Cứ mỗi dịp đầu năm mới, các nhà đầu tư lại “đau đầu” tìm hiểu nên đầu tư vào kênh nào để tối đa hóa lợi nhuận.
>>Năm 2023, cổ phiếu ngân hàng nào sẽ hưởng lợi về room tín dụng?
Việc lựa chọn kênh đầu tư năm nay có vẻ khó hơn nhiều so với các năm trước khi thị trường chứng khoán còn bất định, trái phiếu chưa lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, vàng- đô cũng chưa rõ xu hướng…
Năm 2022, các kênh đầu tư có nhiều biến động cùng với việc giá cả của các hàng hóa thay đổi, lạm phát cao và xung đột Nga- Ukraine bùng phát. Trước hết là dầu mỏ, sau đó là các loại nguyên nhiên vật liệu liên quan đến sản xuất kinh doanh như đồng, nhôm, chì, sắt, thép cũng đều tăng giá. Quan trọng hơn nữa là chuỗi cung ứng đứt gãy làm chi phí logistics tăng cao.
Cụ thể, thị trường chứng khoán quốc tế đã giảm một cách mạnh mẽ với lượng vốn đầu tư thay đổi nhiều. Đặc biệt từ khi FED tăng lãi suất, đã có khoảng 138 lần NHTW các nước cũng tăng lãi suất, tạo ra áp lực biến động các đồng tiền. Việc đồng USD mạnh lên làm cho các đồng tiền khác mất giá tương ứng, thậm chí có đồng tiền còn mất giá 20 - 30% so với USD.
Do vậy, có một khoảng thời gian nhiều người đã tập trung vào giá vàng, thậm chí trước đó còn dịch chuyển dòng tiền vào bất động sản nhưng cũng giãn ra khi thị trường giảm nhiệt.
Trong bối cảnh này, Việt Nam vẫn cố gắng giữ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị VND so với đồng USD. Vì thế, chúng ta thực hiện việc điều hành tỷ giá tương đối chặt chẽ, nhưng vẫn có sự linh hoạt. Có lúc tỷ giá VND giảm hơn 8% so với USD, nhưng đến nay USD có dấu hiệu chững lại.
Tuy nhiên, lãi suất tăng làm ảnh hưởng đến các kênh đầu tư. Đầu năm 2022, kênh đầu tư bất động sản tăng rất nóng, giá bất động lên cao trong khi thanh khoản thấp. Sau đó, NHNN yêu cầu kiểm soát dòng vốn chặt chẽ hơn vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán và quy định mức độ rủi ro với các tài sản trong lĩnh vực bất động sản lớn hơn, nên kênh bất động sản bị chững lại.
Trong thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán (TTCK) tăng tương đối mạnh, có thời điểm VN-Index lên tới trên 1.600 điểm. Tuy nhiên trong quá trình đó, một số đối tượng đã có hành vi thao túng thị trường, làm giá,... khiến thị trường hỗn loạn.
Đến nay, với việc cải tổ cơ chế, bộ máy, mô hình hoạt động của TTCK Việt Nam, hy vọng thị trường này trong năm 2023 sẽ có bước thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi dự báo, có thể ngay từ những tháng đầu của năm 2023, TTCK Việt Nam có thể sẽ quay trở lại mức tăng trưởng tốt.
Riêng với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm 2020-2021 đã phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 60%. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, nhất là bất động sản đã phát hành ồ ạt trái phiếu, có nhiều trái phiếu “3 không”, thậm chí không có cả báo cáo tài chính, gây rủi ro tương đối lớn cho nền kinh tế. Mới đây, Chính phủ đã ban hành cơ chế chính sách để điều chỉnh lại thị trường với Nghị định 65/2022. Tuy nhiên sau đó, gần như không có doanh nghiệp nào phát hành được trái phiếu, và nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì trong năm 2023 thị trường này sẽ khó phát triển.
Dù thị trường bất động sản đang khó khăn, nhưng từ nửa cuối năm 2023 thị trường này có thể sẽ dần ấm lên. Trong thời gian đó, giá trị của bất động sản cũng sẽ về gần hơn với giá trị thực, giúp người mua nhà có thể sở hữu được các bất động sản với giá hợp lý.
>>Vàng bật tăng mạnh khi FED tiết lộ chính sách tiền tệ ôn hòa hơn
Với thị trường vàng, đây là một loại tài sản có biến động khó lường, nhìn lại cả năm 2022 sẽ thấy thị trường vàng tăng không đáng kể. Nhưng với năm 2023, khi sản xuất thế giới trì trệ, giá chứng khoán sụt giảm, đầu tư gặp nhiều khó khăn, nhất là xung đột Nga - Ukraine còn những diễn biến phức tạp, FED tiến tới ngừng tăng lãi suất,... thì giá vàng sẽ tăng. Do đó, đây cũng là kênh mà nhà đầu tư có thể xem xét.
Ở kênh tiền gửi tiết kiệm, thời điểm trước tháng 9, 10/2022, kênh tiền gửi tiết kiệm đang là kênh không có sức hút với người gửi tiền. Nhưng với việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại từ tháng 10 trở đi, thì đây lại trở thành một trong những kênh đem lại lợi nhuận tương đối cho các nhà đầu tư.
Hiện nay, với chỉ đạo của NHNN, sự thống nhất của các ngân hàng trong nước thì hầu hết các ngân hàng đều đưa mặt bằng huy động vốn về mức khoảng 9-9,5%/năm và có thể còn giảm tiếp trong thời gian tới, nếu tỷ lệ lạm phát của Việt Nam vẫn ở mức dưới 4% như hiện nay. Do đó, tiền gửi chỉ là một kênh tham khảo.
Một kênh rất đáng chú ý hiện nay nữa là ngoại tệ, nhưng trong năm 2023 USD sẽ không có bước tăng như năm 2022, thậm chí có thể giảm do FED giảm quy mô tăng lãi suất và tiến tới ngừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ.
Có thể bạn quan tâm
“Khơi dòng” trái phiếu doanh nghiệp: Cần kết hợp các giải pháp ngắn và dài hạn
03:30, 08/01/2023
Luẩn quẩn thế chấp trái phiếu doanh nghiệp vay vốn
02:00, 06/01/2023
HAG lên tiếng về việc hoãn thanh toán gốc và lãi trái phiếu
16:05, 05/01/2023
“Bùng nổ” tín dụng xanh, trái phiếu xanh
04:00, 02/01/2023