Đề nghị siết chặt quản lý sản xuất phân bón

Hồng Hương 08/06/2018 18:35

Chiều nay (8/6), Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Trồng trọt. Với thực trạng bát nháo về phân bón, quy trình quản lý phân bón, Dự thảo Luật trồng trọt nhằm quản lý chặt chẽ về sử dụng phân bón.

Thảo luận tại Nghị trường, đa số các đại biểu cho rằng ban hành Luật trồng trọt là cần thiết.

Cả nước có trên 700 cơ sở sản xuất phân bón

Liên quan đến quy trình quản lý phân bón trong Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, phân bón là vấn đề nhức nhối nhất trong ngành nông nghiệp thời gian qua nên nhiệm vụ của Dự án Luật nhằm giúp quản lý tốt về phân bón, là nhiệm vụ rất nặng nề.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Nghị trường

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Nghị trường

Có thể bạn quan tâm

  • Bảy điểm mới trong Dự thảo Luật Trồng trọt trình Quốc hội

    Bảy điểm mới trong Dự thảo Luật Trồng trọt trình Quốc hội

    15:39, 21/05/2018

  • Dự thảo luật Luật Trồng trọt: Phải chấm dứt câu chuyện được mùa mất giá

    Dự thảo luật Luật Trồng trọt: Phải chấm dứt câu chuyện được mùa mất giá

    23:21, 13/04/2018

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, với thực trạng bát nháo về phân bón hiện nay, mặc dù quy trình quản lý phân bón trong Dự thảo Luật hơi rườm rà nhưng vẫn có thể chấp nhận nhằm mục đích quản lý chặt chẽ về phân bón.

Ông Cương cũng dẫn chứng, hiện cả nước có 20.000 loại phân bón trên thị trường và hơn 700 cơ sở sản xuất phân bón, với công suất 29,5 triệu tấn/năm, dư thừa gấp 3 lần so với nhu cầu sử dụng. Trong khi việc chống nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng chưa mang lại hiệu quả.

“Tôi mong Bộ trưởng dành sự ưu tiên đặc biệt đến lĩnh vực phân bón hiện đang làm thoái hóa hết đất đai, làm bần cùng hóa người nông dân và kéo lùi sự phát triển của nông nghiệp Việt Nam”, ông Cương nói.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị chỉnh lý lại Chương 2 của Dự thảo Luật theo hướng, quản lý phân bón nhất thiết phải dựa trên quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam.

“Phải coi trọng quản lý điều kiện quy trình sản xuất kỹ thuật, kinh doanh phân bón và các doanh nghiệp được đăng ký chỉ được công nhận lưu hành phân bón khi đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, điều kiện sản xuất, kinh doanh phân bón để quản lý chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng, sản lượng phân bón trên thị trường”- ông Cương nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, các quy định về quản lý phân bón trong Dự thảo Luật được tích hợp khá tốt từ Nghị định 108 thay thế Nghị định 202 trước đây.

Đại biểu này cũng đề nghị, quy trình quản lý phân bón nên giao cho Chính phủ quy định để tránh phải sửa đổi Luật liên tục khi mà muốn sửa đổi quy trình quản lý phân bón.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cũng cho rằng, trong những năm qua, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng diễn ra khá nhiều nên cần thiết phải quản lý chặt hơn. Theo bà Thủy, quản lý phân bón trong Luật Trồng trọt nên tập trung vào quản lý nguyên liệu làm phân bón, chất lượng phân bón, phân bón nhập khẩu và cách thức sử dụng các loại phân bón.

Nhiều quy định cấm… bị bỏ sót

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định về những hành vi bị cấm của dự thảo Luật còn mang tính chung chung, người dân khó phân biệt. Trong khi đó nhiều vấn đề cần phải đưa vào các quy định cấm thì dự thảo lại bỏ sót.

Do đó, đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung hành vi cấm trồng các loại cây trồng ảnh hưởng đến môi trường; bổ sung thêm hành vi cấm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, hóa chất độc hại; bổ sung cấm trồng các cây ngoại lai, nguy hại; quy định về cấm bán đất mặt mà chỉ cho phép quyền sử dụng đất; quy định về cấm  lợi dụng lòng tin vào sản phẩm giống cây trồng, vào chỉ dẫn địa lý, thương hiệu để sản xuất mua bán trục lợi; quy định về cấm  hoạt động sản xuất nông nghiệp không đăng ký đối với doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; quy định về cấm trồng cây để trục lợi khi bồi thường khi giải phóng mặt bằng.

Ngoài ra, trong nội dung này, một số đại biểu Quốc hội đề nghị những quy định về hành vi bị cấm cũng cần phải xem xét nếu đã được quy định trong Luật quảng cáo, Bộ luật Hình sự thì không cần quy định trong Luật này.

Với 7 chương, 82 điều, dự thảo Luật Trồng trọt điều chỉnh đến 10 lĩnh vực từ giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, mua bán, sơ chế, chế biến, bảo quản đến xuất khẩu, nhập khẩu… 

Luật hóa các quy định về quản lý phân bón, bổ sung quy định để quản lý chặt chẽ đối với các phân bón vô cơ hỗn hợp, ưu tiên phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ (không phải khảo nghiệm) là một trong 7 điểm mới tại Dự thảo Luật Trồng trọt trình Quốc hội Kỳ họp lần này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đề nghị siết chặt quản lý sản xuất phân bón
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO