Điện Biên cần đột phá cải cách hành chính

KHẮC LÃNG thực hiện 03/06/2022 13:07

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, để cải thiện được thứ hạng PCI, Điện Biên cần có bước đột phá cải cách hành chính.

>>Mường Ảng (Điện Biên) coi chất lượng giáo dục là trọng tâm phát triển

Trao đổi với DĐDN về cuộc đua nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giữa các tỉnh, thành nhằm thu hút các “đại bàng” thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho rằng, để cải thiện được thứ hạng PCI, Điện Biên cần có bước đột phá cải cách hành chính. 

Theo ông Lê Thành Đô, khó khăn lớn nhất hiện nay mà Điện Biên đang đẩy mạnh tháo gỡ, đó là vấn đề khoảng cánh địa lý, hạ tầng. Bởi để cạnh tranh được phải có hạ tầng tốt, kết nối được các vùng kinh tế. Bên cạnh đó, trình độ và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực hiện các thủ tục hành chính đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp còn hạn chế.

- Điện Biên đang nỗ lực hóa giải thách thức cải cách hành chính (CCHC) và công tác quy hoạch để góp phần nâng hạng PCI. Ông có thể nói rõ hơn những giải pháp này?

Để gỡ những “nút thắt” trên, tỉnh đã có Nghị quyết chuyên đề nâng cao được năng lực, trách nhiệm của cán bộ liên quan phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh đẩy nhanh chuyển đổi số để ứng dụng các công nghệ trong việc thực hiện các thủ tục…, qua đó thu hẹp khoảng cách về mặt địa lý, không gian, thời gian. Cùng với đó, tỉnh làm tốt công tác quy hoạch từ quy hoạch tỉnh cho đến quy hoạch đô thị, các quy hoạch chuyên đề theo luật quy hoạch để từ đó làm tốt việc xúc tiến, mời gọi đầu tư…

br class=

Gặp mặt định kỳ giữa Tỉnh uỷ và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Điện Biên.

- Theo các chuyên gia kinh tế, Điện Biên đang là điểm sáng về thu hút đầu tư. Ông có thể chia sẻ bí quyết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hút “đại bàng” đến Điện Biên xây “tổ”?

Thời gian qua, đặc biệt từ năm 2021 đến nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, PCI. Theo đó, tỉnh chỉ đạo các ngành, các huyện tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, từ bước khảo sát, thu thập số liệu, lập ý tưởng đề xuất dự án đầu tư cho đến khi có chủ trương và thực hiện chủ trương đầu tư…

Một vấn đề quan trọng nữa là theo quy chế, một dự án kể từ khi đề xuất ý tưởng cho đến khi lập quy hoạch và thẩm định, phê duyệt quy hoạch mất 3 cuộc họp, xin ý kiến cấp uỷ phải mất 6 cuộc họp, nhưng với Điện Biên, tỉnh chủ trương tất cả các cuộc họp có thể lồng ghép thành phần được thì sẽ tổ chức một cuộc họp. Như vậy tỉnh sẽ giảm bớt được việc doanh nghiệp, nhà đầu tư phải lên báo cáo nhiều lần về dự án.

Bên cạnh đó, tỉnh cho phép nhà đầu tư lập nhiệm vụ quy hoạch, nghiên cứu quy hoạch theo ý tưởng đề xuất cùng theo nhiệm vụ, báo cáo một lần (báo cáo Ban thường vụ và báo cáo UBND) nhưng khi thẩm định phê duyệt thì vẫn phải thảm định theo trình tự các bước.

Mặt khác, tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt về công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, kể cả các dự án đầu tư công cũng như các dự án đầu tư của các thành phần... Song song với đó, các thủ tục về đất đai cũng được tạo điều kiện thuận lợi.

- Theo công bố của VCCI, năm 2021 PCI Điện Biên có 3/10 chỉ số tăng điểm quan trọng gồm tiếp cận đất đai, tính năng động của chính quyền tỉnh, thiết chế pháp lý. Tuy nhiên có 7/10 chỉ số giảm điểm so với năm 2020. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Qua phân tích, đánh giá 7/10 chỉ số PCI năm 2021 thấp điểm so với năm 2020, tỉnh nhận định có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về khách quan, Covid– 19 đã ảnh hưởng rất nhiều các lĩnh vực sản xuất và đời sống người dân. Thêm vào đó, trên 90% ngân sách địa phương phụ thuộc TW trong đó, vốn đầu tư công của tỉnh chủ yếu phụ thuộc ngân sách TW. Riêng năm 2021, ba chương trình mục tiêu quốc gia đều chưa được triển khai thực hiện nên cũng ảnh hưởng đến việc làm của doanh nghiệp.

Còn về chủ quan, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, nhất là các cơ quan liên quan đên việc chủ trì thực hiện 7/10 chỉ số thành phần PCI cũng chưa thực sự quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mặc dù tỉnh đã có Nghị quyết, kế hoạch hàng năm. Điều đáng nói, một số chủ doanh nghiệp còn có nhận thức lệch lạc cho rằng chính quyền tỉnh phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp địa phương.

- Nhiều ý kiến cho rằng, các chính quyền địa phương đã đến lúc phải nghĩ đến việc thu hút, mời gọi doanh nghiệp trong vai trò giải quyết các vấn đề lớn của phát triển, đặt họ vào đúng vị trí, chứ không thể chỉ là nguồn nộp ngân sách, tạo việc làm… Quan điểm của Ông về vấn đề này như thế nào?

Vấn đề khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương để tạo ra nguồn thu ngân sách là mục tiêu rất quan trọng nhưng nó không phải là tất cả. Đối với các địa phương, nhiều đồng bào dân tộc như ở Điện Biên thì vấn đề trước mắt là ưu tiên sinh kế cho người dân để xoá đói giảm nghèo, sau đó mới là vấn đề tạo ra nguồn thu.
Vì vậy, đối với các dự án trồng cây công nghiệp như mắc ca, các dự án trồng rừng của Điện Biên trong giai đoạn đầu, chỉ cần hợp tác liên kết người dân để tạo ra cho người dân sinh kế và thu nhập, sau đó đến giai đoạn nhất định mới yêu cầu các công nghiệp chế biến đi kèm để tạo ra được nguồn thu cho ngân sách… Thực tế, ở Điện Biên cứ thiên về những dự án tạo ra nguồn thu thì các nhà đầu tư sẽ không thực hiện được ngay vì chất lượng lao động hạn chế, vận chuyển xa… Nhà đầu tư nộp ngân sách ngay thì khó có nhà đầu tư đến Điện Biên.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Điện Biên: Hút “đại bàng” đến làm tổ

    Điện Biên: Hút “đại bàng” đến làm tổ

    11:51, 23/03/2022

  • Sức bật mới cho du lịch Điện Biên

    Sức bật mới cho du lịch Điện Biên

    15:19, 04/03/2022

  • Ngành tài chính Điện Biên hướng tới chính quyền phục vụ

    Ngành tài chính Điện Biên hướng tới chính quyền phục vụ

    15:48, 18/02/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điện Biên cần đột phá cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO