Một số liệu thống kê từ Tổng cục Hải Quan đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành dệt may và giày dép trong quý I năm 2022. Nhưng, còn đó những nỗi lo...
>>Doanh nghiệp hàng không chưa thể hồi phục, đề xuất "tiếp sức"
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam trong quý 1 năm 2022 tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái lên 176,4 tỷ USD. Trong quý đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam tăng 13,4% so với năm trước, đạt 89,1 tỷ USD trong khi nhập khẩu đạt 87,6 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bộ Công Thương Việt Nam cũng dự báo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng, phần lớn là nhờ đà phục hồi kinh tế toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Một lĩnh vực đang cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ là ngành giày dép và dệt may, mặc dù chi phí logistics gia tăng cùng tình trạng thiếu hụt lao động vừa qua.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã đạt 8,2 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2022, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông cũng cho biết thêm rằng lĩnh vực này dự kiến sẽ đạt được 12,7 tỷ USD doanh thu xuất khẩu trong Q1 / 2022.
Bên cạnh đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt gần 5,3 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng cao trong điều kiện đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Còn theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều công ty dệt may địa phương đã nhận được đơn đặt hàng lớn và yêu cầu các nhà máy phải hoạt động hết công suất cho đến tháng 9 năm nay.
Tương lai, các nhà sản xuất quần áo và giày dép Việt Nam có kế hoạch tạo thêm doanh thu kinh doanh thông qua việc bán hàng xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, vốn đã được thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực gần đây với Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh.
>>>“Hiệu ứng domino” từ thị trường Trung Quốc
>>>Cách nào hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản
Nhưng, khi Trung Quốc ho, ngành giày dép và dệt may toàn cầu nín thở!
Đại dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều khu vực của Trung Quốc và chính sách Zero-Covid của nước này với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng trên các vùng lãnh thổ rộng lớn khi các trường hợp mới xuất hiện, đã khiến mối lo ngại sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu đang trở lại. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng dai dẳng về chi phí vận tải hàng hải và hàng không tăng cao, cũng đang là một thách thức.
Các nhà máy sản xuất quần áo và giày dép của Việt Nam đang phải vật lộn để đáp ứng các đơn đặt hàng do thiếu nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc, vốn được sử dụng để sản xuất mọi thứ từ giày thể thao đến quần dài, trong bối cảnh phong tỏa kéo dài ở Trung Quốc.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Mỗi nhà máy may đều đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nguyên liệu hiện nay. Điều này đang làm tổn hại đến sản xuất và xuất khẩu của chúng tôi và đang làm chậm trễ việc giao hàng cho khách hàng”.
Trong khi bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, cũng cho rằng chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đã khiến cho nguyên liệu chủ chốt tại các nhà máy giày giảm mạnh, nơi chiếm khoảng 60% nguồn cung từ Trung Quốc. Điều đó cũng đang làm gia tăng chi phí hậu cần.
Hiện tại, Việt Nam là nhà cung cấp quần áo và giày dép lớn thứ hai cho Mỹ, theo Hiệp hội Giày dép và Quần áo Hoa Kỳ, đại diện cho hơn 1.000 thương hiệu. Nike, “gã khổng lồ” thương hiệu thể thao lớn nhất thế giới đã sản xuất khoảng 3/4 sản lượng giày dép của mình ở Đông Nam Á, với 51% sản xuất tại Việt Nam.
Để giải quyết thực trạng này, Dự thảo Chiến lược phát triển ngành dệt may giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đang được Bộ Công Thương xây dựng, đã định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ cho dệt may vẫn là bài toán khó.
Tập đoàn Pro Sport tìm "đỏ mắt" vẫn không thể mua được vải chống nước hay vải cản gió dùng để may quần áo thể thao ở thị trường trong nước. Với những loại vải trong nước sản xuất được, giá thành cũng cao hơn hàng nhập khẩu từ 15 - 20%. Do đó, doanh nghiệp vẫn phải nhập khoảng 75% nguyên liệu từ nước ngoài.
Để sản xuất được vải cần có ngành dệt nhuộm, nhưng đây là ngành đòi hỏi công nghệ và vốn lớn. Chưa kể, doanh nghiệp dệt nhuộm cũng vấp phải rào cản từ các địa phương do lo ngại nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Được biết, để đầu tư một dây chuyền sản xuất bông tấm, doanh nghiệp phải bỏ ra khoảng 2 triệu USD. Chính vì chi phí đầu tư lớn, nên đây cũng là một trong những khó khăn để phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo nền tảng cho ngành công nghiệp dệt may tăng trưởng bền vững là vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên sau hơn 20 năm với nhiều "quyết tâm", ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được nhiều người ví von vẫn như "đứa trẻ không chịu lớn". Đến nay, năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn hạn chế, chưa như kỳ vọng.
Mặc dù Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các hiệp hội, doanh nghiệp cập nhật những thay đổi về chính sách đối với hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng đầu mối thông tin và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu cho các doanh nghiệp.
Nhưng, có lẽ về phía các doanh nghiệp cần phải có sự chủ động, thích ứng để có một chiến lược phù hợp. Trước mắt, vừa phải cầm cự sản xuất, giữ khách hàng, vừa đảm bảo tiến độ giao hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng nên đa dạng hóa nguồn cung và tập trung đầu tư nghiên cứu phát triển nguyên phụ liệu, nâng cao tính chủ động trong bối cảnh hiện tại.
Có thể bạn quan tâm
DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: VinFast “trấn an” người mua xe điện
04:00, 08/05/2022
24 doanh nghiệp tham gia Mạng lưới doanh nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL
19:23, 06/05/2022
Chủ tịch VCCI: VCCI hoạt động vì một cộng đồng doanh nghiệp bền vững
16:00, 06/05/2022
Doanh nghiệp xuất khẩu gia vị, rau quả lo lắng về tiêu chuẩn khắt khe của EU
13:18, 06/05/2022
VCCI hỗ trợ doanh nghiệp đưa gia vị, rau quả Việt "xuất ngoại" vào EU
11:14, 06/05/2022
ĐIỂM BÁO NGÀY 06/05: Gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải
05:20, 06/05/2022
Chuyển đổi năng lượng và cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp điện
04:00, 06/05/2022