Việc chính quyền Mỹ nghi ngờ chính phủ Ấn Độ dính líu tới vụ ám sát hụt công dân người Mỹ gốc Ấn có khả năng khiến quan hệ Mỹ - Ấn Độ bị ảnh hưởng.
Sau một kỳ G-20 thành công, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang muốn tái khẳng định vị thế của đất nước với việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD) vào tháng 1/2024.
>>Ấn Độ tham vọng thu hẹp khoảng cách quốc phòng với Trung Quốc
Tại đây, lãnh đạo Ấn Độ kỳ vọng sẽ đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden với tư cách khách mời chính trong lễ kỷ niệm Ngày Cộng hòa của Ấn Độ trước thềm cuộc gặp. Australia và Nhật Bản đã đồng ý về ngày 27/01 theo đề xuất, nhưng các thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng ông Joe Biden đã từ chối lời mời.
Lý do công khai được đưa ra là thời điểm đó trùng với thời gian nhà lãnh đạo Mỹ công bố Thông điệp Liên bang hàng năm. Nhưng theo các nhà quan sát, có một vấn đề tiềm ẩn đằng sau: mâu thuẫn âm ỉ xung quanh vụ ám sát một nhà hoạt động người Mỹ gốc Ấn mà Washington nghi ngờ chính phủ Ấn Độ có dính líu.
Ngày 22/11 vừa qua, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ thông báo “sẽ làm việc với chính phủ Ấn Độ, bao gồm cả cấp cao” xung quanh vụ ám sát hụt Gurpatwant Singh Pannun, một công dân gốc Ấn mang hai quốc tịch Mỹ - Canada.
Theo bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, nỗ lực này là một phần của kế hoạch lớn hơn bị nghi có bàn tay của các đặc vụ Ấn Độ. Một lãnh đạo khác của phong trào ly khai này, công dân Canada Hardeep Singh Nijjar, đã bị giết ở Vancouver vào tháng 6, là nguồn cơn cho tranh cãi ngoại giao lớn giữa Ấn Độ và Canada.
Theo các chuyên gia, New Delhi có lẽ không nghĩ rằng chính quyền Biden sẽ công khai cáo buộc – điều có thể làm tổn hại mối quan hệ với Washington.
Theo ông Sushant Singh, giảng viên tại ĐH Yale, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở Ấn Độ, chính phủ của ông Modi đã “ỷ lại” rằng họ nhiều khả năng sẽ tránh được sự chỉ trích công khai từ Hoa Kỳ tới những chính sách mạnh tay nhắm vào các nhóm tôn giáo thiểu số hay thu hẹp về dân chủ.
Nhưng với động thái mới này của Mỹ, Ấn Độ có lý do phải dè chừng. "Phía Ấn Độ ngạc nhiên và quan ngại. Họ nhấn mạnh sự việc không phải chính sách của mình. Chúng tôi hiểu rằng chính phủ Ấn Độ đang điều tra thêm và sẽ lên tiếng trong những ngày tới. Mỹ tin rằng những người liên quan âm mưu phải chịu trách nhiệm", Adrienne Watson, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, cho biết vào ngày 22/11.
>>Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc thành động lực mới cho kinh tế toàn cầu?
Các nhà quan sát cho rằng, Hoa Kỳ đã chọn cách “quay lưng” khi Ấn Độ ngày càng trở nên phức tạp. New Delhi đã trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga và bị phương Tây đánh giá là đã vi phạm trần giá dầu do họ áp đặt lên dầu Nga.
"Thái độ khinh thường với Canada – một đồng minh của Mỹ trong liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn) – cũng là một vấn đề mà Washington phải lo lắng", ông Singh nhận xét. Vào thời điểm Canada công khai vấn đề, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar và các quan chức khác đã bác bỏ, gọi tuyên bố này là “vô lý và có động cơ”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 30/11 cũng nói: “Canada đã liên tục tạo không gian cho những kẻ cực đoan và bạo lực chống Ấn Độ”.
Việc sử dụng cách tiếp cận liều lĩnh nhắm vào các phần tử chống đối ngay tại Mỹ được xem là một tín hiệu nguy hiểm của Ấn Độ, nhất là khi Washington gần đây đã cảnh báo việc Trung Quốc đã có các mạng lưới đặc vụ như vậy ngay trong lòng nước Mỹ.
Tuy nhiên, vụ việc này nhiều khả năng sẽ không gây ra một vấn đề trong quan hệ Mỹ - Ấn, theo các chuyên gia. New Delhi vẫn sẽ là đối tác chiến lược được Washington lựa chọn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Không chỉ lợi ích địa chính trị sâu sắc, bản thân Mỹ cũng đã học được bài học tương tự từ Saudi Arabia 5 năm về trước.
Khi đó, Mỹ cáo buộc nhà báo Khashoggi bị chính quyền Saudi Arabia sát hại và cam kết sẽ biến quốc gia này thành “kẻ bị ruồng bỏ”. Nhưng sau nửa thập kỷ, cường quốc Trung Đông giờ vẫn chứng tỏ vị thế thông qua việc hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc - điều mà Mỹ chắc chắn không thể hài lòng.
Tuy nhiên, theo đánh giá nếu sự hội tụ lợi ích giữa Ấn Độ và Mỹ trở nên thu hẹp hơn những gì hai nước tưởng tượng trong tương lai, thì những bất đồng âm ỉ đó có thể tạo ảnh hưởng.
Có thể bạn quan tâm
Ấn Độ nỗ lực cân bằng phát triển kinh tế và chuyển đổi năng lượng
03:30, 08/12/2023
Dấu ấn của Tổng thống Biden ở Ấn Độ - Thái Bình Dương trong 2023
04:00, 07/12/2023
Ấn Độ sẽ thay thế Trung Quốc thành động lực mới cho kinh tế toàn cầu?
03:30, 10/11/2023
Vì sao Ấn Độ lại ủng hộ Israel?
04:00, 13/10/2023
Ngược dòng thế giới, ngành hàng không Ấn Độ “cất cánh”
04:00, 11/11/2023