Doanh nghiệp "đau đầu" giữ chân người lao động

Diendandoanhnghiep.vn Trong khi các doanh nghiệp gia sức giữ chân nguồn nhân lực bằng tăng lương, giảm giờ làm, hỗ trợ lương thực, thì có gần 52% người lao động cho biết sẽ chuyển việc sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.

Navigos Group công bố báo cáo về “Thị trường lao động trong làn sóng Covid thứ 4: Thực trạng và Hướng đi”. Báo cáo được phân tích dựa trên ý kiến của 400 doanh nghiệp và 1200 người tìm việc tham gia khảo sát trong tháng 8.2021.

Công nghệ thông tin (CNTT) là ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất

Làn sóng dịch Covid lần thứ tư diễn biến phức tạp, mức độ ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với cả ba đợt dịch trước cộng lại. Theo thống kê của khảo sát, khoảng 49,9% doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra, đồng thời, có khoảng 11,6% doanh nghiệp tiếp tục gia tăng tuyển dụng trong thời điểm này. 3% doanh nghiệp đã tạm thời dừng hoạt động; 9,4% doanh nghiệp đã chọn cắt giảm nhân sự và cắt giảm lương, 7,3% đã cắt giảm nhân sự nhưng vẫn giữ nguyên lương, phúc lợi trước khi đại dịch xảy ra, và 18,9% chọn cắt giảm lương & phúc lợi nhằm giảm chi phí cho nguồn nhân lực hằng tháng cũng như thu nhỏ lại quy mô doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thống kê của khảo sát cũng cho thấy vẫn có những doanh nghiệp duy trì ổn định, thích ứng với bối cảnh toàn cầu. So sánh số liệu với báo cáo “COVID-19 VÀ THỊ TRƯỜNG NHÂN LỰC - Những Thách Thức Để Tiến Tới Trạng Thái Bình Thường Mới” được công bố vào năm 2020 bởi VietnamWorks, chúng ta thấy được một điểm sáng: tỷ lệ doanh nghiệp “Không cắt giảm nhân sự và giữ nguyên lương, phúc lợi như trước khi đại dịch xảy ra” hiện tại đang chiếm 49,9% (2021), so với 43,2% (2020).

Mặc dù đối mặt với cơn bão Covid-19 lần thứ tư, nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố gắng duy trì hoạt động và nguồn nhân lực của mình. Dữ liệu của khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn cam kết đảm bảo số lượng người lao động, mức lương và các chế độ phúc lợi trong đợt dịch kéo dài lần này, theo đó các số liệu bên dưới đến chủ yếu từ nhóm doanh nghiệp ngành Tài chính – Ngân hàng – Bảo hiểm, CNTT và Xuất-Nhập khẩu:

- 28,8% là doanh nghiệp có quy mô từ 10-50 nhân lực

- 24,1% là doanh nghiệp có quy mô từ 101-300 nhân lực

- 16,2% là doanh nghiệp có quy mô 51-100

- 16,2% là doanh nghiệp có quy mô hơn 1000 nhân lực

Dựa trên khảo sát, mức độ tăng trưởng về tuyển dụng tại các doanh nghiệp trong thời gian này tại Hà Nội có tỷ lệ cao hơn TP. Hồ Chí Minh, lần lượt là 50% và 45,2%. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT có quy mô từ 101 – 300 nhân lực có sự tăng trưởng lớn nhất về tuyển dụng nhân sự. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tại Hà Nội có quy mô 10-50 nhân lực và 101-300 nhân lực còn chú trọng tăng tuyển nhân sự cho các vị trí Kinh doanh/Bán hàng.

Trong khi đó, doanh nghiệp mảng Du lịch/Khách sạn cắt giảm lương nhiều nhất – Doanh nghiệp ngành Tài chính – Bảo hiểm – Ngân hàng cắt giảm lương ít nhất

Dữ liệu của khảo sát cho thấy: Khoảng 3,7% doanh nghiệp có quy mô từ 10-100 nhân lực đã giảm 80% lương. Đây là những doanh nghiệp thuộc ngành Nhà hàng/Khách sạn/Du lịch - Giáo dục/Đào tạo; 9,9% doanh nghiệp có quy mô từ 51-300 nhân lực thuộc ngành Giáo Dục/Đào tạo đã cắt giảm 50-75% lương; 37,9% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm 25-50% lương và phúc lợi. Đây là những doanh nghiệp có quy mô từ 10-50 nhân lực, 301-500 nhân lực và hơn 1000 nhân lực. Doanh nghiệp chủ yếu đến từ ngành Bất động sản/Cho thuê ngắn hạn, dài hạn - Xây dựng/Kiến trúc - Gia công/Chế biến/Sản xuất; 29,2% doanh nghiệp thuộc ngành Nhập khẩu/Xuất khẩu - Thương mại/Bán lẻ/ Bán sỉ - Dịch vụ quảng cáo/Tiếp thị trực tuyến/Truyền thông có quy mô từ 101-300 nhân lực, 301-500 nhân lực, 501-1000 nhân lực và hơn 1000 người, đã cắt giảm 15%-20% lương và phúc lợi trong thời gian khó khăn; 19,3% doanh nghiệp cắt giảm ở mức thấp nhất là 5-10% lương và phúc lợi. Họ là những doanh nghiệp có quy mô hơn 1000 người lao động đến từ ngành Điện tử - Điện tử viễn thông, Tài chính/ Ngân hàng/ Bảo hiểm.

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi Covid, nhiều doanh nghiệp có xu hướng giữ chân các nhân sự có thâm niên hoặc các nhân sự đang giữ các vị trí cấp trung và cấp cao. Đối với các nhân sự là Thực tập sinh và Sinh viên mới ra trường, tỷ lệ cắt giảm các vị trí này là 40,5%. Đối với các nhân viên có ít kinh nghiệm, tỷ lệ này lên đến 42,3%.

Kết quả của khảo sát cho thấy vẫn có nhiều doanh nghiệp cố gắng bảo toàn hoạt động của mỗi phòng ban để cùng nhau vượt qua cơn bão Covid-19 lần này. Tuy vậy, Hành chính - Thư ký hiện là một trong những phòng ban mà doanh nghiệp sẽ lựa chọn đầu tiên trong đợt cắt giảm với 12,3% ý kiến của doanh nghiệp tham gia khảo sát. Tiếp theo là phòng Kinh doanh/Bán hàng chiếm 8,4% và Phòng Chăm sóc Khách hàng chiếm 4,7% ý kiến.

Theo khảo sát, Nhà hàng - Du lịch - Khách sạn - Giáo dục – Đào tạo thuộc nhóm ngành nghề dừng hoạt động nhiều nhất, có khoảng 3% doanh nghiệp phải dừng hoạt động bởi ảnh hưởng của Covid-19 lần thứ tư. Trong đó có khoảng 25% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Nhà hàng/Khách sạn/Du lịch và Giáo dục/Đào tạo, có quy mô nhân lực từ 10-50 người đến 301-500 người đã dừng hoạt động.

Ngoài các ngành được nêu trên thì 16,7% thuộc ngành Xây dựng/Kiến trúc (quy mô 10-50 người), 16,7% là doanh nghiệp chuyên Gia công/Chế biến/ Sản xuất (quy mô 301-500 người), đang chịu ảnh hưởng nặng nề để có thể tiếp tục hoạt động trong thời gian này. Với quyết định dừng hoạt động này, có thể thị trường tuyển dụng trong các lĩnh vực kể trên sẽ có nhiều biến động hơn và buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng đưa ra biện pháp để tiếp cận và thích nghi để có thể quay trở lại thị trường tuyển dụng.

Hỗ trợ cho người lao động trong đại dịch như thế nào?

Doanh nghiệp triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động đa dạng và thực tiễn

Trong thời gian dịch bệnh vừa rồi, doanh nghiệp đã hỗ trợ nhân viên thông qua nhiều hoạt động, bao gồm:

- Luôn cập nhật thông tin gửi đến nhân viên trong công tác phòng chống Covid-19

- Thay đổi giờ làm việc, quy trình làm việc để hỗ trợ nhân viên hoàn thành công việc thuận lợi hơn

- Tổ chức các hoạt động online, sẻ chia và trao quà tặng cho nhân viên (e-vouchers, gói quà,...)

- Hỗ trợ toàn bộ nhân viên tiêm phòng vaccine phòng chống Covid-19

- Hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho toàn bộ nhân viên

Các kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp sau khi quay trở lại hoạt động bình thường

56,7% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển dụng ngay lập tức sau khi quay trở lại hoạt động bình thường. Ngoài số liệu trên, khảo sát còn cho thấy có khoảng 17,5% chưa thể ra đươc quyết định ngay lập tức liệu họ có thể tuyển dụng trở lại hay không. Bên cạnh đó, cũng có các doanh nghiệp cần thêm thời gian từ nửa tháng đến sau 6 tháng mới có thể tiếp tục tuyển dụng trở lại. Các con số này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn cần sự phục hồi để có thể quay trở lại thị trường lao động.
50% doanh nghiệp tham gia khảo sát sẽ tuyển nhân viên hoàn toàn mới

Đây là một điểm đáng chú ý cho nhà tuyển dụng và người tìm việc. Có thể nói đây cũng là cơ hội quý giá cho các ứng viên đang đi tìm việc. Bên cạnh đó, vẫn có khoảng gần 37% doanh nghiệp tham gia khảo sát ưu tiên tuyển những người đã từng làm việc ở công ty sau đó mới tuyển người mới và 16,2% doanh nghiệp sẽ tuyển những người đã từng làm việc tại công ty ngay trước khi dịch bệnh xảy ra.

Số liệu của báo cáo cho thấy, Phòng Kinh doanh – Bán hàng sẽ được tuyển dụng đầu tiên với gần 29% ý kiến của doanh nghiệp tham gia khảo sát. Tiếp theo là phòng Công nghệ thông tin với 21%. Phòng Marketing với 10,5%, Phòng Chăm sóc Khách hàng với 8% và phòng Tài chính kế toán với 5,4%.

Thực trạng của Người lao động đối phó với dịch bệnh Covid

Dữ liệu từ báo cáo cho thấy hơn 87% người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid. Có thể thấy rằng đợt dịch Covid lần thứ 4 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động.

Khi được hỏi về tình trạng hiện nay, có đến 41,5% người lao động cho biết họ đã thôi việc và chưa có việc làm mới. Về lý do thôi việc, hơn 30% ứng viên cho biết họ nằm trong diện bị cắt giảm nhân sự của công ty. Tiếp theo, lý do người lao động nghỉ việc do bị cắt giảm lương và chế độ phúc lợi chiếm gần 25%.

Theo một thống kê khác trong bản báo cáo, lý do khiến người lao động chưa muốn chuyển việc trong thời điểm này chủ yếu là không tìm được công việc phù hợp để ứng tuyển với 67% ý kiến từ người tham gia khảo sát. 30% cho biết họ đã gửi hồ sơ cá nhân (CV) nhưng chưa được nhà tuyển dụng liên hệ. 22% cho biết các công ty không tuyển dụng trong thời gian này nên các cơ hội việc làm lại càng khan hiếm. 20,1% người cho rằng vị trí mà các công ty đang tuyển dụng không phù hợp với khả năng và định hướng nghề nghiệp của họ.

Giảm hiệu quả trong công việc nằm trong Top 3 các khó khăn khi người lao động làm việc tại nhà. Qua khảo sát, có 64% ứng viên cho biết họ đang làm việc tại nhà 100%. Nằm trong Top 3 các khó khăn thường gặp nhất khi làm việc từ xa bao gồm: Thiếu kết nối với quản lý trực tiếp và với đồng nghiệp chiếm gần 27% ý kiến – Hiệu quả lao động giảm sút chiếm gần 24% - Mất tập trung, sao nhãng trong công việc với 18% ý kiến đồng tình. Ngoài ra, những khó khăn khác cũng được số ít người lao động đưa ra như: Mạng wifi chậm, kết nối kém, không xác nhận được tình hình sản xuất thực tế, các hồ sơ chứng từ chưa được số hóa toàn bộ, thiếu công cụ phục vụ công việc, các thành viên không theo sát thời gian hoàn thành công việc, khó liên lạc và không giải quyết được vấn đề khẩn cấp…

Các giải pháp người lao động áp dụng để khắc phục khó khăn do Covid-19 gây ra

Đứng trước những ảnh hưởng tiêu cực mà dịch Covid lần thứ 4 gây ra, rất nhiều người lao động đã phải nghỉ việc và chưa tìm được việc làm mới. Chính vì thế, biện pháp để đảm bảo cuộc sống trong thời gian giãn cách khó khăn này được 51,5% người lao động áp dụng là tiết kiệm lại chi phí sinh hoạt gia đình, tính toán chi tiêu hợp lý hơn. Một biện pháp khác được 24,3% lựa chọn làm thêm bán thời gian một công việc thời vụ để đảm bảo thu nhập cho bản thân và gia đình. Bên cạnh đó 16,6% số người đã nghỉ việc và chưa có việc làm thêm đã phải sử dụng đến tiền tiết kiệm, tích lũy trong thời gian này. Một số người lao động đã chọn phương án về quê để giảm tiền phòng trọ trên thành phố. Những phương pháp khác được người lao động đưa ra như: Vay tiền để trang trải cuộc sống, đầu tư chứng khoán, đàm phán lương với công ty hiện tại, học nghề mới, tự kinh doanh riêng…

Theo thống kê từ cuộc khảo sát, khi được hỏi về dự định trong tương lai, gần 52% người lao động cho biết sẽ chuyển việc sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Bên cạnh đó, hơn 30% người lao động quyết định vẫn sẽ làm việc tại công ty nếu lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên. 11% người lao động sẽ đề nghị tăng lương và chế độ phúc lợi được giữ nguyên sau khi hết dịch.

Những hướng đi khác được số ít người lao động lựa chọn là: Tìm kiếm công việc yêu thích, đúng chuyên môn ngành nghề, tìm công việc mới với mức lương và chế độ phúc lợi tốt hơn, tìm việc làm mới ổn định, có thể gắn bó lâu dài…

Từ thực trạng trên, VietnamWorks đề xuất, đối với doanh nghiệp, nhận ra vai trò của doanh nghiệp trong công tác phòng chống dịch bệnh: Dù ở trong giai đoạn chống dịch hay ở hậu Covid-19, các doanh nghiệp nên duy trì vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và làm chậm sự lây lan của dịch bệnh tại nơi làm việc. Sau cơn bão này, doanh nghiệp nên lên kế hoạch chuẩn bị, ứng phó và kiểm soát dịch bệnh dành cho người lao động. Khi đóng vai trò chủ trương, doanh nghiệp sẽ có thể tính được mức độ khả thi của các dự án hiện tại theo nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm cách làm việc từ xa, đưa ra chính sách hỗ trợ nhân viên kịp thời, ưu tiên cho sự linh hoạt giờ giấc,..

Doanh nghiệp cũng cần ưu tiên sự linh hoạt: Đây cũng là lúc doanh nghiệp nên có sự linh hoạt trong quá trình làm việc, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp đang tái định hình và ở giai đoạn hồi phục ở hậu Covid-19. Đối với trạng thái bình thường mới, linh hoạt cũng là một trong những yếu tố then chốt làm nên sự thành công cho nhiều doanh nghiệp. Có thể liệt kê một số chính sách linh hoạt bao gồm: Chế độ làm việc linh hoạt – Linh hoạt trong quá trình làm việc, giao tiếp và tiếp nhận thông tin

Cùng với đó, cần phát triển nguồn nhân lực theo định hướng mới: Dựa vào khảo sát, doanh nghiệp sẽ có một chiến lược mới để phát triển nguồn nhân lực dù ở trong thời gian giãn cách hay ở hậu Covid-19. Sau khi nền kinh tế hồi phục, nhiều ngành sẽ bắt đầu tiến vào giai đoạn hồi phục, đây cũng là lúc doanh nghiệp săn đón nhân tài với chính sách phúc lợi và mức lương khác nhau. Tuy nhiên, xã hội và nền kinh tế đang dần bước vào trạng thái bình thường mới, nên có lẽ người lao động cũng sẽ có những yêu cầu và nhận định mới trong quá trình tìm việc. Có thể, họ không chỉ đơn thuần tìm kiếm công việc có mức lương hay chế độ đãi ngộ hấp dẫn mà ứng viên sẽ còn cân nhắc về chế độ làm việc và mô hình vận hành của một doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp nên tận dụng điểm này để đưa ra những chiến lược mới để thu hút nhân tài khi thị trường lao động bắt đầu khôi phục

Đối với Người lao động, VietnamWorks cho rằng cần thích ứng nhanh phương thức làm việc mới: Chế độ làm việc từ xa sẽ vẫn còn tiếp diễn đến khi chấm dứt được đại dịch, cuộc sống quay trở lại bình thường. Chính vì thế, người lao động hãy xem đây là chế độ làm việc chính thức và lâu dài chứ không phải là phương án ngắn hạn nhất thời của các công ty. Người lao động hãy thích nghi và cố gắng đảm bảo chất lượng công việc bằng những công cụ hỗ trợ làm việc từ xa hiệu quả.

Bên cạnh đó, người lao động cũng cần nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường tuyển dụng: Thị trường việc làm và tuyển dụng trong thời gian tới được dự báo sẽ là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ của các ứng viên trên đường đua tìm kiếm việc làm. Sau đại dịch, nhà tuyển dụng có xu hướng tìm kiếm những ứng viên trình độ cao, chuyên môn tốt để có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi liên tục, nhất là trong giai đoạn này. Để chuẩn bị tâm thế sẵn sàng ngay từ bây giờ, hãy tích lũy cho mình những kiến thức, kỹ năng để nâng cao kinh nghiêm bản thân, tự tin đáp ứng được những yêu cầu cao của nhà tuyển dụng.

Cuối cùng là linh hoạt trong quá trình tìm kiếm việc làm mới

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp "đau đầu" giữ chân người lao động tại chuyên mục Quản trị của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713555686 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713555686 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10