Thị trường gần như đóng băng nhưng nhiều doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng vẫn bày tỏ sự lạc quan và cho biết sẵn sàng các kế hoạch để "tăng tốc" khi dịch bệnh được kiểm soát.
Ông Võ Mạnh Tín, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BCG Land cho biết, đại dịch đã tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng, tuy nhiên với kinh nghiệm chống dịch năm 2020, BCG Land đã kiểm soát được các hoạt động kinh doanh cũng như tiến độ xây dựng các công trình.
"Trong thời gian dịch bệnh bùng phát, toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty đã được tiêm vaccine, đồng thời đảm bảo được tiến độ thi công tại các dự án". Dù vậy, trước tác động tiêu cực của đại dịch, ông Tín mong muốn Chính phủ sớm áp dụng các giải pháp như “hộ chiếu vaccine” cho những du khách đã tiêm đủ các mũi theo quy định của cơ quan ban ngành có thẩm quyền.
Đặc biệt là quy hoạch “bản đồ du lịch vùng xanh” cho các doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng đủ tiêu chuẩn an toàn về phòng chống dịch cũng như đảm bảo đầy đủ các yếu tố theo tiêu chuẩn của cơ quan ban ngành.
Tổng giám đốc BCG Land kỳ vọng đến quý II/2022, Việt Nam sẽ đạt miễn dịch cộng đồng, ngành du lịch sẽ hồi phục trở lại đúng thời gian các dự án công ty đưa vào vận hành và khai thác.
Cũng trên tinh thần lạc quan, đại diện Tập đoàn Flamingo cho biết doanh nghiệp xác định chung sống lâu dài với dịch và các khủng hoảng liên quan tới COVID-19. Trong thời điểm dịch, doanh nghiệp tập trung truyền thông mạnh và phát triển xu hướng du lịch “hai trong một” là nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe.
Đặc biệt, Flamingo nhấn mạnh đến thời điểm hiện tại có thể tự tin áp dụng mô hình “hộ chiếu vaccine” sau khi Phú Quốc được triển khai thành công.
“Chúng tôi thực hiện kế hoạch test nhanh COVID -19 cho cán bộ nhân viên định kỳ nhằm nhanh chóng phát hiện vấn đề để xử lý kịp thời. Ngoài ra, chúng tôi cũng cố gắng để cán bộ nhân viên được tiếp cận và tiêm vaccine sớm theo quy định của Chính phủ, đảm bảo an toàn cho hệ thống và khách hàng”, lãnh đạo Flamingo chia sẻ.
Theo Báo cáo của Tổng Cục thống kê, năm 2020, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,8 triệu lượt người (chủ yếu là khách quốc tế đến Việt Nam vào quý 1/2020 – thời điểm dịch bệnh chưa phức tạp). Con số này giảm 78,7% so với năm trước.
Nửa đầu năm 2021, do dịch COVID-19 vẫn phức tạp, Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế nên khách nước ngoài đạt 88,2 nghìn lượt, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đồng nghĩa, doanh thu du lịch lữ hành, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng bị sụt giảm rất mạnh. Điều này khiến bất động sản nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng nặng nề.
Thống kê sơ bộ của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy 6 tháng đầu năm chỉ trừ rất ít dự án có tỉ lệ hấp thụ 30-40%, còn lại đa phần các dự án nghỉ dưỡng có giao dịch rất thấp. Đây là tỉ lệ giao dịch thấp nhất trong những năm qua.
Còn thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, công suất thuê phòng khách sạn toàn thị trường có xu hướng tăng ở giai đoạn đầu Quý II/2021 khi nhu cầu tham quan, du lịch trong dịp nghỉ lễ tăng lên. Tuy nhiên sang nửa cuối Quý II/2021, dịch bệnh bùng phát trở lại, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lại tiếp tục gặp khó khăn khi nhu cầu thuê và công suất thuê phòng sụt giảm mạnh.
Một số khách sạn đăng ký làm địa điểm cách ly có trả phí được coi là một trong những giải pháp tình thế để tăng tỷ lệ lấp đầy phòng và cải thiện doanh thu nhưng có rất ít hiệu quả trong thực tế.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định trong chiến lược phát triển kinh tế, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn nên bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội lớn để phát triển. Cơ hội và tiềm năng này được nhìn ở chặng đường dài nên bất động sản nghỉ dưỡng là cuộc chơi dài hơi. Khi dịch bệnh được kiểm soát, thị trường sẽ tăng tốc mạnh.
Đánh giá thị trường trong dài hạn, theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), bất động sản nghỉ dưỡng luôn có 2 lực đẩy cho sự phục hồi. Thứ nhất là cung cầu thị trường đang hợp lý hơn, có tính quy hoạch cao hơn nhờ sự điều tiết, quy hoạch của các bộ ngành. Thứ hai, du lịch đang dần khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn với mức đóng góp có thể lên tới 12 – 14% GDP vào năm 2025.
Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, lộ trình phục hồi của du lịch Việt Nam sẽ theo 4 bước: Bước 1, du lịch nội địa phục hồi; Bước 2, thí điểm tiếp nhận một lượng hạn chế khách quốc tế tại vài địa điểm du lịch nhất định; Bước 3, tiếp nhận hành khách từ các nước kiểm soát Covid-19 tốt; Bước 4, lượng khách quốc tế phục hồi hoàn toàn.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi vẫn đánh giá ngành du lịch Việt Nam sẽ hồi phục nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn, khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ. Lúc này chỉ còn trông đợi vào những nỗ lực của Chính phủ trong việc khoanh vùng và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh để kích hoạt lại ngành kinh doanh du lịch nghỉ dưỡng trong mùa cao điểm tới”.
Có thể bạn quan tâm
Bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng, Quảng Nam tiếp tục "ngủ đông"
13:07, 01/09/2021
"Cửa thoát hiểm" cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng
05:30, 28/08/2021
Bất động sản nghỉ dưỡng im ắng chờ thời
16:01, 05/08/2021
Dòng tiền đổ mạnh vào bất động sản nghỉ dưỡng ven đô
14:14, 28/07/2021
Bất động sản nghỉ dưỡng vượt qua lối mòn
11:00, 06/07/2021