Việc phát triển và đưa điện khí LNG vào sử dụng sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, song thực tế lĩnh vực này còn nhiều khó khăn để đưa mục tiêu này trở thành hiện thực.
>>Japex và lời giải cho bài toán cung cấp LNG phía Bắc
Thị trường LNG còn nhiều rào cản
LNG được đánh giá là nguồn năng lượng cơ bản sẽ chiếm vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển ngành năng lượng của Việt Nam, bởi nguồn cung này không chỉ bảo tính ổn định của hệ thống, mà còn đáp ứng các mục tiêu về môi trường. Tuy nhiên việc nhập khí cho các nhà máy điện sẽ gặp không ít thách thức và phụ thuộc phần lớn vào thị trường quốc tế.
Chia sẻ những trở ngại này tại Diễn đàn Hội thảo quốc tế về “Chính sách cho phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam” do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam và Trung tâm Thông tin Năng lượng tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, ông Vũ Văn Lợi - Trưởng Ban Đầu tư - Xây dựng, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cho biết: Hiện Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam có tổng công suất lắp đặt 4.205 MW, sản xuất 21 tỷ kWh/năm, chiếm 8% tổng sản lượng điện quốc gia, trong đó có 4 nhà máy điện khí. Tổng công ty đang xây dựng điện khí Nhơn Trạch 3 và 4. Tuy nhiên tổng công ty cũng đang gặp nhiều khó khăn như: Chưa có kinh nghiệm xây dựng, vận hành nhà máy điện LNG, chưa có kinh nghiệm mua LNG trên thị trường quốc tế.
Theo ông Lợi, giá LNG dài hạn khá ổn định. Dự án cũng đã thu xếp vốn được vốn, nhưng vốn cho các dự án không được Chính phủ bảo lãnh trong dài hạn. Do đó, Tổng công ty kiến nghị Chính phủ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII để các nhà đầu tư có cơ sở triển khai. Mặt khác, cần sớm có quy định pháp luật liên quan, hướng dẫn cụ thể trong việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện LNG, cũng như các cơ chế cho khung giá điện LNG.
Bên cạnh đó, đại diện Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cũng cho biết những khó khăn trong việc triển khai cung cấp khí/LNG cho các dự án điện khí. Cụ thể nguồn khí đang được cung cấp trực tiếp từ mỏ qua đường ống dẫn khí, nhưng nhà máy điện lại vận hành theo thị trường điện hàng ngày với nhu cầu biến động. Như, khí cho công nghiệp đang không được ưu tiên, chỉ khi thừa của phát điện mới được bán cho công nghiệp nên khó cho doanh nghiệp khi chủ động kinh doanh.
Để cho LNG được đưa vào sử dụng và phát triển rộng rãi ở Việt Nam đại diện PV GAS đề xuất, Chính phủ cần cho phép các nhà máy điện LNG chuyển ngang chi phí giá khí sang giá điện, cơ chế đảm bảo bao tiêu sản lượng điện hàng năm (Qc). Đồng thời, xem xét giảm thuế nhập khẩu LNG và thiết bị, thuế thu nhập cho nhà máy điện khí.
Về cơ chế đảm bảo bao tiêu sản lượng điện hàng năm (Qc), một số chủ đầu tư kiến nghị, Chính phủ nên xem xét chuyển ngang bao tiêu khí sang bao tiêu điện với Qc = 80 - 90% sản lượng điện (khoảng 1,3 tỷ m3 LNG tái hóa/năm) trong thời hạn 15 năm làm cơ sở để bên bán khí thu xếp hợp đồng mua LNG dài hạn giúp doanh nghiệp có thể chủ động trong thương mại.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T cho biết: Tập đoàn hiện đang vận hành nhiều nhà máy điện gió và mặt trời, theo đuổi dự án điện khí LNG Hải Lăng, Quảng Trị và điện khí LNG Quảng Ninh 2, Vũng Áng 3. Tuy nhiên, do Chính phủ tạm dừng bảo lãnh vay vốn cho dự án điện nên thu xếp tài chính đang gặp khó khăn. Trong khi đó giá LNG trên thị trường đang tăng nhanh. Do vậy muốn bán điện ở mức 8 - 9 cent/kWh thì giá LNG phải ở mức 12 USD/MMBTU và sản lượng điện bao tiêu Qc phải từ 80 - 90%.
Chia sẻ về vấn đề tài chính, ông Hoàng Xuân Quốc - Giám đốc Năng lượng - Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết: Quỹ đang cùng GS Energy của Hàn Quốc có kế hoạch triển khai dự án Nhà máy điện LNG Long An theo hình thức IPP. Quỹ đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi quy hoạch dự án Nhiệt điện than Long An thành Nhiệt điện khí LNG với tổng công suất 3.000 MW. Dự án đã lựa chọn địa điểm và phương án cấp khí từ kho cảng LNG Thị Vải. “Để đầu tư được thuận lợi, tôi mong Chính phủ cần có cơ chế cho các bên mua bán điện và bao tiêu một phần sản lượng điện” - đại diện VinaCapital kiến nghị.
>>PV GAS và Tập đoàn AES công bố các quyết định nhân sự Công ty TNHH Kho cảng LNG Sơn Mỹ
Cần chính sách, cơ chế đặc thù
Góp ý về cơ chế phát triển thị trường điện khí, ông Đặng Hải Anh - Trưởng phòng Dầu khí, Vụ Dầu khí và Than - Bộ Công Thương cho biết: Một số cơ chế, chính sách dành cho điện khí chưa được hoàn thiện, công nghệ còn phức tạp, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, đặc thù lĩnh vực này phải phát triển theo chuỗi dự án nên vốn lại càng lớn hơn. Về thực trạng sản lượng khí tại các mỏ ở Việt Nam đang suy giảm trong khi nhu cầu sử dụng khí đốt tăng cao. Thị trường khí quốc tế biến động lớn cùng lúc với xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Do vậy Việt Nam cần có các giải pháp và cơ chế đặc thù phù hợp hơn để thu hút đầu tư và phát triển thị trường này, đặc biệt là đẩy nhanh thực hiện thị trường điện cạnh tranh, mua bán điện trực tiếp, tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng cũng như bố trí quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng.
Góp ý về chính sách cho điện khí, ông Watanabe Yasuaki - Phó Tổng giám đốc Marubeni ASIAN Power Việt Nam: Hiện Marubeni đang tham gia dự án điện khí Ô Môn 2 ở Cần Thơ và dự án điện LNG ở Quảng Ninh. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần có các nhà máy điện IPP dùng vốn đầu tư nước ngoài, từ các ngân hàng quốc tế. Do đó, doanh nghiệp cần khung pháp lý cụ thể và các quy định vững chắc, để hợp đồng PPA có thể thuyết phục được các ngân hàng giúp nhà đầu tư có thể vay vốn tín dụng nhanh chóng.
Có thể bạn quan tâm
MB và Techcombank đồng hành thu xếp vốn cho 2 dự án điện khí LNG
20:00, 05/10/2021
“Cơn khát” LNG của các công ty năng lượng Trung Quốc
05:00, 28/09/2021
Lãnh đạo PV GAS đến thăm và làm việc tại công trình Dự án Kho chứa LNG 1MMTPA Thị Vải
17:30, 07/06/2022
Hà Tĩnh: “Ông lớn” nào “nhòm ngó” dự án điện khí LNG Vũng Áng 3
06:48, 14/07/2021
Thủ tướng Chính phủ thăm Cảng Quốc tế, khảo sát nhà máy điện LNG Long An
11:29, 21/03/2021