Chính phủ đang yêu cầu thực hiện nghiêm việc cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) ngay trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
>>Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Bình luận về Chỉ thị này, ĐBQH NGUYỄN HẢI DŨNG, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nam Định chia sẻ với DĐDN bên hành lang Quốc hội cho rằng Chỉ thị đã tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
- Bốn tháng đầu năm, cả nước có 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui, 81,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới. Điều này cho thấy khó khăn dường như vẫn đang hiện hữu với cộng đồng doanh nghiệp. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?
Với con số hơn 86,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023, đây là con số rất đáng lưu ý. Theo thống kê của Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, trung bình 1 tháng có 21,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, đây là lần đầu tiên trong 5 năm qua số doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường thấp hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đây là điểm rất đáng lưu ý, vì đó là một mất mát lớn của nội lực Việt Nam. Bởi việc rút lui khỏi thị trường với số lượng doanh nghiệp lớn sẽ kéo theo mất việc làm, mất thu nhập của người dân, mất thị trường và quan trọng nhất là suy giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh trong nước.
Với diễn biến này, thì mục tiêu Quốc hội đặt ra trong nhiệm kỳ là 1,5 triệu doanh nghiệp sẽ khó khả thi.
-Vậy, để biến mục tiêu của Quốc hội trở thành khả thi, theo ông Việt Nam phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Trong báo cáo của Chính phủ có nêu rõ nguyên nhân của tình trạng này là do một số chính sách, quy định còn rườm rà, chồng chéo, chậm được sửa đổi… Theo tôi, điều này đúng nhưng chưa đầy đủ, còn rất nhiều lý do khác như chính sách tín dụng đang có vấn đề, nhiều chính sách đi vào hoạt động nhưng không mang lại hiệu quả trên thực tế.
Tôi đề nghị Chính phủ cần có sự phân tích thấu đáo và kỹ lưỡng hơn về hiện tượng này. Vì, doanh nghiệp có đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước, trong khi hoạt động khó khăn như vậy thì rất đáng lo ngại.
Có một số chuyên gia kinh tế bình luận, có một số quy định mới ban hành lại phức tạp hơn, tạo thêm nhiều rủi ro chứ không phải tạo ra hành lang an toàn cho người dân, doanh nghiệp và cán bộ. Vấn đề này chúng ta cần nghiêm túc phân tích, đánh giá để đưa ra những giải pháp thiết thực.
Do đó, Nhà nước phải giữ vai trò quyết định và khích lệ tư nhân thành lập doanh nghiệp, xây dựng cộng đồng doanh nghiệp chặt chẽ và có chia sẻ.
>>Cắt giảm thủ tục hành chính: Cần báo cáo, đánh giá độc lập
- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/5/2024 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ông có đánh giá và đề xuất, kiến nghị gì từ chỉ thị này?
Điểm mới của Chỉ thị số 16/CT-TTg theo tôi nên tập trung, đó là không chỉ có quy trình thủ tục đối với người thực thi thủ tục hành chính, mà ngay thủ tục giữa các cơ quan hành chính với nhau trong sự phối hợp thực hiện. Nếu không làm tốt vấn đề này thì như người dân và doanh nghiệp vẫn hay nói “một cửa nhưng nhiều ngõ”.
Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu đẩy mạnh cải cách, phối hợp giữa các cơ quan để đơn giản hoá những thủ tục hành chính, chính là cắt giảm hay xoá bớt những “ngõ ngách” mà người dân và doanh nghiệp đã nêu ra, thì cần tập trung vào nội dung đó. Về vấn đề này, tôi kiến nghị hai vấn đề như sau:
Thứ nhất, phải tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhưng tránh tạo ra những thủ tục “lòng vòng”. Ví dụ, thành lập tổ liên ngành để thay vì nộp hồ sơ vào một sở nhưng sau đó phải đi hỏi ý kiến của nhiều sở, như vậy vừa mất thời gian lại tăng thêm các bước thủ tục.
Thứ hai, về thủ tục với người dân và doanh nghiệp, có hai điều nên tránh.
Một là, tránh tư duy khi nhà nước cần thông tin gì thì lại yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải nộp thông tin đó. Đơn cử, tại phiên thảo luận về Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) có rất nhiều ý kiến cho rằng có thể yêu cầu người dân nộp thông tin về lý lịch tư pháp. Nhưng, thay vì yêu cầu người dân thì cơ quan giải quyết thủ tục có thể chủ động lấy thông tin từ các cơ quan tư pháp. Như vậy, sẽ cắt giảm được rất nhiều khâu trung gian.
Hai là, tránh tạo ra các quy định mà mới “thoạt nhìn” chúng ta không hình dung ra được bản thân những quy định đó lại phát sinh thêm thủ tục. Ví dụ, Luật Đấu giá tài sản (sửa đổi) bổ sung quy định những người không được tham gia đấu giá là: "Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản". Đây là quy định tốt, nhưng vô hình chung nếu chúng ta thiết kế không tốt nghị định thì lại phát sinh thủ tục “xin xác nhận” chứng minh những người tham gia đấu giá không phải là cha, mẹ, vợ…
Như vậy, khi thiết kế các quy định thì phải tính toán một cách cụ thể để tránh việc chính những quy định đó lại vô tình phát sinh thủ tục. Đây là điều rất quan trọng trong việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
03:00, 24/06/2024
18:54, 23/06/2024
12:28, 06/06/2024
05:00, 04/06/2024
21:06, 29/05/2024