Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố khóa 16.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng: Mặc dù chịu tác động lớn, ngoài dự báo của đại dịch COVID-19 nhưng Hải Phòng đã thành công trong phòng chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 với nhiều cách làm mới, sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội,
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) thành phố ước đạt 11,22%, gấp khoảng 4 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (dự kiến tăng khoảng 2-3%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 84.199,2 tỷ đồng, trong đó: thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 50.000 tỷ đồng, giảm 16,1%; thu ngân sách địa phương đạt 34.199,2 tỷ đồng, tăn 17,2%, riêng thu nội địa đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 11%, cơ bản hoàn thành dự toán Trung ương giao. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ: chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 15,05%; kim ngạch xuất khẩu 18,95 tỷ USD, tăng 18,46%; sản lượng hàng qua cảng 142,8 triệu tấn, tăng 10,56%; tổng vốn đầu tư phát triển 172.250 tỷ đồng, tăng 13,49%; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 15.333,3 tỷ đồng, tăng 1,93%.
Được biết thời gian vừa qua Hải Phòng đã khởi công, khánh thành nhiều dự án, công trình lớn, có ý nghĩa phát triển đối với thành phố. Từ 2016 - 2020, kinh tế Hải Phòng phát triển mạnh mẽ, luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, GRDP bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 13,94%/năm, gấp 1,34 lần mục tiêu đề ra (10,5%/năm), gấp 1,97 lần giai đoạn 2011-2015 (7,08%/năm) và gấp 2,06 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước (6,78%/năm). Tạo bứt phá về huy động nguồn lực để đầu tư phát triển, nhất là thu ngân sách. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020 ước đạt 564.295 tỷ đồng, cao gấp 1,28 lần mục tiêu đề ra (440.000 tỷ đồng) và gấp 3 lần giai đoạn 2011-2015 (188.355 tỷ đồng). Tiềm lực của thành phố được tăng cường, thu ngân sách nội địa năm 2020 đạt 30.000 tỷ đồng, gấp 2,32 lần năm 2015.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được chú trọng; hạ tầng đô thị được đầu theo hướng đồng bộ, hiện đại; không gian đô thị được mở rộng. Kết cấu hạ tầng giao thông đã có bước phát triển vượt bậc. Tài nguyên đất đai, khoáng sản được quản lý chặt chẽ theo quy hoạch, phát huy hiệu quả sử dụng đất; công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng được tăng cường. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, an sinh xã hội được quan tâm đầu tư lớn, có nhiều cơ chế, chính sách mới vượt trội. Quốc phòng được tăng cường, củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, liên kết vùng được triển khai đồng bộ, hiệu quả; hình ảnh, vị thế và uy tín của Hải Phòng được nâng cao rõ nét.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, năm 2021, Hải Phòng chọn Chủ đề năm là “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”.
Tiếp tục tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Phát triển, hiện đại hóa đô thị theo 3 hướng đột phá; xây dựng thành công mô hình thí điểm nông thôn mới kiểu mẫu; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế.
Một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2021 được đề ra như: Tăng trưởng GRDP (giá so sánh 2010) đạt 13,5% so với năm 2020, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 19,2%; dịch vụ tăng 7,84%; nông, lâm và thủy sản tăng 1,06%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,02%. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt 6.600 USD. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 40,7%; tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 46,5%.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 89.490,478 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 35.000 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 204 nghìn tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 22,3 tỷ USD. Sản lượng hàng hoá thông qua cảng đạt 159 triệu tấn. Khách du lịch đạt 8,25 triệu lượt. Xây dựng nông thôn mới: hoàn thành xây dựng mô hình thí điểm 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thu hút 2,5 - 3,0 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Giải quyết việc làm cho khoảng 56.000 lượt người lao động. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý hợp vệ sinh: ở đô thị đạt 100%; nông thôn đạt 91%...
Chủ tịch UBND thành phố cũng nêu ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện trong năm 2021. Đến năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 5 năm 2021 - 2025, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, với mục tiêu: Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, phát triển bứt phá để đến năm 2025, Hải Phòng cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đạt các tiêu chí đô thị loại I; trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm phát triển kinh tế biển, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm dịch vụ logistics, trung tâm đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước; hoàn thành xây dựng Trung tâm hành chính - chính trị thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á vào năm 2030.
Định hướng, nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn 2021 - 2025, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thành phố sẽ tập trung: Tăng cường kỷ cương thu, chi ngân sách; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics; du lịch - thương mại.
Xây dựng, phát triển, hiện đại hóa đô thị Hải Phòng; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phù hợp với quá trình đô thị hóa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ; trọng điểm phát triển khoa học - công nghệ biển của cả nước. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, củng cố môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi để phát triển thành phố.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Trục giao thông kết nối giữa An Dương và Thủy Nguyên sẽ thông xe giai đoạn 1 trước Tết 2021
01:38, 21/12/2020
Ngành cấp nước Hải Phòng: Vươn mình cùng thời đại
15:36, 19/12/2020
Hải Phòng: Ngừng khai thác vận tải tuyến cố định tại bến xe Lạc Long
14:06, 18/12/2020
Hải Phòng làm việc với 7 doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà
04:50, 18/12/2020