Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó quy định về 27 nhóm hành vi vi phạm.
>>> Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024
Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai gồm có 4 Chương, 42 Điều. Nghị định quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai.
Theo dự thảo Nghị định này, với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất ở tại khu vực nông thôn, nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ dưới 0,01 ha, thì hình thức và mức phạt tiền đề xuất thấp nhất từ 50-80 triệu đồng, còn từ 0,1 ha trở lên, mức phạt sẽ là 200-250 triệu đồng.
Việc chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở) tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt tiền từ 100-200 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ trên 5 ha trở lên. Nếu chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp, đất ở tại khu vực đô thị thì hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt quy định này.
Đối với hành vi vi phạm sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, mức phạt tiền từ 200-250 triệu đồng, nếu chuyển trái phép từ 0,05 ha trở lên đất rừng là rừng trồng sang đất ở.
Sử dụng đất trong nhóm đất phi nông nghiệp vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm d, đ, e, g khoản 1 Điều 121 của Luật đất đai. Trong đó, hành vi chuyển đất phi nông nghiệp được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang loại đất phi nông nghiệp khác (không phải là đất ở) được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt tiền có thể từ 200- 300 triệu đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 3 ha trở lên.
>>Luật Đất đai có thể có hiệu lực sớm nửa năm
Nếu vi phạm này diễn ra tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với từng loại đất và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Đối với trường hợp lấn đất phi nông nghiệp, mức phạt tiền từ 200-500 triệu đồng nếu diện tích đất lấn từ 1 ha trở lên. Trường hợp lấn đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt và mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Với trường hợp chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thông từ 1 ha trở lên, mức phạt từ 200-500 triệu đồng. Mức phạt tăng gấn 2 lần nếu vi phạm ở đô thị.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 2 năm.
Các hình thức xử phạt chính bao gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung, gồm: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; tịch thu giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn có thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn có thời hạn từ 9 tháng đến 12 tháng.
Dự thảo cũng đưa ra 19 biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc trả lại đất sử dụng không đúng quy định; Thu hồi đất…
Có thể bạn quan tâm
Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024
13:51, 12/04/2024
Luật Đất đai sớm có hiệu lực: Thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội
10:34, 05/04/2024
Luật Đất đai có hiệu lực sớm nửa năm: Giải bài toán cung cầu nhà ở
05:00, 02/04/2024
Luật Đất đai có thể có hiệu lực sớm nửa năm
09:33, 28/03/2024
Hiểu trúng, hiểu đúng Luật Đất đai 2024
14:17, 26/03/2024