanh là ít ý nghĩa”, VCCI nêu rõ.

Trong trường hợp, Ban soạn thảo tiếp tục chưa ghi nhận kiến nghị này thì trong Điều 7 Dự thảo, VCCI đề nghị, cần phải xác định rõ ràng trong quy định để hạn chế đến mức thấp nhất rào cản có thể có đến từ công tác thực thi khi thực hiện đăng ký kinh doanh.

“Để đảm bảo tính minh bạch và quyền tự do kinh doanh, cần sửa đổi quy định tại khoản 5 Điều 7 theo hướng, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ đăng ký kinh doanh theo ngành, nghề doanh nghiệp theo yêu cầu của doanh nghiệp và ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia”, VCCI đề nghị.

Bởi, theo VCCI, quy định về vấn đề này tại khoản 5 Điều 7 Dự thảo là chưa rõ ràng. Trên thực tế, doanh nghiệp phản ánh, đã bị cơ quan đăng ký kinh doanh hướng dẫn tạm thời bỏ ngành nghề đăng ký ra khỏi hồ sơ đăng ký/thay đổi để cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận vào Cơ sở dữ liệu quốc gia, thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau đó doanh nghiệp quay lại thực hiện việc bổ sung.

Tuy nhiên, cách thực thi này đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động đăng ký doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục này.

Đồng tình với quan điểm trên, LS. Trần Thị Thanh Huyền, Luật sư Thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang & Cộng sự cho rằng, việc được chấp thuận hay không phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan đăng ký kinh doanh từng địa phương.

“Thực tế, vướng mắc này đang là vấn đề nhức nhối cho doanh nghiệp, trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành, nghề mà Luật không cấm”, bà Huyền chia sẻ.

Ngoài ra, bà Huyền đề nghị, bỏ nội dung bổ sung tại khoản 8 Điều 7 về việc ghi ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi nội dung bổ sung này là không cần thiết, có thể gây lúng túng cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

“Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 đã có quy định ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp và địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Do vậy, trên thực tế, các doanh nghiệp đang ghi nhận ngành nghề kinh doanh của chi nhánh, địa điểm kinh doanh đúng với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp đã được cấp phép và không có bất kì vướng mắc gì”, luật sư này nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đảm bảo tính minh bạch và quyền tự do kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO