7.000 tỷ đồng "cấp cứu" cho đường sắt đang bị "nghẽn" ở đâu?

NHA TRANG 09/03/2021 15:48

8/29 gói thầu của 4 dự án đường sắt cấp bách đang bị chậm tiến độ so với kế hoạch, nguyên nhân được xác định là do các dự án phải tạm dừng thi công, chậm mặt bằng, bão lũ…

Bốn dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM có tổng nguồn vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH13 ngày 31-7-2018 về phương án sử dụng 15.000 tỉ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Kỳ vọng 4 dự án 7.000 tỉ đồng

Theo ông Mai Minh Việt, Phó Giám đốc Ban Quản lý (BQL) dự án đường sắt (DAĐS), tháng 5-2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) khởi công gói thầu đầu tiên trong 4 DAĐS quan trọng thuộc nguồn vốn dự phòng trung hạn với tổng kinh phí 7.000 tỉ đồng cải tạo, nâng cấp một số vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM.

Hiện đang có 4 dự án đường sắt cấp bách được đầu tư 7.000 tỷ đồng xây dựng

Hiện đang có 4 dự án đường sắt cấp bách được đầu tư 7.000 tỷ đồng xây dựng

Bốn dự án gồm: Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM (Dự án 1) với tổng mức đầu tư hơn 1.949 tỉ đồng; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh (Dự án 2), tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỉ đồng; Cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn (Dự án 3), tổng mức đầu tư hơn 1.849 tỉ đồng; Gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang (Dự án 4). Thời hạn hoàn thành dự án là hết năm 2021. 

Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc Công ty CP Đường sắt Hà Ninh, cho biết trước đây vốn nhà nước cấp cho đường sắt rất ít nên chỉ ưu tiên nâng cấp, thay những vị trí xung yếu, đe dọa mất an toàn trước nên đoạn mới, đoạn cũ xen lẫn theo kiểu xôi đỗ, không bảo đảm dải tốc độ cả khu đoạn dài. Vì thế, tốc độ tàu cũng không nâng lên được. Khi các dự án gói 7.000 tỉ đồng hoàn thành, có thể nâng đồng nhất tốc độ chạy tàu lên 80 km/giờ.

Ông Mai Minh Việt cho biết việc thực hiện 4 dự án cấp thiết thuộc gói 7.000 tỉ đồng về cơ bản sẽ giảm thiểu nguy cơ mất an toàn giao thông đối với các cầu, hầm yếu. Đồng thời, từng bước đồng nhất tải trọng khai thác trên toàn tuyến từ 3,6 tấn/m lên 4,2 tấn/m, tăng năng lực thông qua từ 18 đôi tàu/ngày đêm hiện nay lên 23 - 25 đôi tàu/ngày đêm. Bên cạnh đó, trên trục đường sắt Bắc - Nam, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến sẽ tăng 1,3 - 1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng 1,5 - 1,6 lần. Tốc độ tàu khách tăng lên bình quân 80 km/giờ, tàu hàng là 50 km/giờ.

Chia sẻ về những mong đợi khi toàn gói 7.000 tỉ đồng hoàn thành, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết dự án sẽ tháo gỡ cơ bản những nút thắt vận tải, chủ yếu như những ga không đủ chiều dài đường đón, gửi tàu, những ga chỉ có 2 đường. Trong một khu đoạn có 10 ga thì 9 ga đón được đoàn tàu 19 toa, 1 ga chỉ đón được đoàn tàu 14 toa do đường ga ngắn nhưng khi lập tàu buộc phải lập đoàn tàu 14 toa. Điều này làm hạn chế, giảm năng lực vận tải. Với những ga chỉ có 2 đường đón gửi, khi cần tránh nhau, tàu không thể dừng tránh ở ga này, buộc phải đến ga có 3 đường. Việc chờ đợi quá lâu dẫn đến năng lực thông qua thấp, hạn chế số lượng đôi tàu thông qua trên tuyến trong ngày. "Tăng chiều dài, tải trọng đoàn tàu sẽ tăng số lượng đoàn tàu trong ngày. Ngành vận tải sẽ có cơ hội tăng sản lượng, doanh thu, trong khi vẫn tận dụng, khai thác hết công suất đầu máy, chi phí sức kéo" - ông Mạnh nói và kỳ vọng sang năm 2021, dự án sẽ được đẩy nhanh, hoàn thành đúng tiến độ để tháo gỡ khó khăn cho vận tải đường sắt trên tuyến Bắc - Nam.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết 4 dự án thuộc gói 7.000 tỉ đồng là dự án rất đặc biệt vì rất lâu mới có được nguồn vốn lớn để cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt có tính chất tập trung. Vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông lưu ý 2021 là năm quyết định trong việc thi công, hoàn thành, giải ngân số vốn được bố trí. Các BQL dự án với vai trò là chủ đầu tư phải tập trung quản lý, chỉ đạo các đơn vị tham gia dự án bám sát tiến độ thực hiện, tổ chức giải ngân theo kế hoạch đã cam kết; tăng cường quản lý các chủ thể, quản lý chất lượng thực hiện dự án. Các nhà thầu cần huy động nhân lực, thiết bị thi công, đáp ứng yêu cầu tiến độ, chất lượng, bảo đảm an toàn chạy tàu và an toàn lao động trong quá trình thi công. Tư vấn giám sát kiểm soát chặt chất lượng công trình, bảo đảm an toàn thi công của các nhà thầu.

Vẫn còn điểm nghẽn

Theo Dân trí, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, đang có 4 dự án đường sắt cấp bách với tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng - vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, đang triển khai 29/34 gói thầu xây lắp.

Thi công cải tạo, nâng cấp đường sắt gói 7.000 tỷ đoạn Hà Nội - Vinh

Thi công cải tạo, nâng cấp đường sắt gói 7.000 tỷ đoạn Hà Nội - Vinh

Trong 4 dự án cấp bách nói trên, 3 dự án do Ban Quản lý dự án Đường sắt (QLDA) làm đại diện chủ đầu tư đang triển khai thi công 25/26 gói thầu, gồm Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.

Dự án còn lại do Ban QLDA85 làm đại diện chủ đầu tư đang triển khai thi công 4/8 gói thầu là Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đến nay đã có 3/12 tỉnh hoàn thành và bàn giao cho nhà thầu thi công, gồm: Thừa Thiên Huế, Bình Định, Ninh Thuận. Các tỉnh còn lại đang tiến hành công tác kiểm đếm, phê duyệt phương án bồi thường GPMB, dự kiến bàn giao trước một phần mặt bằng để các nhà thầu thi công từ tháng 3/2021.

Cục QLXD&CLCTGT cho biết, tiến độ thi công 8/29 gói thầu của 4 dự án nói trên chậm so với kế hoạch, trong đó Ban QLDA85 (2 gói) và Ban QLDA Đường sắt (6 gói).

Nguyên nhân chậm tiến độ được xác định các dự án phải tạm dừng thi công do ảnh hưởng của dịch Covid-19; bão lũ tại khu vực miền Trung năm 2020; vướng mắc giải phóng mặt bằng ở tỉnh Quảng Nam, Phú Yên và huy động thiết bị một số nhà thầu còn hạn chế.

Để đảm bảo tiến độ các dự án hoàn thành trong năm 2021, Cục QLXD&CLCTGT yêu cầu Ban QLDA Đường sắt, Ban QLDA85 phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết dứt điểm về GPMB, đặc biệt là phạm vi các ga kéo dài, mở mới, đoạn cải tuyến; yêu cầu nhà thầu lập kế hoạch thi công từng tháng, từng quý; Chủ đầu tư chỉ đạo nhà thầu huy động đầy đủ máy móc, thiết bị, nhân lực tập trung thi công theo tiến độ yêu cầu, có kế hoạch bù lại khối lượng đã bị chậm.

Cục QLXD&CLCTGT cho rằng, đối với các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu, vì vậy đơn vị này đề nghị chủ đầu tư có giải pháp để điều chuyển khối lượng cho các thành viên liên danh để thực hiện đáp ứng yêu cầu của hợp đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Đường sắt Việt Nam được

    Đường sắt Việt Nam được "tiếp sức"

    11:00, 21/02/2021

  • Đường sắt Việt Nam: Mong mỏi được tái cơ cấu

    Đường sắt Việt Nam: Mong mỏi được tái cơ cấu

    11:30, 30/01/2021

  • “Trải thảm” mời tư nhân đầu tư đường sắt

    “Trải thảm” mời tư nhân đầu tư đường sắt

    17:48, 16/01/2021

  • ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM (Bài 2): Thu gọn bộ máy Tổng Công ty đường sắt, khắc phục chồng chéo

    ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM (Bài 2): Thu gọn bộ máy Tổng Công ty đường sắt, khắc phục chồng chéo

    15:02, 16/01/2021

  • ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM (BÀI 1): Mỏi mòn chờ tái cơ cấu

    ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM (BÀI 1): Mỏi mòn chờ tái cơ cấu

    11:02, 14/01/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
7.000 tỷ đồng "cấp cứu" cho đường sắt đang bị "nghẽn" ở đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO