Doanh nghiệp bất lực khi hàng hóa mắc kẹt ở cửa khẩu

Diendandoanhnghiep.vn Hàng nông sản mắc kẹt tại các cửa khẩu ở các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Giang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.

>>> Đề xuất tháo gỡ ùn tắc hàng nông sản ở cửa khẩu

Những tháng ngày phải đằng đẵng ăn trực nằm chờ tại khu vực cửa khẩu, chờ xe được thông quan dịp cuối năm 2021 có lẽ sẽ là những ngày đáng quên nhất với cánh lái xe và doanh nghiệp vận tải.

Doanh nghiệp xuất khẩu ôm lỗ nặng

Trong khi các tài xế chịu khổ về điều kiện ăn ở thì chi phí tốn kém trong lúc chờ đợi này phần lớn lại đổ lên đầu các doanh nghiệp vận tải.

Trao đổi trên VTC, ông Nguyễn Văn Hoàn - Giám đốc công ty TNHH thương mại vận tải Tâm An Thịnh cho biết: “Mỗi ngày tốn khoảng 1,8 -2 triệu đồng mỗi xe. Có bao nhiêu xe thì tắc hết ở cửa khẩu.Quá đau đầu!”.

Ông Hoàn chia sẻ chi phí 1,8 - 2 triệu đồng/ngày cho mỗi xe bao gồm: tiền ăn của lái xe, tiền dầu chạy lạnh, tiền bến bãi. Toàn bộ số chi phí này là do công ty chi trả. Tính theo đầu xe, doanh nghiệp này có thể thiệt hại đến cả gần trăm triệu đồng mỗi ngày vì tắc biên.

Hàng ngàn xe container chở hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. (Ảnh: NLĐ)

Hàng ngàn xe container chở hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn. (Ảnh: NLĐ)

“Chúng tôi vừa được trả về một xe sau hơn 20 ngày ròng rã chờ đợi. Còn một xe thì đã chờ 18 ngày rồi mà vẫn chưa biết ngày về”, ông Hoàn chua chát.

Công ty này từ lúc tắc biên đến giờ mới trả được hai xe hàng sang phía Trung Quốc. Nhưng cũng vì đợi lâu mà hàng hoá cũng bị hỏng, khách mua lấy lý đó để chưa thanh toán tiền cước. “Tiền cước của 2 xe hàng là 260 triệu đồng. Bây giờ cũng chưa được thanh toán một đồng nào vì hàng hỏng”, vị Giám đốc nói.

Ở những doanh nghiệp quy mô vài chục xe như công ty của ông Hoàn, tính ra cứ một tháng mới sang được một xe, vì nằm quá lâu tại cửa khẩu, các loại chi phí đội lên từng ngày nên khi xe về chắc chắn là âm tiền.

Cùng chung nỗi lo, ông Trần Thanh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Thùy cho biết công ty đang có 5 container hàng trái cây mắc kẹt tại cửa khẩu và không biết đến bao giờ mới được thông quan.

"Nếu một container (1.000 m2) sầu riêng mua vào, không bán được phải mang đi bỏ thì lỗ từ 1,3-1,5 tỷ đồng, còn một container mít thì lỗ gần 300 triệu đồng. Hầu hết doanh nghiệp phải dừng hoặc giảm sản lượng thu mua", ông Tâm nói.

Doanh nghiệp dừng thu mua, nông dân vùng ĐBSCL lo "sốt vó" vì hàng nghìn tấn nông sản chưa có đầu ra.

Tình trạng trên đã khiến giá các loại trái như thanh long, mít, dưa hấu, sầu riêng… bắt đầu giảm giá 20 - 30%.

Doanh nghiệp vận tải của ông Nguyễn Văn Hiền ở TP. Phan Thiết (Bình Thuận) hiện có 7 chiếc đầu kéo đang "chết cứng" tại Lạng Sơn do không thông quan được qua Trung Quốc, theo báo Thanh niên.

Tuy nhiên, các cửa khẩu giáp biên phía Trung Quốc liên tục ngừng thông quan, khiến cho mỗi chuyến xe bị kéo dài thời gian nằm bãi tại biên giới.

"Mất gần 15 ngày mới thông quan được 2 xe thanh long. Khi xe qua khỏi cầu Bắc Luân, chủ bãi phía Trung Quốc "ăn" mất gần 60 triệu đồng/container (tiền chạy máy lạnh, kho bãi, test COVID-19), trong khi tiền vận chuyển chủ hàng trả cho mình chỉ 80 triệu đồng/container.

Đã vậy, khi kiểm hàng, mỗi container mất hết 5 tấn hàng bị hư hỏng do để quá lâu. Nếu chủ hàng bắt nhà xe chịu đền số hàng này thì chúng tôi lỗ nặng", anh Hiền nói.

Doanh nghiệp không nên "bỏ trứng vào một giỏ"

Tình trạng ùn ứ xe hàng nông sản vẫn đang tiếp diễn tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Thông tin mới nhất từ Ban quản lý cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn cho biết, hiện nay vẫn còn gần 4.500 xe đang nằm chờ thông quan và phải mất từ 10 - 15 ngày mới thông quan hết lượng hàng hóa đang tồn, nếu hàng hóa không tiếp tục đưa lên các cửa khẩu.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, việc xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh lại tạm dừng sau nửa ngày thông quan trở lại, nhưng nước bạn không nêu lý do. Còn cửa khẩu Chi Ma vẫn đóng cửa từ 8/12. Trong khi cửa khẩu Hữu Nghị thông quan rất chậm.

Đây được đánh giá là lần lượng xe ùn ứ nhiều nhất từ trước đến nay. Phía Trung Quốc thông báo 14 ngày trước và sau Tết Nguyên đán 2022, các cơ quan quản lý cửa khẩu của Trung Quốc sẽ không thực hiện thủ tục thông quan đối với các lô hàng container lạnh từ Việt Nam, tình hình lại càng khó khăn hơn.

Trước tình hình trên, vào chiều nay (20/12), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Lạng Sơn đã có buổi họp bàn trực tuyến với Tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để tìm giải pháp giải quyết tình trạng này.

Tính đến chiều nay, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị vẫn tiếp tục thông quan hàng hóa, còn những cửa khẩu gồm Tân Thanh, Chi Ma đã tạm thời đóng cửa. Theo tính toán, mỗi ngày chỉ hơn 100 xe được xuất đi.

"Chúng tôi tăng cường khuyến cáo các doanh nghiệp có kế hoạch tiêu thụ nông sản trong nội địa hoặc chuyển đi cửa khẩu khác. Thứ hai là không tiếp tục đưa hàng hóa lên. Thứ ba là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ hàng và lái xe để bảo quản hàng hóa nhằm đảm bảo an toàn để sau Tết tiếp tục thông quan", ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho hay.

Cục Trồng trọt thống kê sản lượng cây ăn quả năm 2021 các tỉnh phía Nam hơn 7 triệu tấn, tăng nhẹ so với 2020. Riêng tháng 12, lượng trái cây cần tiêu thụ khoảng 700.000 tấn, trong đó có 200.000 tấn thanh long.

Đại diện Cục Trồng trọt cảnh báo xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc sẽ gặp những rào cản về kỹ thuật, thuế quan vào cuối năm và quý I/2022.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong phân tích Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hiệp ước tạo thuận lợi thương mại hàng hóa, theo báo Thanh niên.

Nếu coi dịch bệnh là trường hợp bất khả kháng, việc Trung Quốc đơn phương từ chối nhận hàng, siết không mở cửa cho hàng hóa vậy đã đúng với cam kết giữa hai nước ký kết chưa.

Do đó, khi trao đổi ở cấp Chính phủ, Bộ... cần bám vào những quy định cụ thể để thương thảo, điều chỉnh. Ở thời điểm này, việc trao đổi với phía Trung Quốc vẫn chưa muộn.

Còn trường hợp phía Trung Quốc theo đuổi chính sách "zero COVID-19" thì doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường mới để xuất và tăng kích cầu trong nước.

Ở góc nhìn của ông Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế vùng ĐBSCL câu chuyện ùn ứ, mắc kẹt hàng hóa tại các cửa khẩu với Trung Quốc vào thời điểm cuối năm không mới, cứ "đến hẹn lại lên".

Hiện đầu vào – đầu ra của nông sản Việt phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc dẫn đến nước ta luôn trong thế bị động khi nước bạn chuyển trạng thái đóng – mở cửa khẩu.

Do đó, các cơ quan chức năng phải có biện pháp tháo gỡ, theo dõi tiến độ các cửa khẩu để lên hàng không bị ùn ứ. Tuy nhiên đây cũng chỉ là những giải pháp nhất thời.
Về lâu dài, ông Hiệp cho rằng các doanh nghiệp "không nên để tất cả quả trứng vào cùng một rổ", cần đa dạng thị trường để không bị động khi có sự cố.

"Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp "thoát ra" khỏi thị trường Trung Quốc, và tìm được những thị trường mới như Mỹ, EU… thì họ không có gì bận tâm, lo lắng, thậm chí là giá bán hàng hóa nông sản vẫn rất cao".

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp bất lực khi hàng hóa mắc kẹt ở cửa khẩu tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713618058 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713618058 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10