Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đề xuất gỡ phong tỏa tài khoản, ngừng sử dụng hóa đơn, gia hạn tiền nợ thuế để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.
>>Gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam
Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã rà soát, tổng hợp những kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thông qua rà soát, hầu hết ý kiến đều cho rằng trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay, việc doanh nghiệp vừa phải bỏ ra chi phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), vừa phải nộp tiền sử dụng đất cùng lúc nhưng chưa được khấu trừ chi phí giải phóng mặt bằng thực sự là một gánh nặng lớn với các chủ đầu tư.
Tại công văn của Hiệp hội gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Cục thuế tỉnh Quảng Nam nêu rõ theo quy định hiện nay của tỉnh Quảng Nam, chi phí GPMB chỉ được trừ vào tiền sử dụng đất khi hoàn thành xong việc quyết toán GPMB. Và mỗi dự án chỉ được quyết toán không quá 2 lần thì với thực tế GPMB hiện nay, việc hoàn thiện 100% công tác GPMB để quyết toán GPMB cho toàn dự án là một việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, có khi kéo dài hơn 10 năm.
Ông Trần Quốc Bảo - Ủy viên BCH VCCI, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho hay những chi phí GPMB mà chủ đầu tư đã bỏ ra phải bị treo ở ngân sách thời gian dài, trong khi nguồn vốn của doanh nghiệp lại bị thiếu hụt nghiêm trọng. Theo ông Bảo, giai đoạn hiện nay là thời gian mà các doanh nghiệp đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng Cục thuế vẫn chưa áp dụng các hình thức gia hạn thời gian nộp thuế, giãn nợ thuế, miễn tiền chậm nộp thuế.
Mặt khác, Cục thuế còn áp dụng các biện pháp như cưỡng chế bằng hình thức phong tỏa tài khoản ngân hàng, cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn,...
“Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất phương án đối với việc khấu trừ chi phí GPMB đề nghị chủ đầu tư được phép khấu trừ số tiền đã thực chi cho dân theo phương án được duyệt trong thời gian chờ làm quyết toán. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Cục thuế tỉnh Quảng Nam tháo gỡ các biện pháp cưỡng chế bằng hình thức phong tỏa tài khoản, ngừng sử dụng hóa đơn,... và gia hạn tiền nợ thuế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tín dụng, duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh và hoàn thành nghĩa vụ ngân sách Nhà nước theo đúng quy định và vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Bảo thông tin về kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp.
Vào ngày 30/1/2024, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo đến UBND tỉnh Quảng Nam, Ban cán sự Đảng tỉnh Quảng Nam về những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Tại báo cáo này, Hiệp hội cũng đã kiến nghị nhiều phương án tháo gỡ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp từ cấp địa phương đến Trung ương.
Ngay sau đó, vào ngày 16/2/2024 ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký công văn 1077/UBND-KTTH về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản trên địa bàn. Tại đây, tỉnh Quảng Nam giao các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan căn cứ nội dung kiến nghị, đề xuất về các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhóm doanh nghiệp xây dựng và bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Các đơn vị liên quan cũng được yêu cầu chủ động nghiên cứu, xem xét các nội dung có liên quan đến lĩnh vực của ngành, địa phương, đơn vị theo dõi, phụ trách để triển khai thực hiện, giải quyết theo đúng thẩm quyền quy định. Đối với các nội dung vượt thâm quyên, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì có trách nhiệm đề xuất, tham mưu UBND tỉnh hướng giải quyết cụ thể, đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình phát triển chung của tỉnh và có báo cáo trước ngày 29/02/2024.
Trước đó, Cục Thuế đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị một số giải pháp với Chính phủ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Các giải pháp của Cục thuế tỉnh Quảng Nam đưa ra như tiếp tục chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2024, tiếp tục chính sách giảm thuế suất thuế GTGT một số nhóm mặt hàng có thuế suất 10% từ ngày 1/7/2024 đến hết năm 2024. Song song, Cục thế Quảng Nam cũng đề xuất giảm 30% tiền thuê đất năm 2024 đối với hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, sửa đổi quy định về hoàn thuế GTGT dự án đầu tư theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, Cục thuế Quảng Nam cũng đề xuất kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất, trong đó cần quy định cụ thể đối với đất thương mại, dịch vụ, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ có phân vạch chiều sâu để phù hợp với thực tiễn hơn. Cùng với đó là kiến nghị Chính phủ sớm xem xét tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước để có thể thực hiện dứt điểm.
Ngoài ra, có giải pháp cấp bách liên quan đến việc tăng khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, người dân, nhằm phục hồi nhanh chóng hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bất động sản.
Có thể bạn quan tâm