Thị trường bất động sản rơi vào thời điểm “tiền khủng hoảng”, giá nhà được chiết khấu sâu là cơ hội cho người mua nhà ở thực và là giải pháp để doanh nghiệp tự "giải cứu".
>>Đề xuất "Tổ công tác đặc biệt" gỡ khó cho thị trường bất động sản
Trong báo cáo mới đây của DKRA, chuyên gia của đơn vị này cho biết, thời gian qua, thị trường thứ cấp bị ảnh hưởng mạnh về sức cầu. Ở một số dự án, sức mua giảm rõ nét, thậm chí ở một vài phân khúc có hiện tượng giảm giá trên thị trường thứ cấp. Đây cũng là thị trường khó cạnh tranh lại với thị trường sơ cấp vì chủ đầu tư liên tục linh hoạt các chính sách bán hàng.
Giá bất động sản sơ cấp vẫn giữ không giảm nhưng bù vào đó người mua được hưởng nhiều chính sách từ phía chủ đầu tư khi thị trường khó khăn thanh khoản.
Cụ thể, tại TP.HCM và vùng phụ cận, đất nền và nhà phố/biệt thự đang trong cơn "cắt lỗ" do nhà đầu tư khó khăn về dòng tiền và áp lực lãi suất tăng cao.
Riêng phân khúc căn hộ, mặc dù giá bán sơ cấp ghi nhận tăng 4 - 10% so với đầu năm, tuy nhiên nhiều chính sách ưu đãi thanh toán nhanh được các chủ đầu tư áp dụng với mức chiết khấu lên đến 40 - 50% giá trị bất động sản nhằm kích cầu thị trường.
Trong khi đó, ở thị trường phía Bắc, báo cáo của JLL Viet Nam cho thấy thị trường căn hộ tại Hà Nội ghi nhận nguồn cung mới trong quý vừa qua giảm 19,3%, với 3.505 căn hộ được ghi nhận mở bán chính thức. Ở phân khúc cao cấp, các chủ đầu tư tung ra nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn để duy trì doanh thu theo quý trong giai đoạn thử thách này. Chính vì vậy, giá bán sơ cấp của phân khúc cao cấp giảm 2,9% so với quý trước.
Nhận xét chung về hiện tượng này, TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, các chương trình ưu đãi là giải pháp để doanh nghiệp tự "giải cứu" mình khi việc tiếp cận các kênh dẫn vốn đang trở nên vô cùng khó khăn. Các chính sách chiết khấu sâu cũng đang góp phần kéo bất động sản trở về giá trị thực, thay vì mức giá quá cao trong những năm qua.
Trong khi đó, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc EZ Property cho rằng, thực tế là giá bán giai đoạn trước đã bị đẩy lên cao, khách hàng được mua với nhiều ưu đãi như vay 0% lãi suất 18-24 tháng, tặng gói nội thất, voucher mua hàng…
Theo ông Toản, khi giảm giá xuống chủ đầu tư sẽ cắt các gói này, yêu cầu thanh toán một lần tới 95%. Vì vậy, bản chất là có giảm nhưng nếu tính theo các gói ưu đãi, chiết khấu dòng tiền thanh toán sớm thì thực chất giảm cũng không quá sốc như mọi người thấy.
>>Đề xuất "Tổ công tác đặc biệt" gỡ khó cho thị trường bất động sản
Ở góc nhìn tích cực, theo các chuyên gia trong ngành, có hội để mua nhà khi thị trường bất động sản chững lại sẽ rộng cửa hơn lúc thị trường ở trạng thái bình thường.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định, trước bối cảnh lãi suất tăng nhưng bù lại người mua nhà ở thực lại được chủ đầu tư hỗ trợ “mạnh tay” về chính sách thanh toán. Theo đó, lúc thị trường khó khăn chính là cơ hội cho nhu cầu mua nhà để ở, để đầu tư.
Vị chuyên gia đưa ra lời khuyên nếu có tiền nhàn rỗi thời điểm này nên mua một bất động sản vì người mua hiểu đây là thời điểm lựa chọn được bất động sản với giá tốt.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng đây là cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có “rủi ro” do là sản phẩm hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, việc bán dự án với “giá hời” có thể tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội “thôn tính” có thể làm mất đi “lợi thế” của doanh nghiệp nội địa đang “thống lĩnh” thị trường bất động sản hiện nay.
Có thể bạn quan tâm