Vượt qua những nghi ngại, Thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ đã đi đến được một tuyên bố chung – điều mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi mô tả là một sự kiện "lịch sử và mang tính đột phá".
>> Thượng đỉnh G20 sẽ ra sao khi vắng người đứng đầu Nga, Trung Quốc?
Trước hội nghị, một chủ đề gây chia rẽ sâu sắc là chiến sự Nga - Ukraine. Trong khi Mỹ và các quốc gia phương Tây thúc đẩy việc lên án mạnh mẽ Nga trong Tuyên bố chung, thì các quốc gia khác mong muốn tập trung hơn vào các vấn đề kinh tế toàn cầu.
Rốt cuộc, tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 đã tránh đề cập trực tiếp hay lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. Thay vào đó, nhấn mạnh “tất cả các quốc gia” phải tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ theo Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Để có được sự đồng thuận này, ông Amitabh Kant, người đứng đầu đoàn đàm phán G20 của Ấn Độ, cho biết đã phải trải qua "những cuộc đàm phán rất khó khăn diễn ra không ngừng nghỉ trong vài ngày” và chỉ được giải quyết nhờ vai trò của Thủ tướng Ấn Độ.
Trước đó, các hội nghị cấp cao khác của G20 trong năm qua đã không đạt được đồng thuận. Hội nghị các bộ trưởng trên mọi lĩnh vực đều đã kết thúc mà không có tuyên bố chung như thường lệ. Thay vào đó, chỉ có một biên bản ghi lại các lĩnh vực đồng thuận cũng như bất hòa – mà theo các quan chức là cách diễn đạt xung quanh chiến sự Nga – Ukraine.
Bởi vậy, đã có nhiều hoài nghi về thượng đỉnh lần này không thể đưa ra được tuyên bố chung, nhất là khi nó lại bị ảnh hưởng phần nào bởi sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thật may, Ấn Độ đã không khiến hội nghị thượng đỉnh G20 lần này trở thành hội nghị đầu tiên không đưa ra được tuyên bố chung. Tuyên bố New Delhi - gồm 83 đoạn – còn được thông qua với "100% sự đồng thuận về tất cả các vấn đề phát triển và địa chính trị".
Năm lĩnh vực chính đã được nêu ra, gồm Thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm; Đẩy nhanh tiến độ trên các mục tiêu thiên niên kỷ; Hiệp ước phát triển xanh vì một tương lai bền vững; Các thể chế đa phương cho thế kỷ 21; Khôi phục chủ nghĩa đa phương.
>> Áp lực chống biến đổi khí hậu bao trùm G20 đến COP26
Giải quyết được khúc mắc này có thể nói đã nêu bật lên vị thế lãnh đạo của Thủ tướng Modi tại thượng đỉnh G20.
G20 diễn ra vào năm mà Ấn Độ có nhiều cột mốc: trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới và lần đầu đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng. Và ông Modi, người sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào đầu năm 2024, không thể để sự bất hòa về chiến sự Nga - Ukraine làm ảnh hưởng đến điều này.
Việc thuyết phục thành công một loạt các nước ủng hộ Ukraine đồng ý với ngôn ngữ trong tuyên bố chung cũng cho thấy vị thế mới của Ấn Độ trong các vấn đề địa chính trị quốc tế với tư cách là nhà lãnh đạo nhóm các nước Nam Bán cầu.
Theo các chuyên gia, chính sách đối ngoại không liên kết và ưu tiên quan hệ với “thế giới thứ ba” của Ấn Độ đã trở nên sâu sắc hơn dưới thời ông Modi. Tại đây, Ấn Độ là thành viên quan trọng của nhóm Bộ Tứ (QUAD), đồng thời là sáng lập viên của BRICS do Trung Quốc hậu thuẫn.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng là tiếng nói đại diện cho các nước nghèo thường bị bỏ lại phía sau. New Delhi đã tổ chức “Thượng đỉnh Tiếng nói Nam bán cầu” như một trong những hoạt động đầu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch G20. Tại đó, ông Modi nhấn mạnh cảm giác bị “loại” khỏi các thể chế do các nước Bắc bán cầu thống trị và đề ra các giải pháp cho tình trạng thiếu lương thực hay hỗ trợ tài chính để đối phó với biến đổi khí hậu.
Hay như tại thượng đỉnh G20 vừa qua, Ấn Độ đã đấu tranh thành công để đưa Liên minh Châu Phi vào thành viên thường trực của khối G20, cung cấp một không gian cho các nước kém phát triển hơn lên tiếng trong các vấn đề toàn cầu.
Những thành tựu này đã nâng cao vị thế của Ấn Độ và ông Modi nói riêng không chỉ ở nước ngoài mà còn ở trong nước. Cuộc khảo sát đầu năm nay của Trung tâm Pew cho thấy, 68% người Ấn Độ cho biết họ cảm thấy đất nước của họ đang ngày càng có ảnh hưởng trên trường toàn cầu.
Những thành công của Ấn Độ trong phong cách ngoại giao rất riêng của mình có phần không làm Trung Quốc hài lòng, và dường như là một lý do khiến Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định bỏ qua sự kiện này.
Có thể bạn quan tâm