Với 73 triệu phương tiện đang được sử dụng, cùng chi phí phải bỏ ra lớn, nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất xe máy cũng phải có thiết bị giám sát hành trình không chỉ gây tốn kém, mà khó khả thi…
>> Cân nhắc việc yêu cầu thiết bị giám sát hành trình tích hợp chức năng cứu hộ cứu nạn
Theo khoản 1 Điều 33 Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, “Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải đáp ứng các điều kiện:
Được cấp chứng nhận đăng ký và gắn biển số theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 7 Điều 34 Luật này;
Bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 35 và khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 36 Luật này;
Có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Dù mới chỉ ở dạng đề xuất, thế nhưng, quy định này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, về tính khả thi, khi thực tế cho thấy, với giá bình quân 3,5 triệu đồng/thiết bị khi lắp đặt, mỗi năm một xe còn phải đóng phí sử dụng dịch vụ từ 1 đến 1,5 triệu đồng/thiết bị, trong khi tính đến tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu ô tô và 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành, thì chi phí xã hội phải bỏ ra là vô cùng lớn.
Chưa kể, xe máy còn là công cụ mưu sinh cho rất nhiều người như: nông dân, lao động tự do, sinh viên,… mà đại đa số đều khó có thể đủ điều kiện tài chính để lắp và vận hành camera hành trình. Đáng nói, hình ảnh và các cuộc trò chuyện của người lái xe và người đi chung có thể xem như “bí mật” đời tư không được xâm phạm,...
Cho ý kiến về đề xuất đã nêu, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, qua thực tế theo dõi, tôi chưa thấy nước nào trên thế giới quy định xe máy phải lắp camera hành trình. Nếu cơ quan soạn thảo mở rộng đối tượng phương tiện phải lắp thiết bị giám sát hành trình với xe máy phải có đề án nghiên cứu, đánh giá tác động một cách đầy đủ về việc này.
“Với ô tô, camera hành trình được lắp trong cabin kín nhưng với xe máy thì thiết bị sẽ phải lắp ở bên ngoài. Với thời tiết như ở Việt Nam liệu các thiết bị đó có đảm bảo độ bền, chất lượng?”, ông Quyền bày tỏ.
Theo ông Quyền, hiện nay, pháp luật mới chỉ quy định lắp camera hành trình đối với ô tô kinh doanh vận tải. Cả nước có hơn 6 triệu ô tô thì mới có khoảng 1 triệu xe kinh doanh vận tải phải lắp camera hành trình. Với tổng số hơn 1/6 số lượng ô tô đã được lắp đặt camera hành trình mà việc tích hợp dữ liệu, sử dụng dữ liệu trong quản lý thời gian qua đã bộc lộ một số bất cập. Trong đó, chậm thông báo xe chạy quá tốc độ, đường truyền gián đoạn...
Chưa kể hiện nay, mới chỉ khai thác được một phần tiềm năng của dữ liệu này chứ chưa khai thác tối đa. Do vậy, với dữ liệu khổng lồ từ hơn 70 triệu xe máy vận hành hằng ngày dồn về, việc xử lý sẽ được thực hiện thế nào? Chi phí cho việc lắp đặt, vận hành quản lý cơ sở dữ liệu sẽ được thực hiện ra sao?
Từ thực tế này, ông Quyền đề nghị, tạm thời bỏ quy định này hoặc không quy định cứng mà giao cho Chính phủ quy định chi tiết, có thí điểm, có lộ trình thực hiện rõ ràng.
Đồng quan điểm đã nêu, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, kinh tế và đời sống người dân cũng khó khăn, thêm một khoản chi phí cũng là thêm một nỗi lo. Chính vì vậy, để đưa vào áp dụng ở Việt Nam, các đơn vị nên làm rõ thêm mục đích, hiệu quả mà quy định này đem lại trong nâng cao an toàn giao thông một cách bài bản. Trong đó chứng minh cụ thể bằng số liệu, nêu mức chi phí dự kiến... để người dân nhìn ở nhiều góc độ rồi đưa ra ý kiến.
Không chỉ gây xôn xao dư luận, tại Nghị trường Quốc hội, cho ý kiến về đề xuất này, nhiều đại biểu cũng không khỏi băn khoăn.
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, việc yêu cầu lắp các thiết bị dữ liệu, hình ảnh người lái xe có thể vi phạm quyền riêng tư, quyền bảo vệ bí mật đời tư của người dân. Đồng thời, nó sẽ liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng và các thiết bị phải được cấp phép.
Việc lắp các thiết bị này cũng sẽ can thiệp vào hệ thống điện của xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Chưa kể, với một số loại sản phẩm tích hợp phần mềm quản lý, truyền dữ liệu, lưu trữ đám mây, người dùng phải trả thêm nhiều chi phí sử dụng hàng tháng.
“Vì vậy, chỉ nên quy định gắn camera hành trình với xe kinh doanh vận tải như quy định hiện hành và quy định cụ thể hơn về trung tâm tích hợp, phân tích dữ liệu để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, tránh lãng phí. Với ô tô cá nhân và xe máy chỉ nên quy định theo hướng khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình và nên tổ chức thí điểm, có lộ trình phù hợp để tránh gây hiệu ứng ngược”, vị đại biểu này đề xuất.
Còn theo đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chỉ nên quy định bắt buộc lắp camera hành trình với xe kinh doanh, còn với xe máy thì không nên bắt buộc. Với số lượng xe máy rất lớn, nếu quy định theo hướng bắt buộc cũng sẽ rất khó kiểm soát trong thực tế…
“Nếu bắt buộc lắp camera hành trình với tất cả xe máy sẽ tạo ra gánh nặng chi phí, không chỉ để lắp đặt mới mà còn để duy trì, bảo dưỡng... khi có quy định mà không thực hiện được, sẽ xảy ra tình trạng “nhờn luật”. Vì vậy, chỉ nên đưa các quy định có tính khả thi thì mới có tác dụng”, đại biểu Phúc bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Cân nhắc việc yêu cầu thiết bị giám sát hành trình tích hợp chức năng cứu hộ cứu nạn
03:30, 04/02/2023
Cần bộ quy chuẩn cho camera giám sát hành trình
03:00, 22/07/2022
Khó áp dụng xử phạt với vi phạm thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá
03:30, 21/03/2022
Lắp camera giám sát hành trình: Vì sao doanh nghiệp vận tải chần chừ?
08:50, 31/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xử lý nghiêm xe vận tải không lắp camera giám sát hành trình
20:15, 20/12/2021