Tại Diễn đàn “Điện mặt trời mái nhà cho doanh nghiệp: Giải pháp chuyển dịch và tiết kiệm năng lượng”, hầu hết các chuyên gia và doanh nghiệp đều có chung nhận định, điện mặt trời mái nhà góp phần chủ động nguồn điện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành cho biết, Quy hoạch tổng thể về ngành năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Chính phủ ban hành ngày 26/7/2023 (Quy hoạch Điện VIII) đã đưa ra những giải pháp và bước tiến có tính đột phá trong việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân, lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, loại hình này không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn công suất.
Đây là nguồn năng lượng điện mặt trời phân tán tại chỗ, có nhiều lợi thế lớn hơn các nguồn năng lượng tái tạo khác, do không mất tổn thất khi truyền tải và phân phối đi xa, mà còn phục vụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ. Đặc biệt, đây sẽ nguồn điện sạch bổ sung giúp giảm áp lực cho hệ thống truyền tải và đảm bảo phần nào nguồn điện chủ động cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, để đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng, mới đây Bộ Công Thương cũng đưa ra các cập nhật mới nhất để đề xuất, hoàn thiện cho Dự thảo Nghị định, quy định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu để trình Chính phủ.
“Chính sách ưu tiên cho phát triển, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà này đang là niềm mong mỏi của các lĩnh vực, ngành nghề và khối doanh nghiệp. Bởi sử dụng năng lượng sạch không chỉ giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm phát thải carbon, mà còn giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định trong những thời điểm phụ tải tăng cao trong mùa nắng nóng”, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá.
Theo ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch Thường trực Liên Chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam, điện mặt trời mái nhà cho các doanh nghiệp là rất cần thiết đối với cả chủ đầu tư các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), cũng như các nhà đầu tư thứ cấp khác. Năm 2020 các doanh nghiệp rất hào hứng, quan tâm tới lĩnh vực này và chỉ sau 1 năm, các doanh nghiệp đã thực hiện được gần 100MGw. Do đó, dư dịa cho điện mặt trời mái nhà trong các KCX, KCN là rất lớn. Riêng tại TP.HCM đã có gần 2.000 nhà đầu tư, nếu làm hết cũng phải gần 2.000 MGw.
“Hiện nay, chúng ta có 428 khu công nghiệp và hơn 1.000 cụm công nghiệp, trong đó, có gần 80.000 nhà đầu tư thứ cấp trong các KCN, KCX và khu công nghệ cao. Đây là con số rất trọng tâm, trọng điểm để thực hiện cho việc phát triển điện mặt trời mái nhà”, ông Long nói.
Cũng theo ông Long, trong các KCN, KCX có một số lượng lớn nhà đầu tư thứ cấp, nhà xuất khẩu, nếu không thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thì sẽ là một vấn đề rất lớn và nếu các doanh nghiệp không có chứng chỉ xanh thì rất khó xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp hiện nay đang rất quan tâm tới chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện, đặc biệt là về pháp lý. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp đều mong muốn rằng, tính pháp lý cho điện mặt trời mái nhà phải hết sức rõ ràng, cụ thể và phải được thực hiện một cách đồng bộ.
Cùng chung quan điểm này, Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cũng cho rằng, mặc dù chủ trương của Đảng, Chính phủ đã rõ, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn khi đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà do chưa có quy định cụ thể. Các thủ tục, văn bản hướng dẫn từ các bộ, ngành chưa được rõ ràng, nhất quán.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Khải Hoàng, đại diện Công ty Solarvest Việt Nam đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường rất tiềm năng cho việc phát triển điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, khi Solarvest đầu tư vào Việt Nam thì “cú sốc” đầu tiên là có quá nhiều thủ tục hành chính và cũng rất khó để có thể biết là thủ tục nào cần và thủ tục nào không nên cần. “Đối với các doanh nghiệp hiện nay, ngoài điện mặt trời mái nhà thì rất khó có thể làm được loại hình năng lượng khác có thể đáp ứng được về nhu cầu xanh hóa để xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài”, ông Đặng Khải Hoàng chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thắng - Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam cho biết, hiện nay, doanh nghiệp đang gặp trở ngại trong việc đấu nối lên lưới điện của KCN. Theo ông Thắng, doanh nghiệp đang đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản, tự tiêu và do doanh nghiệp tự bỏ vốn ra đầu tư, với công suất khoảng 2,7 MGw. Tuy nhiên, chủ đầu tư KCN Amata không cho doanh nghiệp đấu nối lên lưới điện của KCN, bởi lưới điện trong KCN này là chủ đầu tư tự đầu tư.
“Mặc dù những chính sách, hay các nghị định, thông tư nghe có vẻ rất hợp lý, nhưng khi đi vào thực tế thì còn nhiều bất cập, vướng mắc ở góc độ địa phương, hoặc ở cấp độ quản lý của các KCN. Do đó, hy vọng rằng, khi Nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được ban hành sẽ nêu rõ cách xử lý đối với những tình huống này”, ông Thắng kỳ vọng.