Trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ngoài thuế quan, thì dầu mỏ dường như là một thứ “vũ khí” lợi hại khác. Vậy, bên nào sẽ sở hữu được loại vũ khí đặc biệt này?
“Vũ khí” mặc cả của Trung Quốc?
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 vào tháng 5/2018, Iran đã nhanh chóng tìm sự hỗ trợ từ các quốc gia khác để giúp nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ của nước này có thể trụ vững. Nhu cầu của Iran hợp tác với phần còn lại của thế giới ngày càng gia tăng khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố kế hoạch áp đặt trừng phạt đối với lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của nước này vào tháng 11/2018. Và quốc gia đầu tiên mà Iran tìm đến như một cứu tinh là Trung Quốc – đối thủ thương mại lớn nhất của Mỹ.
Trong khi nhiều công ty Châu Âu từ chối mua dầu mỏ của Iran do lo sợ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, thì Trung Quốc – khách hàng lớn nhất của Iran dường như phớt lờ những biện pháp này. Theo số liệu chính thức của hải quan Trung Quốc, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2018, mỗi ngày Trung Quốc nhập khẩu 718.000 thùng dầu của Iran, tương đương hơn 1/4 lượng dầu xuất khẩu của quốc gia Trung Đông này. Khối lượng dầu mỏ Trung Quốc nhập từ Iran tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017 và không có dấu hiệu chững lại. Nhật báo phố Wall cho biết, Mỹ lo ngại rằng, Trung Quốc thậm chí sẽ còn mua nhiều dầu mỏ của Iran hơn một khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 11/2018.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 06/07/2018
06:17, 24/06/2018
05:45, 15/03/2018
06:30, 25/02/2018
Ông David Dollar, một chuyên gia về Trung Quốc ở Viện Brookings (trụ sở ở Washington) nhận định “Sẽ là một cuộc chiến khó khăn để khiến Trung Quốc tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Trong tình thế hiện nay, thật khó cho Mỹ để có được sự hợp tác của Trung Quốc. Nếu là Trung Quốc, tôi sẽ đưa những vấn đề thương mại này ra đàm phán. Trung Quốc sẽ không có lợi về mặt kinh tế khi dừng mua dầu mỏ của Iran”.
Một số nhà quan sát khác cho rằng, Trung Quốc có thể lợi dụng đòn trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran để mặc cả trong cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. Ông Derek Scissors, nhân viên của Viện nghiên cứu Doanh nghiệp Mỹ nói, quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang rơi vào vòng xoáy nguy hiểm và Trung Quốc hiện nay đang tăng cường mua dầu mỏ của Iran. Để ngăn chặn động thái này của Trung Quốc, Mỹ chỉ có thể nói rằng: “Chúng tôi sẽ hủy bỏ các rào cản thuế quan miễn là Trung Quốc tuân thủ biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran, và Trung Quốc sẽ có thể làm điều này chỉ trong 1 giây”
Hay “quân bài” lợi hại của Trump?
Nhật báo Phố Wall mới đây dẫn lời một quan chức cao cấp giấu tên thuộc chính phủ Mỹ cho biết Washington đã yêu cầu các nước phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran trước ngày 4/11 tới, nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc từ Mỹ. Yêu cầu này đã khiến giá dầu liên tục leo thang, giúp Mỹ hưởng lợi từ việc xuất khẩu dầu mỏ.
Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, Washington có thể sẽ sử dụng sức mạnh quyền bá chủ để ảnh hưởng tới cung - cầu dầu mỏ, trực tiếp tác động tới cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhưng cuộc chiến dầu mỏ có bùng phát sau chiến tranh thương mại hay không cần phải xem xét tới một số nhân tố và bối cảnh sau:
Thứ nhất, Mỹ trừng phạt Iran, phong tỏa không cho nước này xuất khẩu dầu mỏ là nhằm bóp nghẹt nguồn thu từ dầu mỏ của Iran, chặt đứt huyết mạch kinh tế của của nước này và buộc Tehran phải khuất phục và từ bỏ việc theo đuổi chương trình hạt nhân. Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sản lượng mỗi ngày khoảng 3,8 triệu thùng, trong đó xuất khẩu 2,5 triệu thùng. Nếu Mỹ phong tỏa việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran thành công, thị trường quốc tế sẽ thiếu 2,5 triệu thùng dầu từ nguồn cung của nước này, giá dầu tất nhiên sẽ tăng cao. Trên thực tế, từ tháng 5 tới nay, giá dầu đã tăng từ 50 USD lên 70 USD/thùng.
Thứ hai, Mỹ có thể sẽ phối hợp với một số nước như Saudi Arabia khống chế giá dầu mỏ mức cao hợp lý, kéo theo đó, các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ sẽ không còn phải lo giá bán thấp hơn giá thành, phù hợp với lập trường nghiêng về lợi ích ngành dầu mỏ của Tổng thống Donald Trump và Đảng Cộng hòa.
Ngoài ra, từ nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu năng lượng, tới năm 2020 có thể trở thành nước xuất khẩu ròng về năng lượng lớn nhất thế giới. Giá dầu cao sẽ có lợi cho sự phát triển ngành dầu mỏ cũng như lợi ích quốc gia của Mỹ.
Thứ ba, năm 2017, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 thế giới. Sự lệ thuộc của Trung Quốc vào năng lượng nhập khẩu ngày một nghiêm trọng, một khi giá năng lượng tăng, Trung Quốc lập tức phải chịu áp lực. Cũng trong năm này, Trung Quốc nhập khẩu 400 triệu tấn dầu thô (khoảng 3 tỷ thùng), nếu giá dầu quốc tế tăng thêm 1 USD/thùng thì Trung Quốc phải "chi" thêm 3 tỷ USD. Tuy nhiên, những kinh nghiệm quá khứ cho thấy ảnh hưởng của giá dầu cao nhiều nhất chỉ khoảng 0,5% tăng trưởng của Trung Quốc, không phải là đòn chí mạng.
Vì vậy, việc Mỹ “ra đòn” nhằm vào Iran thì cũng là để gây sức ép với Trung Quốc. Có thể nói việc Mỹ yêu cầu các nước ngừng nhập khẩu dầu từ Iran có thể trở thành áp lực mới đối với Trung Quốc và là một tiêu chí để kiểm nghiệm sự “thân thiện” của Trung Quốc.
Đa số hãng dầu mỏ của châu Âu đã rút khỏi sự hợp tác với Iran, Hàn Quốc cũng đã “rút lui”, Nhật Bản và Ấn Độ vẫn đang quan sát. Nếu Trung Quốc không hợp tác, Mỹ sẽ còn “vũ khí” mới nào để trừng phạt Trung Quốc? Nhưng nếu hợp tác, Trung Quốc chẳng khác nào tự nguyện để Mỹ kiềm chế. Có phân tích cho rằng “con bài dầu mỏ” của Donald Trump mang nhiều mục đích: Vừa gây sức ép với nền kinh tế vốn đã có nhiều vấn đề của Iran, vừa đặt Trung Quốc trước tình thế khó khăn mới, nhưng lại giúp Mỹ củng cố tầm ảnh hưởng ở Trung Đông.