Kinh tế

Để FTA thực sự là động lực cho kinh tế Việt Nam

Nguyễn Việt 07/10/2024 03:00

Các FTA thế hệ mới đã giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thị trường các nước đối tác, đưa cán cân thương mại Việt Nam duy trì đà xuất siêu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ấn tượng đã đạt được, việc thực thi các FTA vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

fta 1
Việc đàm phán thành công và tham gia vào các FTA đã chứng tỏ năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Trong đó, khả năng tận dụng lợi thế của các FTA thế hệ mới trong xuất khẩu còn khiêm tốn, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu là dạng thô nên chưa xây dựng nhiều thương hiệu tại các thị trường FTA và tỷ trọng xuất khẩu phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp FDI.

Trong khi, việc phổ biến thông tin, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng, các địa phương chưa đầy đủ, có nơi chưa tốt. Nội dung phổ biến chưa tập trung vào những nội dung doanh nghiệp quan tâm.

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp còn dàn trải, chương trình kết nối doanh nghiệp và tổ chức tín dụng chưa phát huy hiệu quả, công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, nội luật hóa cam kết còn chưa chủ động và có lúc còn chậm.

Bình luận về việc để FTA thực sự là động lực cho kinh tế Việt Nam, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế) cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần có giải pháp "đúng và trúng" để tận dụng những cơ hội lớn về thị trường, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu và tiếp cận công nghệ hiện đại.

Theo đó, tác động đầu tiên và lớn nhất của các FTA là mở rộng tối đa thị trường cả chiều rộng và chiều sâu. Để khai thác hiệu quả tác động này, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư, khảo sát, tìm hiểu thị trường để nắm chắc nhu cầu đối tác theo phương châm "bán những thứ thị trường cần", tích cực chào hàng trong các hội chợ, triển lãm, diễn đàn, hội nghị, hội thảo, kết nối giao thương để tìm đối tác phù hợp.

“Mỗi doanh nghiệp cần có bộ phận chuyên nghiệp về thu thập và xử lý thông tin, cập nhật thông tin, dự báo xu hướng và xây dựng các kịch bản thâm nhập thị trường hiệu quả”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nói.

Vẫn theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, việc tham gia FTA về thực chất là kết nối chuỗi giá trị, thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để kết nối thực chất, doanh nghiệp cần đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ theo cam kết trong từng hiệp định.

Tuyệt đối không gian lận xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại dẫn đến đánh mất "chữ tín" với các đối tượng hữu quan.

Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam, khoảng 90% đều có quy mô nhỏ và vừa, do đó khó có thể bao phủ hết thị trường rộng lớn, khó tạo được lợi thế quy mô, thiếu đầu tư vào công nghệ cao, dễ bị đối thủ cạnh tranh chiếm lĩnh thậm chí bị gạt khỏi thị trường.

“Như vậy, các doanh nghiệp cần chủ động kết nối nội bộ ngành và ngoài ngành để tăng khả năng hỗ trợ, bổ sung lợi thế lẫn nhau, tăng năng lực đáp ứng đơn hàng quy mô lớn. Các doanh nghiệp nên đầu tư nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo. Đây là những yếu tố tạo sự khác biệt, bí quyết và lợi thế cạnh tranh cốt lõi cho doanh nghiệp”, PGS-TS Nguyễn Thường Lạng bày tỏ.

fta 2
Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng).

Theo số liệu ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), chí phí đầu tư nghiên cứu và phát triển so với GDP của Việt Nam chỉ trong khoảng 0,5-1%. Đây là lý do khiến doanh nghiệp trong nước ít có sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao trên thị trường thế giới.

Bên cạnh đó, cam kết trong các FTA có xu hướng mở rộng phạm vi đến hàng rào phi thuế quan, yêu cầu cao về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ, quy tắc xuất xứ, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, sự hợp chuẩn, hàm lượng nội địa, bảo vệ môi trường, thương mại điện tử, tiêu chuẩn lao động...

Xu hướng này cho thấy các cam kết hướng đến khía cạnh kỹ thuật- công nghệ- môi trường-lao động nhiều hơn so với khía cạnh thương mại thuần túy.

"Do đó, yêu cầu đổi mới sáng tạo được đặt ra rất lớn và trở thành nền tảng mới của các cam kết. Các FTA khi không được tận dụng triệt để cơ hội đầu tư nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo, có thể sẽ trở thành bẫy cam kết đối với doanh nghiệp", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhận định.

Còn theo chuyên gia kinh tế Doãn Hữu Tuệ, doanh nghiệp Việt Nam cần định vị lại chính mình để tập trung vào những ngành hàng được xác định là thế mạnh và gắn bó lâu dài với những ngành hàng đó, cũng như tập trung vào những thương hiệu phát triển bền vững, mang lại giá trị gia tăng cao.

Doanh nghiệp nên tập trung và hướng tới những sản phẩm trách nhiệm, những sản phẩm thân thiện với môi trường, từ khâu nguyên liệu cho đến khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ và tiến tới bao bì cũng phải sạch.

“Đặc biệt, doanh nghiệp phải chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, với giá cả cạnh tranh sát thực và chất lượng phù hợp, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu, tích cực quan tâm, đầu tư khai thác thị trường”, ông Doãn Hữu Tuệ đề xuất.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị đối với thị trường hợp tác để có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh.

Doanh nghiệp cần nắm bắt, cập nhật thông tin về thị trường, tìm hiểu các ưu đãi thuế quan các khu vực có FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới để có kế hoạch đáp ứng hàng hóa xuất khẩu bền vững theo tiêu chuẩn thị trường lựa chọn, phù hợp với lợi thế của địa phương.

Tăng cường liên kết tạo sức mạnh cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu để chủ động nguồn hàng xuất khẩu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Để FTA thực sự là động lực cho kinh tế Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO