Bộ Công Thương đề xuất giảm giá các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc thang 4, giá điện sản xuất và kinh doanh 10% từ tháng 4-6/2020.
Bộ Công Thương có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Bộ Công Thương cũng dẫn đề xuất của Bộ Kế hoạch Đầu tư: bãi bỏ quy định khung giờ cao điểm bán điện (9h30-11h30), thu hẹp bậc thang biểu tính giá điện, trước mắt nghiên cứu giảm 50% giá điện giờ cao điểm từ tháng 3 đến tháng 10/2020; áp dụng giá điện của các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, du lịch bằng với mức giá điện áp dụng cho các cơ sở kinh doanh khác.
Với kiến nghị này, Bộ Công Thương cho rằng khoản tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp là gần 20 nghìn tỷ VND, tương ứng với khoản giảm doanh thu rất lớn của EVN. Phương án giảm 50% giá điện giờ cao điểm cũng có thể dẫn đến việc không khuyến khích tiết kiệm điện và giờ cao điểm trong khi hệ thống đang có nguy cơ thiếu công suất vào giờ cao điểm.
Trong số 1,6 triệu khách hàng là các hộ sản xuất thì có tới 1 triệu khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca trong giờ hành chính. Cho nên Bộ Công Thương nhận định nếu chỉ giảm giá vào giờ cao điểm thì các doanh nghiệp nhỏ này cũng không được hưởng sự hỗ trợ của việc điều chỉnh này.
Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện sản xuất và kinh doanh 10% từ tháng 4-6/2020. Số tiền hỗ trợ dự kiến lên đến hơn 6.100 tỷ VND.
Đối với khách hàng sinh hoạt, Bộ Công Thương đề nghị giảm 10% giá các bậc thang sinh hoạt từ bậc 1 đến bậc thang 4 từ tháng 4-6/2020, số tiền là gần 3.000 tỷ VND.
Đây là các đối tượng chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức, công nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Ưu điểm của phương án này, theo Bộ Công Thương, là tất cả các khách hàng sản xuất, bao gồm cả các doanh nghiệp lớn sản xuất 3 ca hay các doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất 1 ca đều được hỗ trợ tiền điện. Việc duy trì giá giờ cao thấp điểm cũng sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp sử dụng điện tiết kiệm vào giờ cao điểm, khuyến khích sử dụng điện vào giờ bình thường.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị giảm giá cho các cơ sở lưu trú du lịch bằng giá sản xuất từ tháng 4/2020, số tiền là hơn 1.800 tỷ VND; Miễn, giảm tiền điện trực tiếp cho các cơ sở phục vụ chống dịch Covid-19, số tiền là 100 tỷ VND.
Đối với các bậc thang cao trên 300 kWh, Bộ Công Thương muốn giữ nguyên vì các khách hàng tiêu thụ ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng của dịch.
Hiện Việt Nam có khoảng 28 triệu hộ dùng điện. Tổng số tiền miễn, giảm giá điện vì COVID-19 ước tính gần 11.000 tỷ đồng. Việc giảm giá điện trong thời gian dịch bệnh kéo dài, phức tạp có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, phần nào giúp các hộ gia đình bớt nỗi lo tăng chi phí.
Đến nay, Chính phủ đã đưa ra loạt chính sách về tín dụng, thuế hỗ trợ các doanh nghiệp. Bên cạnh gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, các nhà băng cũng đang triển khai miễn, giãn, khoanh nợ; Bộ Tài chính cũng đang hướng dẫn để triển khai gói tài khoán giãn thuế hơn 80.200 tỷ đồng.
Ngày 31/3, Thủ tướng cho biết sẽ có gói chính sách 30.000 tỷ đồng từ ngân sách để bảo đảm an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng bởi dịch. Người lao động phải tạm nghỉ việc vì COVID-19 sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng một tháng. Mức hỗ trợ với người nghèo là 1 triệu đồng. Một bộ phận đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, nhận 500.000 đồng mỗi tháng. Hộ kinh doanh cá thể phải ngừng kinh doanh, gặp khó khăn nhất do COVID-19, được hỗ trợ một triệu đồng mỗi tháng.