Các doanh nghiệp ồ ạt gửi hồ sơ vay gói tái cấp vốn 7.500 tỷ đồng, với mong muốn ngân hàng chi nhánh tại các địa phương nhanh chóng giải ngân kịp thời cho người sử dụng lao động.
Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 10/2021/TT-NHNN về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để người sử dụng lao động được vay vốn trả lương ngừng việc cho người lao động.
Tuy nhiên, tránh "vết xe đổ" từ các gói hỗ trợ trước đó, các doanh nghiệp đề xuất rút ngắn thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ để kịp thời giải ngân gói vay hỗ trợ cho doanh nghiệp. Bởi thời hạn gải ngân chỉ áp dụng đến hết ngày 05/4/2022.
Do thời gian chỉ còn 7 tháng là hết hạn giải ngân nên doanh nghiệp mong các chi nhánh phía ngân hàng nhanh chóng hoàn thành hồ sơ thủ tục cấp vốn cho doanh nghiệp.
Chia sẻ về băn khoăn này nhiều doanh nghiệp cho biết, theo các doanh nghiệp gói vay này có nhiều ưu đãi, tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất quá hạn là 0%/năm, thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng chính sách xã hội và được áp dụng đối với từng lần giải ngân. Nhưng thời hạn giải ngân gói tái cấp vốn ngắn nên doanh nghiệp rất mong muốn được tiếp cận gói vay để trả lương ngừng việc cho người lao động, phục hồi sản xuất sau đại dịch.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp chăn nuôi; "hiện dịch bệnh sản xuất không tiêu thụ được do nhà hàng đóng cửa, con giống phải duy trì không thể cung cấp sang các thị trường ngoài tỉnh, vì khó khăn vận chuyển, khai báo dịch tễ, trong khi đó công nhân vẫn phải chi trả tiền lương theo hàng tháng. Nếu không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi sẽ khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn".
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết đơn vị hiện chỉ cầm chừng. Các doanh nghiệp có cơ sở hoạt động ở các khu vực bị giãn cách xã hội thì gần như không đáp ứng được điều kiện bố trí chỗ ở cho người lao động tại chỗ nên đã đóng cửa, giảm chi phí lương từ 50 - 70%.
Do đó rất nhiều doanh nghiệp ví von, nếu tiếp cận được gói vay hỗ trợ về tái cấp vốn thì doanh nghiệp mừng như "hạn hán gặp mưa rào". Vì phải hứng chịu liên tiếp các đợt ảnh hưởng do dịch bệnh COVID - 19 vừa qua, nên gói hỗ trợ đã trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Trả lời những băn khoăn của doanh nghiệp, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, rút kinh nghiệm từ kết quả triển khai gói 16.000 tỷ đồng không đạt yêu cầu, do điều kiện quá khắt khe, thủ tục rườm rà… Chính vì vậy, thủ tục gói vay 7.500 đồng được cắt giảm đến mức tối đa, song vẫn phải đảm bảo các bước rà soát.
“Với thủ tục, cơ chế thông thoáng hơn, cộng với mức độ ảnh hưởng sâu rộng của dịch bệnh hiện nay, tôi tin rằng, gói 7.500 tỷ đồng sẽ nhanh chóng được giải ngân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Theo thông tin mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra, không chỉ doanh nghiệp trong nước, mà rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đang quan tâm, tiếp cận gói vay này. Với tốc độ triển khai như hiện nay, chắc chắn, gói 7.500 tỷ đồng sẽ đạt tỷ lệ giải ngân cao trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm