Mặc dù từng gọi vốn thành công hàng triệu USD, nhưng đứng trước những thách thức của thị trường và khó khăn nội tại đã khiến startup thương mại điện tử B2B của Việt Nam phải dừng cuộc chơi.
>>>Thương mại điện tử – đòn bẩy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam
Mới đây, theo truyền thông đưa tin, Kilo - một startup hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử B2B (Business to Business) tại Việt Nam đã ngừng hoạt động. Đáng chú ý, năm 2021, startup này từng huy động thành công 5 triệu USD cho vòng gọi vốn pre-Series A.
Bên cạnh đó, thông tin từ cổng đăng ký kinh doanh cũng cho thấy công ty TNHH Kilo MDC đang ở trạng thái tạm ngừng kinh doanh. Công ty này được thành lập vào tháng 9/2022 và đặt địa chỉ tại 48A Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Bích Thủy, sinh năm 1989.
Kilo là startup được ra mắt vào năm 2020, người sáng lập Kilo là ông Kartick Narayan - cựu CMO của Groupon, Phó chủ tịch Coupang và Giám đốc kinh doanh của nền tảng thương mại điện tử Tiki. Kilo là một nền tảng giúp kết nối nhà bán buôn với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Ngoài ra, nền tảng này cũng có thể giúp các nhà bán lẻ quản lý hoạt động kinh doanh của mình trên nhiều kênh bán hàng.
Năm 2021, startup này đã huy động thành công 5 triệu USD vốn đầu tư trong vòng pre-Series A do Altos Ventures và January Capital dẫn đầu. Các nhà đầu tư như Goodwater Capital, Ascend Vietnam Ventures, Decisive Capital Management, Ratio Ventures và một số nhà đầu tư thiên thần khác cũng tham gia góp vốn.
Tại thời điểm đó, công ty cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn mới để phát triển đội ngũ, bổ sung các tính năng như tài chính, hậu cần và tạo cửa hàng trực tuyến tự phục vụ cho các các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
>>>Bị cạnh tranh gay gắt, Alibaba quay về “gốc rễ” thương mại điện tử
>>>Thách thức của TikTok trong cuộc chiến thương mại điện tử Đông Nam Á
Người sáng lập Kilo, ông Kartick Narayan khi đó đã từng phát biểu rằng nền tảng này không chỉ cần đổi mới vượt trội, mà còn cần phải sẵn sàng tiếp cận và giải quyết các vấn đề tồn đọng trên thị trường bằng các giải pháp khác biệt.
Mặc dù việc thành lập Kilo chỉ là lần đầu tiên Kartick Narayan thử sức với lĩnh vực khởi nghiệp. Tuy nhiên, trước đó ông đã có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực thương mại điện tử, từng làm việc tại các công ty công nghệ nổi tiếng như Amazon, Groupon, Coupang của Hàn Quốc, và cũng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Kinh doanh tại Tiki Việt Nam. Những trải nghiệm đa dạng đã giúp ông có thêm sự cẩn trọng trong công việc, tập trung củng cố và phát triển các sản phẩm hiện có, nhằm cải thiện và ổn định chất lượng.
Trên thực tế, Kilo đã xây dựng được một nền tảng marketplace (sàn giao dịch chung mà bên bán và bên mua tập trung lại), nhằm kết nối các nhà bán buôn và nhà phân phối với các cửa hàng bán lẻ. Nền tảng này có thể coi như một hệ thống lớn để các cửa hàng có quy mô vừa và nhỏ cùng tham gia và xây dựng nguồn hàng, được hỗ trợ minh bạch về giá cả, về phân loại mặt hàng, tình trạng tồn hàng, và không phải chịu bất kỳ rủi ro nào về hàng tồn kho và tính cạnh tranh.
Tuy nhiên, đứng trước những thách thức của thị trường và khó khăn nội tại đã khiến startup thương mại điện tử B2B của Việt Nam này buộc phải dừng cuộc chơi.
Theo các chuyên gia phân tích, sự thất bại của các mô hình thương mại điện tử B2B tại Việt Nam hầu hết đều nằm trong các vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Các nền tảng này thường yếu trong khả năng truyền thông, hạn chế trong việc dùng các công cụ mạng xã hội để lan tỏa website của mình. Bên cạnh đó, giao diện website, cơ sở hạ tầng kỹ thuật lạc hậu, chưa có được sự thân thiện và tính năng hấp dẫn trải nghiệm người dùng.
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của các nền tảng thương mại điện tử B2B tại Việt Nam đó là vấn đề tiền. Chi phí để xây dựng một sàn thương mại điện tử thường rất cao. Để xây dựng một website thương mại điện tử, các công ty phải có được một nền tảng thương mại ổn định và đầy đủ tính năng từ hiển thị sản phẩm đến mua hàng, công thanh toán…
Trong quá khứ, nền tảng thương mại điện tử đình đám của Việt Nam là Beyeu đã phải sớm nói lời từ biệt vào cuối năm 2015, ngay cả khi họ được đánh giá rất cao và được sự hậu thuẫn của những doanh nghiệp tên tuổi, kèm theo đó là những nhà đầu tư uy tín.
Nền tảng thương mại điện tử Beyeu từng nhận được kỳ vọng rất lớn. Project Lana – đơn vị sở hữu Beyeu từng vô cùng thành công với Webtretho. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng nhận được nguồn tiền đầu tư từ IDG Venture. Đơn vị rất tiếng tăm trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, cuối cùng nền tảng này cũng phải đầu hàng, kèm theo đó là một lời chia sẻ cay đắng: “Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Chúng tôi quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng”.
Có thể bạn quan tâm
Kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi qua nền tảng thương mại điện tử
23:24, 17/10/2023
Thương mại điện tử an toàn và bền vững
15:07, 17/10/2023
“Vén màn” thương mại điện tử 3.0
14:37, 28/09/2023
Tương lai của thương mại điện tử gọi tên công nghệ điện toán đám mây
15:36, 18/09/2023
AI hát Rap bán hàng thương mại điện tử
02:00, 10/09/2023