Hàng loạt băng nhóm tội phạm núp bóng công ty tài chính, hỗ trợ vốn nhưng bản chất là tín dụng đen cho vay nặng lãi đã bị bắt.
Hẳn vẫn còn nhiều băng nhóm khác liên quan đến tín dụng đen chưa được phát hiện, xử lý. Ngoài những kẻ vì bài bạc, đánh đề, cá độ, rất nhiều người nghèo và dân lao động là nạn nhân tín dụng đen.
Biết rõ vay tiền của các băng nhóm này là bất an rình rập, hiểm nguy khôn lường nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vì không còn cách nào khác để xoay xở trong lúc cấp bách. Cả gốc lẫn lãi bị đẩy lên cao, mất khả năng trả nợ, nạn nhân bị hành hung.
Một người bà con với tôi ở quê miền Trung, nhà thì chưa được cấp sổ hồng, không có tài sản phù hợp thế chấp vay ngân hàng, qua giới thiệu bạn bè đã vay “nóng” 10 triệu để duy trì đàn heo vượt qua giai đoạn đang giảm giá nhưng thời gian cứ kéo dài rồi đến lúc mất khả năng trả nợ, nhóm tín dụng đen cho vay nặng lãi đến nhà hăm dọa, phải bán cả đàn heo vẫn không đủ tiền để trả nợ.
Có thể bạn quan tâm
05:29, 21/08/2019
11:00, 20/08/2019
11:00, 19/08/2019
11:00, 15/08/2019
06:00, 14/08/2019
03:30, 13/08/2019
01:25, 09/08/2019
Ở các thành phố lớn, khu công nghiệp thu hút nhiều thành phần lao động, trong đó có công nhân thu nhập không đủ trang trải cuộc sống gia đình hàng tháng, chi phí ăn uống, đi lại, ở trọ cùng tiền điện nước, thậm chí phải chạy ăn từng bữa. Nhiều người nhập cư theo dòng chảy việc làm, xuất phát điểm thấp, không qua chuyên môn trường lớp, chưa được đào tạo bài bản tay nghề, việc làm không ổn định. Ở khía cạnh khác, họ trở thành người nghèo nơi đô thị, thiếu khả năng ứng phó với tình huống rủi ro trong cuộc mưu sinh nơi đất khách quê người, cam chịu khi gặp rắc rối.
Ở nông thôn ngày nay cũng phổ biến nạn cho vay nặng lãi trong từng ngỏ hẻm, xóm làng. Phần lớn nạn nhân rơi vào đối tượng nghèo, làm thuê, chăn nuôi, trồng trọt, buôn gánh bán bưng, không có tài sản đáng giá thế chấp để vay ngân hàng đủ số tiền đang cần, phải vay “nóng” nặng lãi để giải quyết công việc trước mắt.
Phần thì các đối tượng cho vay nặng lãi mời chào với những lời lẽ hấp dẫn để chiêu dụ như thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp, có thể kéo dài kỳ hạn. Một khi “con mồi” đã “dính” vào, trả không đúng hạn, món nợ tiếp tục quay vòng với hệ số nhân. Với công việc bấp bênh, thu nhập thấp thì việc mất khả năng trả nợ chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Điều lạ, cả nước có rất nhiều phong trào giúp người nghèo, hoàn cảnh khó khăn bằng các quỹ hỗ trợ lớn nhỏ nào là từ thiện, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ người nghèo, vì người nghèo, an sinh xã hội, hỗ trợ khởi nghiệp… cho đến quỹ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất.
Trong đó, nhiều quỹ hỗ trợ của tổ chức xã hội sau tổng kết hàng năm đã tồn quỹ số lượng lớn chi phí, thậm chí có những trường hợp cho vay sai đối tượng và sai mục đích. Phải chăng có những quỹ xã hội "ngại" cho người nghèo và thu nhập thấp vay vì sợ không có khả năng trả nợ, mất vốn nên đặt ra các thủ tục rườm rà, rắc rối mà người nghèo khó đáp ứng như phải có tài sản thế chấp?
Những ai phải vay nặng lãi thường là người có hoàn cảnh khó khăn, nên phải dùng đến cách này và đa số có một điểm chung đều nghèo gặp cảnh tai ương, cần tiền gấp nhưng ít có cơ hội tiếp cận được các chương trình cho vay từ các quỹ xã hội, ngân hàng hay từ phía Nhà nước. Đó chính là các cơ hội để các nhóm đối tượng tín dụng đen cho vay nặng lãi mời gọi, chiêu dụ.
Chính quyền cơ sở hẳn thừa biết thông tin lai lịch về những người cầm đầu, chủ nhân tín dụng đen để tiếp cận làm việc vận động, thuyết phục từ bỏ nghề cho vay nặng lãi. Vấn đề chính quyền cơ sở có xem đây là một công việc ưu tiên, kiên trì và tận tâm xử lý hay không.
Chủ trương hỗ trợ người nghèo, hoàn cảnh khó khăn đã có, hơn nữa nước ta đã có ngày vì người nghèo hàng năm là 17-10. Bên cạnh các chính sách lớn mang tầm vĩ mô, cần có chương trình hỗ trợ kịp thời các trường hợp cấp thiết với mạng lưới rộng khắp đến từng khu phố, cơ sở hộ cá thể.
Đặt biệt, rà soát các quỹ hỗ trợ giúp người nghèo sao cho hoạt động thực chất, đừng để hàng năm tổng kết công bố tồn quỹ quá lớn hay cho vay sai đối tượng, sai mục đích. Ngoài ra, không chỉ giúp người nghèo vay vốn mà còn giúp tập huấn dạy nghề đảm bảo việc làm, hoạt động theo hội hay nhóm để tương trợ với nhau trong kinh doanh sao cho hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, thu hồi và phát triển vốn quỹ để ngày càng mở rộng kết nạp nhiều thành viên, giúp nhiều người hơn.
Các quỹ hỗ trợ xã hội xem xét bỏ các rào cản như đòi hỏi tài sản thế chấp khi cho người nghèo vay vốn, Nhà nước có thể tác động các ngân hàng cho người nghèo và công nhân vay tín chấp bằng chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu để xoay xở lúc cấp thiết với số tiền khoảng 10 triệu đồng.
Tạo vốn cho người dân bằng các chính sách phù hợp, thiết thực. Mỗi căn nhà, mảnh đất vì lý do này lý do kia chưa được cấp chứng nhận, nếu tổng hợp lại có thể là con số khủng, giá trị tài sản ấy là rất lớn trong xã hội, sao không biến thành vốn cho người nghèo trên chính tài sản của họ?
Nên chăng xem xét có cơ chế thừa nhận các tài sản này như tạo vốn để người dân khởi nghiệp, làm ăn, buôn bán, vay thế chấp ngân hàng, không phải tiếp cận tín dụng đen hay vay nặng lãi.
Một khi số đông người dân không còn vay nặng lãi sẽ góp phần ngăn chặn tín dụng đen, tình trạng đòi nợ thuê theo kiểu giang hồ cũng không còn đất sống, xã hội từ đó cũng được an toàn và tử tế hơn.
Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. Ban Biên tập. |