Điều kiện kinh doanh vận tải: “Cởi” nhưng vẫn “trói”

Huyền Trang 29/03/2018 17:52

Bộ Giao thông-Vận tải sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 352/570 điều kiện kinh doanh (ĐKKD), đạt tỷ lệ 61,75%. Đây là số liệu được Bộ này đưa ra trong đợt rà soát đang diễn ra.

Dù số lượng ĐKKD dự kiến cắt giảm lên đến 61,75%, song khi nhìn nhận quá trình cắt giảm ĐKKD của Bộ GTVT, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, quá trình cắt giảm này vẫn chưa đi vào thực chất, sợi dây “trói chân” doanh nghiệp vẫn chưa được tháo bỏ.

p/Lĩnh vực đăng kiểm sẽ sửa và bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh (Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội - ẢNH: Quốc Tuấn)

Lĩnh vực đăng kiểm sẽ sửa và bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh (Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Hà Nội - ẢNH: Quốc Tuấn)

Gánh nặng cho doanh nghiệp chưa giảm nhiều

Là người luôn theo dõi quá trình cắt giảm ĐKKD tại các bộ, ngành, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, quá trình cắt giảm ĐKKD của Bộ GTVT vẫn chưa thực sự quyết liệt. “Bộ GTVT đang chuyển các ĐKKD thành quy định về quản lý hoạt động vận tải hoặc quy định về trách nhiệm thì đó chỉ là việc chuyển từ trạng thái nọ sang trạng thái kia, chứ không phải là cắt bỏ. Nếu vậy thì gánh nặng cho doanh nghiệp chưa được giảm”, ông Hiếu nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Điều kiện kinh doanh xây dựng như... "mê cung"

    14:30, 29/03/2018

  • Nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục chưa rõ ràng

    12:06, 29/03/2018

  • Điều kiện kinh doanh vận tải: “Cởi” nhưng vẫn “trói”

    09:52, 28/03/2018

  • Ngành giao thông vẫn "rà phanh" khi rà soát điều kiện kinh doanh

    17:23, 26/03/2018

 Thẳng thắn hơn, ông Hiếu cho rằng, đợt rà soát ĐKKD lần này của Bộ GTVT vẫn chỉ mang tính kỹ thuật, nặng về cơ học. “Điều đó cũng tốt thôi nhưng tôi cho rằng việc cắt giảm lần này phải giống như một cuộc cải cách về thể chế, về quy định pháp luật. Nó phải thực sự là gỡ ỏ các quy định đang cản trở việc kinh doanh chứ không đơn thuần chỉ là sàng lọc”, ông Hiếu nói.

Ở lần cắt giảm ĐKKD này, Bộ GTVT đặt mục tiêu cắt giảm hơn 60% trong số 570 ĐKKD nhưng ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô lại nói rằng, Bộ GTVT chỉ cần cắt giảm thực chất 50% ĐKKD là tốt lắm rồi.

Ông Thanh chia sẻ, có những doanh nghiệp bỏ ra 130 tỉ đồng mua ô tô nhưng không được sử dụng ngay mà phải để “đắp chiếu” rồi nằm chờ các thủ tục chấp thuận cho vào bến, bãi. Rồi có những quy định đối với xe hợp đồng phải tích hợp số liệu, gửi về cho các sở GTVT địa phương. Đây là những điều kiện gây khó khăn cho xe hợp đồng nhằm hạn chế việc cạnh tranh bình đẳng của loại hình tuyến cố định. Hậu quả là các doanh nghiệp không thực hiện được hoặc thực hiện hết sức đối phó. Còn các cơ quan nhà nước địa phương tiếp nhận những phản ánh bất cập cũng để đó và không giải quyết được gì.

“Cởi mở” với cái mới

Trong lần rà soát điều kiện kinh doanh Bộ GTVT đưa ra một vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm chính là “ứng xử” của nhà nước với các loại hình mới xuất hiện. Cho đến nay cuộc tranh cãi về định nghĩa Uber, Grab là loại hình gì vẫn chưa đến hồi kết?

Thực tế, nhiều đại diện đến từ các hiệp hội taxi “phàn nàn” rằng, taxi truyền thống đang bị “trói” bởi quá nhiều ĐKKD, trong khi đó Uber, Grab tăng giá không theo quy định. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chúng ta không thể lấy cái quy định của taxi truyền thống để áp đặt. Bởi cơ chế điều hành giá của Uber, Grab là định giá động theo cung, cầu. Chúng ta nên có cái nhìn cởi mở, tiếp nhận các tiến bộ của khoa học công nghệ trong kinh doanh, mà cụ thể ở đây là Uber, Grab.

Để chấm dứt những tranh cãi này, ông Hiếu đề xuất một quan điểm rõ ràng trong việc tiếp cận hoạt động vận tải. “Chúng ta vẫn đang tư duy kinh doanh theo hình thức truyền thống, một doanh nghiệp kinh doanh thì sẽ làm hết mọi việc. Nhưng bây giờ các nhà đầu tư không kinh doanh từ đầu đến cuối nữa. Người ta chỉ chọn kinh doanh một trong số các công đoạn đó. Như Uber, họ chỉ kinh doanh dịch vụ kết nối thôi. Do vậy, hướng tiếp cận của dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị đinh 86/2014 về ĐKKD vận tải bằng ô tô buộc phải chấp nhận một cuộc chơi mới”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Ông Hiếu nhấn mạnh, chúng ta cần cởi mở với xu hướng mới. Hiện tại, nhiều nước còn có quan điểm khác nhau về vấn đề Uber, Grab. Nhưng Việt Nam thì cần có quan điểm riêng, thậm chí đi tiên phong trong lĩnh vực này.

Bà Trịnh Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT: Sẽ bãi bỏ những điều kiện về gia nhập thị trường

Luật GTVT đường bộ ra đời năm 2008, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ chưa phát triển nên sẽ tiếp thu các ý kiến để có điều chỉnh khi xây dựng nghị định thay thế hoặc kiến nghị sửa luật. Tuy nhiên, với các ĐKKD thì nhiều nội dung vẫn còn gây tranh cãi và có nhiều cách hiểu khác nhau là điều kiện hay quy chuẩn, tiêu chuẩn. Sau quá trình rà soát thì Bộ sẽ bãi bỏ các điều kiện về gia nhập thị trường còn các điều kiện phát sinh trong quá trình hoạt động thì sẽ được đơn giản tối đa.

Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội: Với 70% thị phần Uber; Grab đang ở thế độc quyền

2 năm qua thực hiện chương trình thí điểm của Bộ GT&VT về hợp đồng điện tử của taxi công nghệ, Uber, Grab đã khuynh đảo, thao túng thị trường taxi Việt Nam, đã và đang đẩy rất nhiều hãng taxi truyền thống đi đến giải thể, phá sản. Theo Luật Cạnh tranh, một doanh nghiệp khi chiếm lĩnh trên 30% thị trường sẽ bị coi là kinh doanh độc quyền. Hiện tại Uber và Grab đã chiếm lĩnh trên 70% thị trường taxi tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam, và họ đã có nhiều động thái mang dấu hiệu kinh doanh độc quyền?

Huyền Trang-Cẩm Anh ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều kiện kinh doanh vận tải: “Cởi” nhưng vẫn “trói”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO