Thị trường đất đấu giá ở Hà Nội bất ngờ sôi động hơn trong thời điểm đầu năm 2024, thu hút nhiều người quan tâm.
>>Đấu giá đất cần cơ chế đủ “tầm”
Những ngày đầu năm 2024, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đã rầm rộ đăng tải thông tin các cuộc đấu giá đất trên địa bàn.
Sôi động đấu giá đất
Mới đây, cuộc đấu giá đất ở đối với 29 thửa đất tại khu đất đấu giá (thôn Đồng Bảng, xã Đồng Thái) do Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Ba Vì tổ chức vào cuối tháng 2, đã thu hút gần 90 người tham gia. Dù là cuộc đấu giá đất ở đầu tiên của huyện Ba Vì trong năm 2024, nhưng đã nhận được lượng khách hàng lớn so với các cuộc đấu giá trong năm 2023.
Theo đó, mức giá khởi điểm của các thửa đất được đưa ra là 22,3 - 46,3 triệu đồng/m2, với hạ tầng đã xây dựng đồng bộ, vị trí gần Quốc lộ 32 và chỉ cách trung tâm huyện khoảng 5 km. Trong cuộc đấu giá này, đã có 28 thửa đất được đấu giá thành công, trong đó thửa đất trúng giá cao nhất là 47 triệu đồng/m2.
Tương tự, Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 - Quốc gia và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 23 thửa đất, là tài sản của UBND huyện Hoài Đức vào sáng ngày 18/3.
Các thửa đất đấu giá thuộc Dự án Hạ tầng kỹ thuật để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khu Mả Trâu, thôn Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức. Các thửa đất có giá khởi điểm từ hơn 57 - trên 66,3 triệu đồng/m2 với diện tích từ 105-131,5 m2/thửa. Các thửa đất đấu giá có mục đích sử dụng là đất ở tại nông thôn, và Nhà nước sẽ giao đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, với thời hạn sử dụng lâu dài.
>>Hà Nội: Đất đấu giá sôi động cuối năm
Cuộc đấu giá sẽ diễn ra thông qua hình thức bỏ phiếu trực tiếp, với nhiều vòng đấu và phương thức trả giá lên.
Ngoài ra, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh đã phối hợp với Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia tổ chức đấu giá quyền sử dụng các thửa đất trong khu LK6 thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá đất xã Thụy Lâm.
Khu đất đưa ra đấu giá có tổng diện tích 2.872,2 m2, chia thành 33 ô thửa với diện tích từ 80 - 120,4 m2. Theo đó, giá khởi điểm dao động từ 23,5 - 29 triệu đồng/m2, phụ thuộc vào vị trí. Mục đích sử dụng đất là xây dựng nhà ở lâu dài, với mật độ xây dựng cho phép từ 76 - 100%, cao tối đa 5 tầng.
Kết quả, tất cả các thửa đất đã được đấu giá thành công, với mức giá trúng cao nhất đạt 61 triệu đồng/m2 và mức giá thấp nhất là 35 triệu đồng/m2. Tổng số tiền thu về cho ngân sách là hơn 143 tỷ đồng, vượt gần 69 tỷ đồng so với giá dự kiến ban đầu.
Trong khi đó, vào ngày 16/3 tới, huyện Mê Linh sẽ tổ chức đấu giá 19 thửa đất - là các lô đất ở, được sử dụng lâu dài. Những thửa đất đấu giá này thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh, huyện Mê Linh. Với mức đấu giá khởi điểm từ 23,2 - 30 triệu đồng/m2 cho diện tích từ 90 - 101,1m2.
Có thể thấy, khác với các phiên đấu giá trong giai đoạn đầu và giữa năm 2023, hiện nay các phiên đấu giá ghi nhận nhiều dấu hiệu khởi sắc, mang lại không khí tích cực cho thị trường. Điều này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư đang dần trở lại.
Trong thời gian tới, một số quận huyện như Đông Anh, Hoài Đức, Phúc Thọ, Mê Linh… sẽ tiếp tục tung ra thị trường các khu đất đấu giá mới với hạ tầng được đầu tư, quy hoạch gần các khu dân cư, kết nối với các trục giao thông chính có hạ tầng xã hội đồng bộ. Qua đó, hình thành các khu dân cư mới hiện đại và văn minh.
Nhận định về vấn đề trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho biết, Hà Nội là khu vực có dân số đông đúc và đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhà ở. Do đó, nhu cầu mua bất động sản cao, đặc biệt khi những thông tin tích cực về khả năng quay lại của dòng tiền cũng như dự báo về sự ấm lên của thị trường bất động sản đã phần nào kích thích tâm lý của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng lưu ý rằng, không loại trừ khả năng trong những phiên đấu giá đất, có thể một số người đã dùng biện pháp đẩy giá, bằng cách trả giá thật cao nhưng chưa chắc mua. Dù vậy, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức để các nhà đầu tư xuống tiền mua sản phẩm bất động sản để đón sóng trong tương lai.
Chuyên gia Kinh tế TS.Nguyễn Minh Phong cho biết, đất nền có thể đảo chiều trong khoảng cuối năm 2024. Do vậy, đối với các nhà đầu tư phải sử dụng đòn bẩy tài chính thì chưa nên tham gia vào phân khúc này ở thời điểm hiện tại. Ngược lại, giai đoạn này được xem là cơ hội để tìm kiếm những sản phẩm phù hợp và pháp lý rõ ràng với những nhà đầu tư lớn có tiềm lực tài chính mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin mới về vụ trúng đấu giá đất tại xã Cổ Dương, huyện Đông Anh
21:00, 21/01/2024
Tái khởi động đấu giá đất Thủ Thiêm có vội vàng?
04:00, 12/01/2024
Đấu giá đất cần cơ chế đủ “tầm”
11:00, 08/01/2024
Vụ đấu giá đất hơn 4 tỷ đồng/m2 ở Mê Linh: Cần bổ sung chế tài xử phạt người bỏ cọc
13:30, 04/01/2024