Chứng khoán

Dịch chuyển thương mại có thể làm tăng GDP và cơ hội ở 11 nhóm ngành

An Định 13/04/2025 04:05

Việc Mỹ nâng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy GDP của Việt Nam thông qua chuyển dịch thương mại.

2 kịch bản thuế và tương quan GDP

Vào ngày 09/04, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tạm hoãn 90 ngày đối với việc thực hiện chính sách thuế đối ứng với tất cả các quốc gia, ngoại trừ Trung Quốc. Ngoài ra, mức thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc đã được nâng lên mức 125%, so với mức 54% công bố vào ngày 02/04. Tất cả các quốc gia khác vẫn chịu mức thuế suất đồng loạt 10%.

Cang 2
Kỳ vọng lợi ích từ việc chuyển dịch thương mại sẽ lớn hơn so với thiệt hại từ sự sụt giảm của nhu cầu. (Ảnh minh họa: ITN)

Ông Hoàng Nam, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phân tích CTCP Vietcap (VCI) cùng các cộng sự nhìn nhận, mức thuếđồng loạt 10% có thể làm giảm nhu cầu từ Mỹ do chi phí nhập khẩu tăng cao; tuy nhiên, Việt Nam có khả năng sẽ giành thêm thị phần từ Trung Quốc do mức thuế cao hơn mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

“Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng rằng lợi ích từ việc chuyển dịch thương mại sẽ lớn hơn so với thiệt hại từ sự sụt giảm của nhu cầu”, các chuyên gia đánh giá.

Đây là góc nhìn khá tích cực trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp tỏ ra lo lắng về các chính sách thuế quan sẽ tác động triển vọng kinh doanh và dòng chảy thương mại trong thời gian tới. Tuy nhiên, chính sách cụ thể sau 90 ngày (như Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không có giá hạn) vẫn đang phụ thuộc vào kết quả đàm phán chính thức của Việt Nam và Hoa Kỳ.

Vietcap xây dựng các kịch bản thuế và tương quan tác động đến GDP của Việt Nam:

Thứ nhất, Mỹ áp thuế quan 54% đối với Trung Quốc và 10% đối với các nước còn lại. Theo đó, dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 1,7% trong năm 2025.

Thứ hai, Mỹ áp thuế quan 125% đối với Trung Quốc và 10% đối với các nước còn lại. Theo đó, dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 2,5% trong năm 2025.

“Ước tính của chúng tôi dựa trên các giả định sau: Thuế quan giữ nguyên cho đến cuối năm 2025. Các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể hấp thụ phần lớn chi phí thuế (tỷ lệ chuyển chi phí sang người tiêu dùng thấp hơn); Vai trò lớn của Trung Quốc với tư cách là nhà xuất khẩu chủ lực không thể được thay thế ngay lập tức bởi các quốc gia khác (độ co giãn của cầu theo giá thấp hơn); Khả năng hạn chế của Việt Nam trong việc thay thế sự sụt giảm lớn của hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ. Và cuối cùng là các yếu tố kinh tế khác giữ nguyên”, các chuyên gia lý giải.

Tìm cơ hội ở 11 nhóm ngành

Dự báo về tác động ông Trump áp thuế cho Trung Quốc và các nước, trong kịch bản vĩ mô như trên và đối với các nhóm ngành cụ thể trên thị trường chứng khoán, ông Hoàng Nam cùng các cộng sự phân tích:

Ngành ngân hàng: Thông báo về thuế quan lần này sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế của Việt Nam, từ đó mang lại ảnh hưởng tích cực cho ngành ngân hàng. Khoảng thời gian 90 ngày này sẽ giúp các ngân hàng và khách hàng có thêm thời gian cần thiết để xây dựng chiến lược và chủ động thực hiện các hành động nhằm củng cố hoạt động kinh doanh và vị thế tài chính trước rủi ro từ thuế quan. Các cổ phiếu ngành ngân hàng đã giảm 9–14% kể từ khi mức thuế quan mới được công bố, qua đó tạo ra cơ hội mua vào hấp dẫn.

Các ngân hàng đang sử dụng mọi nguồn vốn để cung ứng tín dụng, là các giải pháp tạm thời để kích thích nền kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng.. Ảnh minh họa: Itn
Các ngân hàng quốc doanh (VCB, CTG, BID) và các ngân hàng tư nhân lớn (ACB, TCB, MBB) được đánh giá cao về lợi thế. (Ảnh minh họa)

“Chúng tôi hiện ưu tiên các ngân hàng có (1) chi phí vốn thấp và nền tảng vốn vững mạnh, (2) chất lượng tài sản được kiểm soát tốt và có bộ đệm trích lập dự phòng đầy đủ, và/hoặc (3) có khả năng tham gia vào các dự án hạ tầng quy mô lớn trong nước, bao gồm các ngân hàng quốc doanh (VCB, CTG, BID) và các ngân hàng tư nhân lớn (ACB, TCB, MBB).

Các ngân hàng thuộc phạm vi theo dõi của chúng tôi hiện đang giao dịch ở mức định giá hấp dẫn, trong đó P/B trượt của các ngân hàng quốc doanh là 1,79 lần (thấp hơn 2 độ lệch chuẩn so với P/B trung bình 7 năm) và các nhóm ngân hàng tư nhân là 1,25 lần (thấp hơn gần 1 độ lệch chuẩn so với P/B trung bình 7 năm)”.

Ngành tiêu dùng: Việc tạm hoãn áp thuế sẽ cải thiện tâm lý người tiêu dùng tại Việt Nam so với những ngày trước; tuy nhiên, tác động trực tiếp vẫn hạn chế. Một số cổ phiếu ngành tiêu dùng đã điều chỉnh về mức định giá hấp dẫn với hệ số P/E trượt thấp hơn khoảng 20%–50% so với mức trung bình 5 năm.

Mức thuế cao mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc có thể làm dấy lên lo ngại rằng hàng xuất khẩu Trung Quốc sẽ chuyển dịch sang Việt Nam, gia tăng cạnh tranh đối với hàng hóa trong nước; tuy nhiên, các cổ phiếu được đánh giá cao đều có lợi thế cạnh tranh vững chắc và đang ở vị thế tốt để chống chịu trước rủi ro cạnh tranh gia tăng. MSN, MCH, VNM, FRT, FPT và CTR là các mã cổ phiếu có khả năng chống chịu tốt nhất và có khuyến nghị MUA được Vietcap đánh giá cao trong ngành.

Trong đó, hàng tiêu dùng thiết yếu (MSN, MCH, VNM): MSN tạo ra 81% doanh thu từ sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng thiết yếu cho thị trường trong nước. Mảng vật liệu trung gian (MSR), chiếm 8% doanh thu, chủ yếu xuất khẩu nhưng các sản phẩm chính hiện không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp thuế đã công bố. MCH có 95% doanh thu từ thị trường trong nước, với doanh thu từ xuất khẩu sang Mỹ chiếm chưa đến 1%. VNM có 82% doanh thu đến từ thị trường trong nước, và doanh thu từ xuất khẩu sang Mỹ chiếm chưa đến 1%. Cả 3 doanh nghiệp đều là những công ty dẫn đầu trong các ngành hàng tiêu dùng trọng yếu tại Việt Nam — bao gồm gia vị và thực phẩm tiện lợi (MSN/MCH), bán lẻ bách hóa (MSN) và sữa (VNM). MCH và VNM cũng có bảng cân đối kế toán lành mạnh, với tỷ lệ tiền mặt ròng/vốn chủ sở hữu lần lượt là 22% và 45%. Hiện tại, P/E năm 2025 của MSN, MCH và VNM lần lượt là 22, 17 và 12 lần.

Bán lẻ dược phẩm: FRT có 100% doanh thu đến từ thị trường trong nước. Mảng dược phẩm chiếm 60–70% tổng doanh thu và công ty hiện là doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam. FRT đang giao dịch với P/E năm 2025 là 22 lần.

Công nghệ & Viễn thông: FPT: 62% doanh thu thuần của FPT đến từ dịch vụ CNTT toàn cầu, với 12% đến thị trường Mỹ — mảng này hiện không bị ảnh hưởng bởi thuế quan đối ứng. Mặc dù không bị tác động trực tiếp, mức thuế đồng đều 10% có thể khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn trong chi tiêu CNTT. Tuy nhiên, các mảng dịch vụ viễn thông (28% doanh thu) và giáo dục (10%) của FPT tương đối có khả năng chống chịu trước các khó khăn ngắn hạn. Công ty có vị thế tài chính vững chắc với tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu ở mức -45,1% tính đến cuối năm 2024. Cổ phiếu FPT hiện đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2025 là 18,5 lần.

CTR: 82% doanh thu của CTR đến từ thị trường trong nước, không có doanh thu từ thị trường Mỹ được đánh giá tích cực. Đây cũng là đánh giá là công ty có lợi thế cạnh tranh về chi phí và hưởng lợi từ giá trị cộng hưởng với công ty mẹ Viettel — nhà mạng lớn nhất Việt Nam. CTR giữ vị thế tài chính lành mạnh, với tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu ở mức -6,2% tính đến cuối năm 2024, và hiện đang giao dịch với EV/EBITDA dự phóng năm 2025 là 9,1 lần — thấp hơn 17% so với EV/EBITDA trung bình 5 năm.

Bất động sản (BĐS) được chia 2 nhóm. Trong đó, BĐS nhà ở được nhìn nhận tích cực với tác động hoãn thuế, do góp phần xoa dịu tâm lý lo ngại về chi tiêu trong tương lai cũng như những biến động của tỷ giá hối đoái. Trong năm 2025, các nhà phân tích dự báo lượng giao dịch BĐS sơ cấp sẽ gia tăng so với năm trước, dựa trên kỳ vọng của các chuyên gia về: (1) nhu cầu ở thực vững chắc và sự trở lại của dòng tiền đầu tư, (2) nguồn cung sơ cấp mới gia tăng nhờ tiến độ pháp lý thuận lợi hơn, và (3) niềm tin của người mua nhà cải thiện nhờ triển vọng mặt bằng lãi suất vay mua nhà ổn định, và việc đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng trọng yếu.

NLG và KDH là 2 trong những doanh nghiệp có khả năng hưởng lợi sớm nhất từ sự phục hồi của thị trường, nhờ vị thế thị trường vững chắc được hỗ trợ bởi năng lực triển khai dự án đã được chứng minh, nền tảng tài chính tốt và giá trị thương hiệu cao. Hiện tại, NLG và KDH đang giao dịch ở mức P/B dự phóng năm 2025 lần lượt là 1,1 lần và 1,4 lần (dựa trên dự báo của Vietcap), thấp hơn P/B trung bình 2 năm lần lượt là 1,6 lần và 2,0 lần.

BĐS Khu công nghiệp (KCN): Việc hoãn áp thuế — và mức thuế của Việt Nam được giữ ở mức đồng bộ với các nước trong khu vực trong giai đoạn này — là yếu tố hỗ trợ ngắn hạn, có thể góp phần làm dịu tâm lý thị trường đối với cổ phiếu BĐS KCN. Mặc dù vậy, triển vọng trung và dài hạn của ngành sẽ phụ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán sắp tới của Mỹ; Việt Nam đang thể hiện nỗ lực trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh, nhờ vào mạng lưới FTA rộng khắp, chi phí lao động tương đối thấp, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, và lực lượng lao động trẻ giàu kinh nghiệm.

Theo thông tin cập nhật mới nhất từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP) ngày 12/4, một số mặt hàng quan trọng như điện thoại, máy tính và chip đã được miễn trừ khỏi các mức thuế đối ứng do Tổng thống Trump công bố. Quyết định này, đối với Việt Nam là hết sức tích cực khi đây là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, Việt Nam vẫn sẽ là "miền đất vàng" các doanh nghiệp lớn, công nghệ quốc tế chọn làm "đại bản doanh" sản xuất, cũng là cơ hội lớn cho BĐS KCN.

Nhìn chung, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều cho rằng chính sách thuế quan (nếu theo kịch bản cao) có thể gây tác động với dòng vốn mới. Song nhìn chung, vốn FDI - gắn liền với BĐS KCN, thường có cam kết dài hạn và không dễ dàng dịch chuyển do Việt Nam có nhiều lợi thế mà việc tìm kiếm để rời đi, khó có địa điểm nào cạnh tranh được. Những cam kết và tạo thuận lợi của Chính phủ trong các chính sách để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang được kỳ vọng sẽ góp phần tăng thêm sức hút dòng vốn này trong thời gian tới.

Đối với nhận định về nhóm các cổ phiếu BĐS KCN (IDC, KBC, SIP, SZC, GVR, PHR, BCM, SNZ, NTC, VGC, LHG), Vietcap định giá hiện đang giao dịch tại mức trung vị của chỉ số P/B điều chỉnh (theo quý gần nhất) là 1,6 lần, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 2 năm là 2,0 lần. Trong nhóm cổ phiếu KCN, các nhà phân tích đánh giá cao IDC, KBC và SIP nhờ sở hữu quỹ đất sạch quy mô lớn tại các vị trí đắc địa cùng với nền tảng tài chính vững mạnh.

Ngành Công nghiệp, Vật liệu và Vận tải: “Tạm hoãn áp dụng thuế quan đối ứng mang lại sự giải tỏa tạm thời cho các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp, vật liệu và vận tải. Khoảng thời gian 90 ngày này là cần thiết để các đối tác thương mại (gồm cả nhà xuất khẩu, nhập khẩu, hãng tàu và cảng biển) có thời gian để thống nhất, điều chỉnh các điều khoản giao dịch và/hoặc chuyển hướng hàng hóa sang các thị trường khác. Điều này có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong 90 ngày tới khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho. Mức thuế đồng đều 10% có thể khiến nhu cầu của Mỹ suy giảm do chi phí nhập khẩu tăng, tuy nhiên, Việt Nam có thể giành được thêm thị phần từ Trung Quốc nhờ mức thuế cao mà Mỹ áp lên hàng Trung Quốc.

Chúng tôi kỳ vọng rằng lợi ích từ chuyển dịch thương mại sẽ lớn hơn so với thiệt hại từ sự sụt giảm của nhu cầu”, theo Vietcap.

Do đó, về mặt lựa chọn cổ phiếu, các công ty được đánh giá cao sẽ là: (1) ít phụ thuộc vào xuất khẩu và tập trung cao vào thị trường trong nước, (2) hưởng lợi từ chi phí đầu vào thấp hơn nhờ nhu cầu từ Trung Quốc giảm, và (3) có đặc điểm phòng thủ tốt (bảng cân đối kế toán mạnh và cổ tức tiền mặt cao). Tương ứng, các cổ phiếu được đánh giá cao về tiềm năng phục hồi mạnh bao gồm BMP, DGC và HPG. Các cổ phiếu khác có thể hưởng lợi gián tiếp bao gồm GMD, SCS, PTB, STK và DHC.

Ngành công nghiệp / Xuất khẩu: Theo Vietcap, thông báo gần đây từ Tổng thống Donald Trump là yếu tố tích cực đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trước điều chỉnh này, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải chịu mức thuế từ 3,3% đến 18,5% đối với dệt may (mã HS 61 & 62), trong khi phần lớn các mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ (mã HS 94, 4407, 4403) được miễn thuế, trừ ván ép (HS 4412) chịu thuế 2,88%–7,03%.

“Dù biểu thuế mới có thể đồng nghĩa với mức thuế cao hơn so với trước đây, chúng tôi cho rằng yếu tố cạnh tranh vẫn đang nghiêng về phía Việt Nam trong ngắn hạn. Trên thị trường Mỹ, Trung Quốc vẫn là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam — với thị phần là 21% đối với dệt may (so với thị phần của Việt Nam là 18%), và 45% đối với đồ gỗ nội thất (so với thị phần của Việt Nam là 45%) (theo dữ liệu từ Trade Map). Mức thuế cao hơn áp lên hàng Trung Quốc có thể mở ra cơ hội cho Việt Nam gia tăng thị phần, phần nào bù đắp tác động từ việc thuế tăng”, ông Hoàng Nam cho biết.

Theo đó, kỳ vọng các cổ phiếu xuất khẩu chủ lực như PTB, STK và DHC sẽ hưởng lợi gián tiếp. Ngoài ra, kỳ vọng giá cổ phiếu DGC sẽ phục hồi mạnh, vì giá cổ phiếu đã điều chỉnh sâu do tâm lý thị trường, dù doanh thu từ Mỹ chỉ ở mức thấp (chiếm khoảng 2%).

Vật liệu xây dựng (Conmat): HPG gần như không phụ thuộc vào thị trường Mỹ, với xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng năm 2024. Trong nước, HPG được kỳ vọng hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành xây dựng, đặc biệt là hạ tầng, vốn có thể được thúc đẩy thêm nhờ chính sách tài khóa mở rộng của Chính phủ nhằm đối phó với khó khăn từ thương mại.

Trong nhóm thép, tôn mạ NKG, HSG là hai cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh trong vài ngày qua, Vietcap vẫn giữ quan điểm thận trọng với 2 cổ phiếu này do xu hướng bảo hộ thương mại toàn cầu gia tăng đang ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu. Do đó, cạnh tranh tại thị trường trong nước (vốn đã dư cung) dự kiến sẽ gia tăng.

BMP, cổ phiếu được xem là chọn phòng thủ tốt trong bối cảnh căng thẳng thương mại, vì 100% doanh số của BMP đến từ thị trường trong nước và công ty có mức chia cổ tức cao. Trong khi đó, ACG được đánh giá sẽ có tác động tích cực, vì Mỹ là thị trường xuất khẩu chính và chiếm khoảng 20% tổng doanh thu của ACG.

Cảng & Logistics: Nổi bật với GMD - Gemalink có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao (khoảng 30% tổng sản lượng xuất khẩu của Gemalink đến từ thị trường Mỹ, chưa bao gồm nhập khẩu). Trong khi đó, cảng Nam Đình Vũ ở miền Bắc ít phụ thuộc vào thị trường Mỹ (dưới 10% tổng sản lượng). Theo Vietcap, kỳ vọng đơn hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ sẽ gia tăng trong 90 ngày tới khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tích trữ hàng tồn kho.

SCS: Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng xuất khẩu của SCS, do đó SCS ít bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mức thuế đối ứng 46%. Tuy nhiên, cổ phiếu chịu áp lực bán mạnh do tâm lý thị trường, cổ phiếu SCS hiện đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2025/2026 là 7,6/6,5 lần (theo ước tính sơ bộ của Vietcap bao gồm tác động từ mức thuế đối ứng, tại giá đóng cửa phiên 9/4 là 51.900 đồng/cổ phiếu), thấp hơn đáng kể so với P/E trung bình 5 năm là khoảng 11,0 lần.

Ngành năng lượng: Việc hoãn thuế quan giúp giảm bớt căng thẳng thương mại, góp phần ổn định giá dầu trong ngắn hạn. Ngay sau thông báo, giá dầu Brent đã phục hồi 4% trong đêm, đạt 65 USD/thùng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn duy trì quan điểm thận trọng, bởi đây chỉ là quyết định tạm hoãn áp thuế, không phải hủy bỏ. Xung đột thương mại Mỹ - Trung, với Trung Quốc chiếm 16% nhu cầu dầu toàn cầu, đang leo thang. Giá dầu Brent hiện vẫn giao dịch dưới mức 75 USD/thùng (mức giá trước khi thông báo áp thuế vào ngày 2/4/2025).

Các cổ phiếu đánh giá cao: PVS và DCM DPM & DCM: Lợi suất cổ tức cạnh tranh (khoảng 5–6%), sẽ hưởng lợi nhẹ nếu giá dầu giảm. Quan điểm tích cực đối với PVS và PVD được giữ nguyên khi 2 cổ phiếu này là các lựa chọn phòng thủ do sở hữu backlog lớn từ mỏ khí Lô B, các dự án điện gió ngoài khơi và các hợp đồng với giá thuê ngày cố định. GAS, PLX, PVT: Giá dầu thấp và rủi ro thương mại kéo dài có thể gây áp lực lên biên lợi nhuận và tâm lý thị trường, tuy nhiên GAS dự kiến vẫn chia cổ tức với lợi suất ở mức 5–6%.

BSR được nhận thấy rủi ro giảm đối với dự báo lợi nhuận cho công ty này. BSR sẽ tiến hành ĐHĐCĐ vào 23/4 tới đây theo hình thức trực tuyến. Nhiều nội dung liên quan đến kế hoạch kinh doanh của ông lớn ngành Dầu khí được cho sẽ thu hút cổ đông quan tâm đặc biệt trong xu hướng giá dầu vẫn đang khó dự báo.

Điện & Nước: Đây là nhóm cổ phiếu mang tính phòng thủ, bao gồm: Nước (BWE, TDM); Năng lượng tái tạo (REE, PC1, HDG, TV2); Nhiệt điện (QTP, PPC, NT2, POW). BWE, REE và QTP được đánh giá cao. Đáng chú QTP có với lợi suất cổ tức ở mức khoảng 10%. Nhóm cổ phiếu này có thể hưởng lợi từ giá dầu và giá than giảm (giá dầu Brent hiện ở mức 65 USD/thùng, vẫn thấp hơn mức 75 USD/thùng trước khi có thông báo áp thuế).

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dịch chuyển thương mại có thể làm tăng GDP và cơ hội ở 11 nhóm ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO