Trước những hạn chế, tồn tại của ngành bưu chính, nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết phải sửa Luật Bưu chính để phù hợp với xu thế chuyển đổi số, xu thế phát triển thương mại điện tử.
>> Cuộc đua gay gắt của doanh nghiệp bưu chính
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, lĩnh vực bưu chính đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị, tiếp tục khẳng định vai trò thiết yếu trong đời sống kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), năm 2023 có 709 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, tăng 8% so với 2022. Trong số đó có 67 doanh nghiệp mới, 13 doanh nghiệp nộp lại giấy phép. Doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 58.900 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 94% kế hoạch năm. Tổng sản lượng bưu gửi ước đạt 2.465 triệu, tăng 32,3% so với năm 2022 và tăng 0,6% so với kế hoạch năm 2023. Nộp ngân sách nhà nước lĩnh vực bưu chính ước đạt 5.750 tỷ đồng, tăng 0,5%.
Thêm vào đó, nền tảng địa chỉ số quốc gia đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố. Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ đưa được 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử…Đặc biệt, hiện có 40 tỉnh, thành phố thực hiện chuyển giao một số công việc hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính (là nhiệm vụ của công chức các sở tại bộ phận một cửa) cho nhân viên bưu điện thực hiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, ngành Bưu chính vẫn tồn tại nhiều vấn đề. Đặc biệt là việc cạnh tranh không lành mạnh để chiếm thị phần (giảm giá, khuyến mãi, tặng quà…).
Thực tế, Thanh tra Bộ đã kiểm tra doanh nghiệp được cấp giấy phép bưu chính và phát hiện rất nhiều doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính không thuộc lĩnh vực bưu chính. Đồng thời phát hiện các sai phạm về cước, khuyến mại tại Công ty TNHH SPX Express, Công ty cổ phần GoFast, Công ty cổ phần TNHH Grab Việt Nam…
>>Sáu xu hướng định hình thị trường logistics năm 2024
Bên cạnh đó, trong năm 2023 nổi lên vấn đề các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, TikTok Shop… không cho phép người bán, người mua lựa chọn đơn vị vận chuyển, mà các sàn tự chủ động phân phối các đơn hàng cho các đơn vị vận chuyển do họ tự liên kết hoặc tự xây dựng. Việc các sàn thương mại điện tử chỉ định đơn vị vận chuyển hay thành lập các đơn vị chuyển phát riêng trực thuộc sàn đẩy hầu hết sản lượng qua các đơn vị đó là dấu hiệu của tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực bưu chính.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, sau 14 năm đi vào cuộc sống, Luật Bưu chính đã bộc lộ sự lạc hậu và bất cập, do đó, cần xây dựng lại luật mới với cách tiếp cận mới để đáp ứng thực tiễn thị trường bưu chính.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bùi Hoàng Phương chỉ rõ, Luật Bưu chính được ban hành từ năm 2010, đến nay đã bộc lộ những hạn chế, những nội dung cần điều chỉnh để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, nhất là xu thế chuyển đổi số, xu thế phát triển thương mại điện tử. Đồng thời điều chỉnh các hành vi, nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp bưu chính.
“Sửa đổi, bổ sung Luật Bưu chính là nhiệm vụ cần ưu tiên của năm 2024. Bộ giao Vụ Bưu chính năm 2024 tập trung đề xuất sửa Luật Bưu chính. Đây là một việc quan trọng và phải ưu tiên số 1”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.
Đối với các doanh nghiệp bưu chính, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp cần chấp nhận thay đổi, tăng cường áp dụng công nghệ để tồn tại, cạnh tranh và phát triển.
Xoay quanh vấn đề sửa đổi Luật Bưu chính, ông Lê Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost) cho biết, cùng với sự bùng nổ hoạt động thương mại điện tử, cơ cấu thị phần bưu chính chuyển phát có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Theo đó, dung lượng thị trường phục vụ thương mại điện tử chiếm đến 70 - 80% toàn bộ thị trường bưu chính chuyển phát.
Đồng thời, xuất hiện nhiều chuỗi giá trị liên quan như lưu kho, chuyển hoàn, thu hộ, chi hộ... Các sàn thương mại điện tử xuất hiện ngày càng nhiều và mở rộng hoạt động chuyển phát bưu gửi đến tận người nhận, thay vì phụ thuộc vào các doanh nghiệp bưu chính.
“Luật Bưu chính sửa đổi cần bổ sung các quy định đối với hoạt động bưu chính phục vụ thương mại điện tử, hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính của các sàn thương mại điện tử”, ông Quốc Anh kiến nghị.
Liên quan đến thương mại điện tử trong hoạt động bưu chính, ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đề nghị, xem xét bổ sung điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp bưu chính có hoạt động chuyển phát hàng hóa thương mại điện tử và thu hộ, tương tự các điều kiện cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán.
“Các điều kiện gồm vốn điều lệ tối thiểu, biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán, điều kiện về nhân sự, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật để tạo khuôn khổ pháp lý, hạn chế trường hợp người sử dụng dịch vụ bưu chính bị chiếm dụng hoặc chiếm đoạt tiền thu hộ”, ông Đinh Thanh Sơn bày tỏ.
Ngoài ra, Lãnh đạo Viettel Post còn đề xuất bổ sung yêu cầu doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng lao động với một số chức danh như nhân viên phát hàng, bưu tá, lái xe, để đảm bảo trách nhiệm với xã hội và người lao động.
Có thể bạn quan tâm
Cuộc đua gay gắt của doanh nghiệp bưu chính
02:30, 10/12/2023
Viettel Post: Doanh thu bưu chính đạt mức cao nhất trong 10 năm qua
18:24, 01/08/2023
Đẩy mạnh hợp tác về bưu chính viễn thông, chuyển đổi số giữa Việt Nam - Campuchia
22:23, 09/11/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bảo đảm mọi người dân sử dụng dịch vụ bưu chính chất lượng, giá hợp lý
20:00, 30/05/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Quy định mới về mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước
19:00, 18/12/2021