Đấu giá đất nền qua thời hoàng kim

DIỆU HOA 10/07/2023 03:00

Không còn cảnh xếp hàng dài chờ đấu giá, chốt "deal" gấp 2 - 3 lần giá khởi điểm, nhiều phiên đấu giá quyền sử dụng đất nền tại Hà Nội và các địa phương đang "vắng bóng" khách hàng.

>>Doanh nghiệp bất động sản "bung hàng" trở lại

Trầy trật đấu giá

Trong một báo cáo gần đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, việc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương gặp khó khăn, thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch, ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu ngân sách, nhất là ở các huyện, thị xã.

Đất nền đấu giá không còn là

Đất nền đấu giá không còn là "gà đẻ trứng vàng". ẢNH: LV

Nguyên nhân chủ yếu do thị trường bất động sản giảm nhiệt, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là trong việc huy động nguồn lực tài chính. Ngoài ra, cũng có một phần nguyên nhân từ việc giải phóng mặt bằng chậm hoặc còn vướng mắc thủ tục về quy hoạch, đất đai.

Theo đó, TP tổ chức được 65 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có 37 phiên đấu giá thành công và 28 phiên đấu giá không thành; kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất là 724 tỷ đồng, chỉ đạt 5,42% kế hoạch năm.

Trong khi đó, tình trạng tại Bắc Giang - "thủ phủ" đất đấu giá một thời cũng chịu cảnh hẩm hiu. Tháng 5 vừa qua, tại TP Bắc Giang cũng vừa tổ chức đấu giá quyền sử dụng 98 lô đất ở với tổng diện tích hơn 9.159m2, mỗi lô có diện tích khoảng 75m2 - gần 150m2. Tổng giá khởi điểm hơn 160 tỉ đồng, trong đó có 48 lô đấu giá lần 2. Tuy nhiên, phiên đấu giá cũng chỉ thu hút được 153 khách hàng với 347 hồ sơ.

Kết quả, có 58/98 lô có khách hàng trả giá, tổng giá trúng hơn 76,3 tỉ đồng, chênh lệch so với giá khởi điểm hơn 13,2 tỉ đồng. 40 lô còn lại không có khách hàng trả giá hoặc chỉ có một khách hàng tham gia nên không đủ điều kiện đấu giá.

Theo thống kê từ Hiệp hội Bất động sản tỉnh Bắc Giang, trong quý 1, toàn tỉnh mới đưa ra đấu giá khoảng 600 lô đất, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có hơn 300 lô không có người trả giá và đấu giá không thành công (do lô đất chỉ có một khách hàng trả giá). Hệ số giá trúng chênh lệch với giá khởi điểm là 1,2, giảm 0,2-0,4 lần so với trung bình năm 2022.

Trong khi đó, tại Quảng Nam, Bình Định cũng xuất hiện tình trạng phải hủy kết quả đấu giá và người mua không đóng tiền.

>>Quyết tâm xử lý, không để tồn tại các vi phạm về đất đai

Qua thời hoàng kim 

Thực tế, giai đoạn 2020 - 2021, đất nền đấu giá là một trong những thị trường có tỷ lệ sinh lời cao và luôn thu hút đông đảo giới đầu tư quan tâm.

Cách đây gần 2 năm, tại hầu hết phiên đấu giá đất ở các địa phương từ Bắc chí Nam, đến cả vùng biên giới, nhà đầu tư đến tấp nập, trả giá cao gấp đôi gấp ba, thậm chí hàng chục lần so với giá khởi điểm. 

Một phiên đấu giá đất trong thời điểm "sốt đất" năm 2021

Tại Bắc Giang, vào cuối năm 2021, khi các phiên đấu giá khu dân cư Đồng Vân hay Bắc Quang Châu diễn ra, dù chỉ có 460 lô đất nhưng có đến hơn 5 nghìn hồ sơ tham gia, giá bình quân gấp 2-5 lần mức khởi điểm.

Theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ (EZ Property), những phiên đấu giá gần đây ghi nhận số lượng người tham gia và trúng đấu giá rất ít. Có trường hợp không có người nộp hồ sơ, phải đấu giá lần hai. Nguyên nhân là do giá khởi điểm tại những cuộc đấu giá này vẫn còn cao, trong khi nhu cầu đầu tư thấp, đa số là nhu cầu thực nên kém thu hút.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng sự “hãm phanh” đột ngột của thị trường bất động sản trong 2 năm trở lại đây đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động này. 

Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, một nguyên nhân rất quan trọng khiến việc đấu giá đất không thành công là do căn cứ xây dựng mức giá khởi điểm được quy định phải dựa trên mức trúng đấu giá của phiên đấu giá đất trước, thời điểm thị trường bất động sản vẫn sôi động. Hiện tại, thị trường đang trầm lắng, thậm chí có nơi hạ nhưng giá khởi điểm không được điều chỉnh thì khó thu hút người dân tham gia.

Vị chuyên gia cho rằng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời tăng cường kiểm soát, tránh sai phạm trong công tác đấu giá đất, các địa phương nên cho phép các quận, huyện, thị xã chủ động phương án xác định giá khởi điểm đối với các lô đất đưa ra đấu giá trên địa bàn là rất kịp thời, cần thiết.

"Việc làm này sẽ tránh tình trạng kéo dài thời gian các địa phương phải trình nhiều cấp, ngành đưa ra mức giá khởi điểm, giúp công tác đấu giá đất trong thời gian tới thuận lợi hơn" - ông Điệp nhận định.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp bất động sản

    Doanh nghiệp bất động sản "bung hàng" trở lại

    13:00, 08/07/2023

  • Kịch bản nào cho thị trường bất động sản Hà Nội nửa cuối năm?

    Kịch bản nào cho thị trường bất động sản Hà Nội nửa cuối năm?

    05:00, 08/07/2023

  • Bộ Xây dựng: Doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn cho bất động sản

    Bộ Xây dựng: Doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn cho bất động sản

    03:00, 08/07/2023

  • VARs tiếp tục “sứ mệnh” bảo vệ quyền lợi nhà môi giới bất động sản

    VARs tiếp tục “sứ mệnh” bảo vệ quyền lợi nhà môi giới bất động sản

    15:31, 07/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đấu giá đất nền qua thời hoàng kim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO