Doanh nghiệp

"Điểm sáng" nông lâm thuỷ sản tiếp đà tăng trưởng năm 2025

Thy Hằng 22/12/2024 01:31

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục 62 tỷ USD đã đánh dấu mốc phát triển mới khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Năm 2024 ghi dấu ấn là năm bứt phá của ngành nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Theo đó, trong bức tranh xuất khẩu chung, nông lâm thủy sản là điểm sáng khi thu về khoảng 62 tỷ USD, vượt mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra.

xuat-khau-nong-lam-thuy-san-khoi-sac-ve-gia-ban-va-thi-truong-20240306044645.jpg
Nông lâm thủy sản là điểm sáng khi thu về khoảng 62 tỷ USD, vượt mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra.

Khẳng định thương hiệu tại nhiều thị trường lớn

Theo ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất của toàn ngành nông lâm thuỷ sản năm 2024 tăng trưởng trên 3,2% so với năm trước. Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023. Con số này cao hơn nhiều so với với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 55-57 tỷ USD.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex đánh giá, năm 2024 là năm thành công lớn của nông sản Việt Nam. Với trên 62 tỷ USD, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đã vượt xa cả kỳ vọng Chính phủ, ngành nông nghiệp đã đặt ra từ 54-55 tỷ USD. Đóng góp vào thành công chung trên của ngành nông nghiệp đó là các mặt hàng như: gạo, cà phê, rau quả… với những dấu mốc kỷ lục mới.

Năm 2024, ngành nông lâm thuỷ sản có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD, gồm: gỗ và sản phẩm gỗ ước 16,1 tỷ USD, rau quả ước 7,1 tỷ USD, gạo ước 5,7 tỷ USD, cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD, tôm 3,8 tỷ USD, cao su ước 3,2 tỷ USD.

Đặc biệt, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều tăng trưởng hai con số. Cụ thể: cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.

Về thị trường, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ hai, tiếp đến EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện đã khẳng định được thương hiệu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới.

Đồng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, nhờ được chú trọng đúng mực, những năm gần đây, nhiều thị trường nhập khẩu lớn của nông sản như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc đã cho phép nhiều mặt hàng nông lâm thủy sản Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường của họ dưới sự công nhận chất lượng cũng như đáp ứng các yêu cầu về phẩm cấp hàng hóa, thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh,…

“Có thể khẳng định, hoạt động xuất khẩu đối với các mặt hàng nông sản, rau, hoa, quả đã có những bước tiến vững chắc trong thời gian vừa qua, nhất là trong năm 2024, từ đó, góp phần cho hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng một cách mạnh mẽ và đạt được kết quả ngoạn mục”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Tiếp đà tăng trưởng năm 2025

Ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn dự báo, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý 1/2025. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...

trai-chanh-leo-xuat-khau-sang-3308-5758-1657191033_860x0.jpg
Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán về biện pháp kiểm dịch thực vật với quả chanh dây tươi đã và đang kỳ vọng sẽ nối dài thành tích xuất khẩu nông sản sang thị trường Hoa Kỳ.

Đánh giá về thị trường, ông Phong cho rằng Hoa Kỳ là địa bàn có dân số đông và nhu cầu tiêu dùng cao nên các mặt hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là thuỷ sản, đồ gỗ, cà phê, tiêu và đặc biệt là những loại trái cây nhiệt đới. Nhu cầu tiêu thụ rau quả và thủy sản ở Trung Quốc cũng được dự đoán tăng mạnh, rau quả tăng 6,64%/năm và thủy sản tăng 7,56%/năm trong giai đoạn 2024-2029.

Với vị trí địa lý thuận lợi, các nông sản của Việt Nam như rau, trái cây, thủy sản... vận chuyển đến Trung Quốc vẫn giữ được chất lượng tự nhiên và độ tươi ngon với giá cả hợp lý. Trung Quốc cũng có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn cao su, sắn do nguồn cung trong nước hạn chế.

Đóng góp tin vui vào dự báo lạc quan này, theo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triên nông thôn, Việt Nam và Hoa Kỳ đang đàm phán về biện pháp kiểm dịch thực vật với quả chanh dây tươi. Dự kiến sau khi quá trình này hoàn thành, Việt Nam sẽ có thêm sản phẩm chanh dây xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ vào năm 2025.

Trước đó, vào tháng 8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay đã hoàn tất quá trình đàm phán kỹ thuật, chuyển sang thực hiện các thủ tục pháp lý cho phép nhập khẩu chanh dây Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu chanh dây sang Hoa Kỳ mỗi năm sẽ đạt từ 50 - 100 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam có 8 loại trái cây tươi được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, gồm: Thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, bưởi và dừa. Như vậy, tin vui này của trái chanh dây đã và đang kỳ vọng sẽ nối dài thành tích xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Nhận định dư địa tăng trưởng còn nhiều, song ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, cho rằng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản cũng còn không ít thách thức phía trước khi sản xuất đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong khi thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh bền vững.

Để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Qua đó giúp đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát. Trong đó, cần tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển nuôi trồng các đối tượng nuôi chủ lực, nuôi biển, thực hiện nghiêm các qui định kỹ thuật trong xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tránh tâm lý chủ quan, lơ là mà phải làm nghiêm túc hơn từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu. "Việc tìm kiếm, mở cửa được các thị trường đã khó, việc giữ thị trường sẽ càng khó hơn. Nếu chúng ta không cố gắng, để tuột mất cơ hội thì sẽ rất khó để mở lại. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải làm ăn bài bản, chuyên nghiệp hơn ngay từ khâu sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cơ sở đóng gói... theo đúng quy định của các nước nhập khẩu", ông Lê Văn Thiệt khuyến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Điểm sáng" nông lâm thuỷ sản tiếp đà tăng trưởng năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO