Việc các cảng biển giảm tốc là bài toán chung, không chỉ cho cảng biển tại Việt Nam mà cả thế giới. Do đó, các doanh nghiệp cảng biển đang đối mặt với nhiều khó khăn.
>>>Doanh nghiệp logistics có thể không có “mùa cao điểm”
Như DĐDN đã đưa tin, tình trạng sụt giảm hàng hoá ngày càng nghiêm trọng khiến các hãng tàu, công ty logistics có thể sẽ không có mùa cao điểm năm 2022. Tình trạng thậm chí còn bi đát hơn trong năm tới. Theo HSBC, với tốc độ giảm giá cước giao ngay hiện nay, giá cước vận chuyển trên thị trường có thể giảm xuống mức của năm 2019 sớm nhất là vào cuối năm nay so với dự báo trước đó là vào giữa năm 2023.
Trong bối cảnh giá cước giảm mạnh trên các tuyến vận tải biển chính đang khiến các nhà phân tích xem xét lại các dự đoán về sự “bình thường hóa” của thị trường container.
Theo một tài liệu nghiên cứu mới của HSBC, với tốc độ giảm giá cước giao ngay hiện nay, giá cước thị trường có thể giảm xuống mức 2019 sớm nhất là vào cuối năm nay so với dự báo trước đó là vào giữa năm 2023.
Theo dõi Chỉ số vận tải hàng hóa container Thượng Hải (SCFI) cho thấy giá cước giao ngay từ Trung Quốc, đã giảm 51% kể từ tháng 7, thể hiện mức giảm trung bình 7,5% hàng tuần, nếu tiếp tục, sẽ khiến chỉ số này trở lại ở mức trước đại dịch.
Các nhà phân tích của ngân hàng cho biết, nhu cầu yếu hơn dự kiến, tình trạng tắc nghẽn giảm nhanh hơn và cạnh tranh về giá để có được hàng hóa đã dẫn đến sự sụt giảm này.
Dựa trên bối cảnh này, nhóm nghiên cứu vận tải biển, cảng và vận tải châu Á của HSBC đang tiến hành “kịch bản đáy”, điểm chạm đáy của ngành, đến giữa năm 2023, so với ước tính trước đó là năm 2024.
Bài báo cho biết có "rủi ro giảm mạnh" đối với lợi nhuận năm 2023 và 2024, và do đó ngân hàng đã cắt giảm ước tính lợi nhuận "lên đến 51%" cũng như cắt giảm kỳ vọng cổ tức.
Theo HSBC, việc kích hoạt lại công suất sau kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng ở Trung Quốc vào tuần trước sẽ là một trong những “điểm phản ánh chính” xác định “liệu giá cước có sớm ổn định hay không”.
HSBC nói thêm rằng những thay đổi tiềm năng đối với hướng dẫn có thể được tiết lộ trong báo cáo lợi nhuận quý 3 của các hãng tàu có thể cung cấp một số thông tin chi tiết về mức độ thành công trong việc bảo vệ hợp đồng của họ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích ngân hàng cho rằng các hãng tàu sẽ buộc phải thực hiện "hành động quyết liệt" nếu giá cước giảm xuống mức thấp, thêm vào đó "việc điều chỉnh công suất sẽ xuất hiện một cách có ý nghĩa, đặc biệt là khi giá cước xuống dưới mức chi phí".
>>>Doanh nghiệp logistics có thể không có “mùa cao điểm”
Trong nước, tốc độ tăng trưởng của cảng biển thời gian qua khá chậm, thấp nhất trong vài năm trở lại đây đang đặt các doanh nghiệp trước tình cảnh khó khăn. Tốc độ tăng trưởng về sản lượng hàng hóa qua các cảng biển đang chậm lại trong suốt thời gian qua.
Cụ thể, ngay tại hai khu vực cảng biển được xếp loại đặc biệt là cảng Hải Phòng và cảng Bà Rịa - Vũng Tàu, mức tăng trưởng cũng khá ì ạch. Tại Hải Phòng, thống kê của Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho thấy năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển Hải Phòng đạt 91,7 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2020. Trong đó sản lượng hàng container đạt 63,9 triệu tấn, tăng 9% so với năm 2020.
Tuy nhiên trong 9 tháng đầu năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực cảng biển thành phố này đạt 70,6 triệu tấn, chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, sản lượng hàng container đạt 49,7 triệu tấn, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng trong tháng 9/2022, sản lượng hàng hóa có sự tăng trưởng tốt hơn khi đạt 7,4 triệu tấn, tăng 5,6% so với tháng 9/2021. Trong đó, hàng container đạt 5,2 triệu tấn.
Ở khu vực cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, số liệu từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho hay: Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển trong 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 83,9 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2021. Khối lượng hàng container thông qua bằng tàu biển ước đạt 26,3 triệu tấn, tăng 2%. Trong đó, tổng số lượt tàu biển thông qua cảng giảm, ước đạt 14.463 lượt, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Cảng biển Việt Nam Hồ Kim Lân, các doanh nghiệp cảng biển dù nỗ lực nhưng khả năng đạt được đột phá không dễ. “Tốc độ tăng trưởng của các cảng biển đạt 2 - 3% trong năm nay là đạt yêu cầu, chỉ cố gắng đừng để giảm sâu”, ông Lân nói.
Báo cáo cập nhật ngành cảng và vận tải biển của SSI Research mới đây dự báo, tình hình thị trường vận tải biển đang xấu đi nhanh chóng theo xu hướng kinh tế toàn cầu. Đối với vận tải nội địa, do ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid” tại Trung Quốc, sản lượng hàng hóa đã giảm 2,6% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2022. Giá cước vận tải nội địa cũng đã giảm 5 - 10% trong quý III/2022. Dù vậy, SSI Research dự báo sản lượng vận tải hàng hóa sẽ cải thiện vào cuối năm, có thể khiến giá cước hiện tại được duy trì trong quý IV/2022.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho rằng, chính sách hạn chế đi lại, theo đuổi “Zero Covid” của Trung Quốc, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng như tình hình giá dầu có nhiều biến động cộng với lạm phát tăng trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ảm đạm có thể tác động đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, không loại trừ Việt Nam và ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hóa.
Đồng quan điểm, ông Hồ Kim Lân đánh giá, việc các cảng biển giảm tốc là bài toán chung, không chỉ cho cảng biển tại Việt Nam mà cả thế giới. Do đó, các doanh nghiệp cảng biển đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Phó Tổng Giám đốc CTCP Gemadet Phạm Quốc Long cho rằng, việc nhiều nhà sản xuất không có hàng để xuất khẩu khiến lượng đơn hàng xuất, nhập khẩu sụt giảm mạnh. Do đó trong những tháng cuối năm 2022, khối cảng biển khó có những cơ hội bứt phá, trừ khi tình hình lạm phát được kiểm soát.
“Để đối mặt với những thách thức trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh để tránh tối đa các thiệt hại”, ông Long nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, giá bốc xếp hàng hóa tại cảng biển của Việt Nam hiện nay đang thấp, chỉ bằng 50% so với khu vực và thế giới, cần xem xét điều chỉnh.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 10/10/2022
01:27, 10/10/2022
16:49, 27/09/2022
01:40, 20/09/2022