Đất đai và “bạch tuộc” tham nhũng (Bài cuối): Bịt “lỗ hổng” quản lý

Diendandoanhnghiep.vn Thời gian qua, những sai phạm trong lĩnh vực đất đai không đơn lẻ mà xảy ra trên diện rộng, đáng chú ý, trong sự "nhúng chàm" của loạt quan chức các cấp đã cho thấy bóng dáng của sự "cộng sinh"…

>>Đất đai và “bạch tuộc” tham nhũng (Bài 1): Đất công thành “đất ông”!

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trong những bài viết trước, quản lý đất đai luôn là lĩnh vực nóng bởi "tấc đất" là "tấc vàng". Đất càng quý giá thì tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực đất đai càng có xu hướng gia tăng, để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước.

Ông Vũ Huy Hoàng hầu tòa trong vụ án Sabeco

Ông Vũ Huy Hoàng hầu tòa trong vụ án Sabeco. Ảnh: K.N

Nhìn lại những vụ truy tố, xét xử các cán bộ sai phạm, đặc biệt là qua những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, thấy một số vấn đề đáng quan ngại. Đó là sai phạm trong lĩnh vực đất đai không đơn lẻ mà xảy ra trên diện rộng và liên quan đến nhiều địa phương và một số bộ, ngành. Trong sự "nhúng chàm" của những cán bộ có thẩm quyền, nhất là khi thâu tóm đất có giá trị thương mại cao, thấy bóng dáng của sự "cộng sinh" với tư nhân, doanh nghiệp.

Đó là những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm với nhiều cán bộ TP.Hồ Chí Minh bị xử lý. Hay như vụ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cùng hàng loạt cựu lãnh đạo tỉnh này có nhiều sai phạm để "đất vàng" rơi vào tay tư nhân, gây thiệt hại tài sản nhà nước cả ngàn tỷ đồng...

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước đã sửa đổi pháp luật trong quản lý đất đai, tuy nhiên thực tế vẫn còn tồn tại bất cập. Một số "lỗ hổng" trong Luật Đất đai và các văn bản dưới luật đã để cho các nhóm lợi ích thao túng, lợi dụng để chiếm đoạt, làm giàu bất chính.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, thời gian qua Luật Đất đai đã nhiều lần được sửa đổi. Gần nhất là Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện, luật đã và đang bộc lộ những nhược điểm, hạn chế và tới đây, nhiều nội dung của Luật sẽ được xem xét sửa đổi, bổ sung.

Định hướng khi xây dựng Luật là đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Thế nhưng, thực tế là những nhóm lợi ích đã lợi dụng Luật Đất đai vào mục đích chiếm đoạt, làm giàu bất chính bằng những thủ đoạn, mánh lới là mệnh danh quyền quản lý, quyền sở hữu, quyền sử dụng đất đai, nhất là lợi dụng quy định về thu hồi đất.

"Chính sách về quản lý đất đai phải phù hợp với thực tế để làm sao hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước-người dân và doanh nghiệp. Chỉ có như vậy mới có thể ngăn chặn tận gốc rễ những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất hiện nay", luật sư Hiệp nhấn mạnh.

>>Đất đai và “bạch tuộc” tham nhũng (Bài 2): Những “mánh khóe” trục lợi

Tại Khánh Hòa, hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh là ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến “đất vàng”. Đó là các sai phạm tại Dự án tâm linh Cửu Long Sơn và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín khúc, tỉnh Khánh Hoà.

Hai cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa là ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh bị khởi tố, bắt tạm giam do các sai phạm tại Dự án tâm linh Cửu Long Sơn và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung, thuộc khu vực núi Chín khúc. Ảnh: K.N

Quay trở lại chuyện hàng loạt quan chức cấp cao bị “ngã ngựa” trong thời gian qua, điều khiến nhiều người cảm thấy đau xót là tại sao đều vì đất đai, trong khi họ là những cán bộ kì cựu, đã đảm nhiệm qua nhiều vị trí quan trọng, có thâm niên cống hiến lâu năm trong bộ máy Nhà nước.

Đọc các bản kết luận điều tra, cáo trạng thì thấy phần lớn các cựu quan chức bị truy tố trong những vụ án này là do thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước. Nhiều vụ án, số thất thoát lên đến hàng trăm tỉ, hàng nghìn tỷ nhưng các bị cáo luôn thanh minh “không vụ lợi”, “do tin tưởng cấp dưới”...

Khi hầu tòa, nhiều cựu quan chức cũng nêu lý do là muốn đơn vị của mình phát triển, thu hút đầu tư, hoặc xây dựng trụ sở mới khang trang hơn như trường hợp của Sabeco. Tuy nhiên, khi đào sâu hơn thì thấy được những mối quan hệ lợi ích, tình cảm đan xen. “Đất vàng” của Nhà nước vô hình trung trở thành một phần tài sản đánh đổi trong mớ quan hệ chằng chịt ấy.

Phần lớn nguyên nhân xuất phát từ ý thức chủ quan của các bị cáo, một phần nguyên nhân khác là do Luật Đất đai 2013 hiện còn có bất cập, kẽ hở. Cụ thể là trong vấn đề về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, căn cứ để tính giá đất, đấu giá đất, giá bồi thường đất...

Cũng bởi thế mà vào tháng 5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu sớm hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai. Ngày 19/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về tiến độ sửa đổi Luật Đất đai 2013. Theo đó, dự án Luật Đất đai sửa đổi sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần một tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), cho ý kiến lần hai tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Quốc hội khóa XV.

Và mới đây nhất, hồi trung tuần tháng 2 vừa qua tại trụ sở Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việc sửa đổi Luật Đất đai phải bảo đảm đồng bộ với các luật có liên quan; phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Việc điều chỉnh các quan hệ đất đai phải coi trọng hơn nữa vai trò của thị trường.

Các chính sách được ban hành không thể bao phủ toàn bộ các góc cạnh của cuộc sống nhưng cần tháo gỡ được những khó khăn, ách tắc trong thực tế cả về thể chế và khâu tổ chức thực hiện; tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý đất đai theo hướng ai làm tốt hơn thì giao nhiệm vụ, cá thể hóa trách nhiệm, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và đội ngũ cán bộ, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp...

Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Đất đai cũng là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, được sự quan tâm của toàn xã hội, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội.

Nhân dân đang hy vọng việc sửa đổi Luật Đất đai sắp tới sẽ góp phần “bịt” các “lỗ hổng” trong quản lý đất đai để đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Cử tri mong muốn, việc sửa đổi Luật Đất đai phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, đặt lợi ích của quốc gia-dân tộc lên trên hết.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Đất đai và “bạch tuộc” tham nhũng (Bài cuối): Bịt “lỗ hổng” quản lý tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713512373 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713512373 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10