DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: "Tiếng kêu cứu" của đường sắt

NHA TRANG 18/04/2021 12:00

Các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt khiến Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho rằng, việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) không giao trực tiếp kinh phí bảo trì về cho VNR đang khiến DN này bị đẩy “đến đường cùng” và đứng trước bờ vực phá sản.

Tăng thêm thủ tục hành chính và giấy phép con

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản cầu cứu Thủ tướng Chính phủ liên quan việc xây dựng Đề án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

VNR cho biết các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt khiến DN khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.

VNR cho biết các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt khiến DN khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.

Trong văn bản này, VNR cho biết các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt khiến DN khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021.

Cụ thể, theo VNR, hiện 3.143km đường sắt cả nước do cơ quan này quản lý và chịu trách nhiệm duy tu, bảo trì nhưng các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia 2021 vẫn chưa được giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

VNR cho rằng, Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ tới thời điểm này vẫn tạo ra nhiều cấp trung gian quản lý, nhiều thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản.

Trong đó, bất cập lớn nhất từ đề án này là khiến gia tăng cấp phép, phê duyệt đề án con (giấy phép con) khi đề xuất cơ chế giao dự toán kinh phí bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR, cho rằng đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải sẽ "phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, bảo trì với công tác đảm bảo an toàn chạy tàu và kinh doanh vận tải đường sắt, làm triệt tiêu động lực của ngành".

"VNR sẽ phải điều hành giao thông trong điều kiện hệ thống đường sắt bị chia cắt do quá nhiều chủ thể quản lý. Đề xuất này sẽ đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản", ông Vũ Anh Minh nói thêm.

Theo ông, kinh nghiệm thế giới là hạ tầng đường sắt quốc gia được giao cho các doanh nghiệp nhà nước bảo trì; cơ quan quản lý nhà nước không trực tiếp tham gia. "Chúng tôi kiến nghị Chính phủ giao thẳng vốn cho tổng công ty như các năm trước đây để doanh nghiệp điều hành tập trung, tránh cấp trung gian", ông nêu rõ.

Hệ thống đường sắt hiện nay là đường đơn, hạ tầng lạc hậu, xuống cấp, với hơn 5.500 điểm giao cắt với đường bộ, nhiều nút thắt cổ chai, đi qua các khu vực địa hình đồi núi hiểm trở. Vì vậy, lãnh đạo VNR cho rằng để đảm bảo chạy tàu thông suốt, an toàn, đòi hỏi việc chỉ huy, điều hành kịp thời, đồng bộ và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận bảo trì, điều hành khai thác. "Việc giao cho Cục Đường sắt quản lý vốn bảo trì là thêm cấp trung gian quản lý, nhiều thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, gia tăng giấy phép con", ông Minh nói thêm.

Những bất cập trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến ngành đường sắt. VNR cho biết, theo dự toán hàng năm, phần vốn ngân sách dành cho bảo trì phân về đường sắt là 2.800 tỷ đồng, nhưng tới thời điểm này vẫn chưa được giao xuống.

Chính vì thế, hiện nay, 20 công ty con của VNR làm nhiệm vụ bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt hiện đang nợ lương công nhân nhiều tháng, cũng như chưa có kinh phí mua vật tư duy tu, bảo trì.

Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh khẳng định: “Nguy cơ cao là các lao động hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn đường ngang sẽ bỏ việc vì không có thu nhập. Vấn đề này đã đẩy doanh nghiệp đến bước đường cùng, khó có thể trụ vững đến hết tháng 4/2021”.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh cho hay, từ 1/1 đến nay, 20 đơn vị bảo trì đường sắt trong cả nước đều không có nguồn thu do VNR chưa được Bộ GTVT giao vốn như các năm trước.

Tính xa hơn một chút thì trong 2 năm nay, VNR bị giảm doanh thu do dịch Covid-19 nên không có tiền cho các đơn vị vay. Các đơn vị trong ngành đều phải tự vay tiền ngân hàng để chi trả lương công nhân.

Ông Phạm Sỹ Mạnh khẳng định: "Chúng tôi chưa có hợp đồng, chưa giao nhiệm vụ, dự toán cho các đơn vị bảo trì đường mà vẫn phải yêu cầu họ đi làm, đảm bảo an toàn đường sắt".

Ngày càng "bế tắc'

Trong văn bản góp ý đề án, Bộ Tư pháp nêu quan điểm việc Bộ Giao thông Vận tải "giao dự toán quản lý, bảo trì đường sắt cho VNR là không trái với quy định của pháp luật hiện hành"; đồng thời không phải giao qua các khâu trung gian, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn chạy tàu.

Tuy nhiên, trái với quan điểm của Bộ Tư pháp, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc giao dự toán ngân sách thực hiện quản lý, bảo trì đường sắt cho VNR là "không phù hợp với quy định Luật Ngân sách nhà nước tại khoản 1 Điều 49".

"Do các bộ ngành còn có ý kiến khác nhau nên chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ quyết định phương án để làm căn cứ cho các cơ quan triển khai thực hiện", đại diện Bộ Giao thông Vận tải thông tin.

Còn Bộ GTVT thì khẳng định việc giao dự toán ngân sách bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt quốc gia cho Cục Đường sắt Việt Nam là đang thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2020 hiện hành.

“Bộ GTVT không thể tự ý làm bất cứ vấn đề gì nếu không căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành”, đại diện Bộ GTVT khẳng định và thông tin, trước đây VNR trực thuộc Bộ GTVT nên hàng năm, Bộ này duyệt kế hoạch bảo trì và giao vốn bảo trì cho Tổng công ty để Tổng công ty ký hợp đồng đặt hàng thực hiện với 20 doanh nghiệp bảo trì.

VNR từng kêu cứu vì không được giao kinh phí bảo trì.

VNR từng kêu cứu vì không được giao kinh phí bảo trì.

Tuy nhiên, tháng 11/2018 VNR được chuyển từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quản lý, không còn trực thuộc Bộ GTVT quản lý nên theo Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT không thể giao vốn các năm tiếp theo cho VNR như những năm trước đây. Nhưng do kế hoạch vốn bảo trì năm 2019 đã được VNR xây dựng, Bộ Tài chính chấp thuận trước thời điểm bàn giao nên VNR vẫn tiếp tục thực hiện.

Cuối năm 2019, theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Bộ GTVT giao vốn bảo trì năm 2020 cho Cục Đường sắt Việt Nam để chủ trì triển khai thực hiện. Từ đây đã nảy sinh vướng mắc về các quy định pháp luật dẫn đến tháng 4/2020 vẫn không thể đặt hàng thực hiện bảo trì.

Để giải quyết các vướng mắc, khó khăn này trong quá trình chuyển tiếp, mặt khác ý kiến các Bộ, ngành liên quan chưa thực sự thống nhất trong việc thực hiện giao vốn bảo trì đường sắt năm 2020, Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ đã đồng ý giao vốn năm 2020 cho VNR để triển khai thực hiện.

Đối với việc giao vốn bảo trì đường sắt năm 2021, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 125/TB-VPCP ngày 25/3/2020 của Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Công văn 8412/VPCP-KTTH ngày 7/10/2020 yêu cầu: “Bộ GTVT chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện bố trí, sử dụng kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia từ năm 2021 theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời, hiệu quả, đồng thời bảo đảm chất lượng, ATGT đường sắt và chế độ cho người lao động”.

Đại diện Bộ GTVT cũng cho biết, căn cứ vào Khoản 1 Điều 49 Luật Ngân sách Nhà nước, Khoản 1 Điều 31 Nghị định 163/2016/NĐ-CP và ý kiến của Bộ Tài chính - Bộ chuyên ngành quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách, tháng 12/2020, Bộ GTVT đã có quyết định giao vốn bảo trì năm 2021 cho Cục Đường sắt Việt Nam. Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về đường sắt, là đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và là đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới nên việc giao vốn cho Cục chủ trì thực hiện hoàn toàn phù hợp với các văn bản, quy định pháp luật trên.

Cùng với việc giao vốn, Bộ chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam khẩn trương thực hiện các thủ tục về đặt hàng bảo trì để việc bảo trì KCHT đường sắt năm 2021 được thường xuyên, liên tục và triển khai ngay từ đầu năm 2021.

Bộ GTVT cho biết đã chủ động thực hiện các bước để Cục Đường sắt Việt Nam triển khai ký hợp đồng đặt hàng bảo trì với các doanh nghiệp bảo trì đường sắt, tuy nhiên các doanh nghiệp chưa ký vì theo họ, chưa đủ điều kiện.

Theo Bộ GTVT, báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, sau khi được Bộ GTVT phân giao kế hoạch và dự toán, ngay trong tháng 1/2021, Cục đã dự thảo các hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng KCHT đường sắt quốc gia, quản lý, giám sát công tác bảo dưỡng KCHT đường sắt quốc gia; Tổ chức 5 cuộc họp với Tổng công ty Đường sắt VN và 4 cuộc họp với 20 công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt để triển khai nhiệm vụ đặt hàng bảo trì KCHT đường sắt quốc gia năm 2021.

Tuy nhiên, đến nay VNR và 20 công ty bảo trì đường sắt không đồng ý thương thảo ký hợp đồng đặt hàng vì theo Tổng công ty vẫn còn vướng mắc một số quy định pháp luật như: Điều 21 Luật Đường sắt, Điều 10 Nghị định số 46 và Luật Đấu thầu.

Cũng tại các cuộc họp với Cục Đường sắt Việt Nam, 20 công ty bảo trì cho biết, Tổng công Đường sắt Việt Nam giữ trên 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp, nên theo quy định của Luật Doanh nghiệp, khi doanh nghiệp cổ phần ký hợp đồng đặt hàng có giá trị hợp đồng trên 35% giá trị tài sản doanh nghiệp, thì người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại doanh nghiệp phải xin chủ trương của Hội đồng thành viên VNR và thông qua Đại hội cổ đông công ty. Đến nay, Tổng công ty chưa chấp thuận cho phép, do đó các công ty chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng đặt hàng với Cục Đường sắt Việt Nam.

Bộ GTVT không thể làm bất cứ việc gì nếu không có căn cứ pháp luật, nên việc ký hợp đồng để triển khai nhiệm vụ đặt hàng bảo trì KCHT đường sắt quốc gia năm 2021 cũng phải theo quy định.

Theo đại diện Bộ GTVT, việc giao dự toán bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam để tổ chức thực hiện bảo trì KCHT đường sắt quốc gia là phù hợp với quy định của Luật Đường sắt. Trong đó, Cục Đường sắt Việt Nam - Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường sắt ký hợp đồng đặt hàng với các doanh nghiệp bảo trì do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nắm giữ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp, là đơn vị thực hiện bảo dưỡng công trình đường sắt.

Cục Đường sắt Việt Nam cũng ký hợp đồng đặt hàng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để kiểm tra, giám sát và quản lý công tác bảo dưỡng công trình đường sắt. Các chủ thể ký hợp đồng này đáp ứng đầy đủ điều kiện đặt hàng theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

Như vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các doanh nghiệp bảo trì thuộc Tổng công ty vẫn trực tiếp thực hiện việc công tác quản lý bảo trì và bảo trì công trình theo đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh, đảm bảo tuân thủ theo quy định của Luật Đường sắt nhưng phải thông qua cơ chế đặt hàng theo quy định của Nghị định 32/2019/NĐ-CP.

Đường sắt Việt Nam đang rất lạc hậu, xuống cấp… nhưng đến nay vẫn trong tình trạng “đầu đi, chân ở lại”. Bình luận về vấn đề cấp thiết của VNR, một chuyên gia cho rằng cần vận dụng quy định pháp luật một cách linh hoạt, giải quyết dứt điểm vấn đề này, làm sao tạo thuận lợi nhất cho công tác bảo trì đường sắt, tránh việc người dân cho rằng cứ có tiền là tranh giành nhau. “Với gói bảo trì hạ tầng đường sắt, tôi cho rằng giao cho VNR là hợp lý, nếu giao cho Cục Đường sắt qua nhiều khâu trung gian không cần thiết, có khi còn tạo cơ chế xin - cho…” - vị này cho hay.

Có thể bạn quan tâm

  • 7.000 tỷ đồng

    7.000 tỷ đồng "cấp cứu" cho đường sắt đang bị "nghẽn" ở đâu?

    15:48, 09/03/2021

  • Đường sắt Việt Nam được

    Đường sắt Việt Nam được "tiếp sức"

    11:00, 21/02/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tiếp tục nâng cấp, cải tạo đường ngang qua đường sắt

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Tiếp tục nâng cấp, cải tạo đường ngang qua đường sắt

    20:14, 05/02/2021

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Hoàn thiện Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia

    20:12, 05/02/2021

  • Khi nào khai thác thương mại được đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

    Khi nào khai thác thương mại được đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

    00:11, 03/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: "Tiếng kêu cứu" của đường sắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO