Doanh nghiệp địa ốc sống khỏe

LÊ SÁNG 09/11/2021 05:00

Bất chấp dịch COVID-19, kết quả kinh doanh cho thấy không ít doanh nghiệp bất động sản vẫn đang “sống khỏe” và tiếp tục duy trì triển vọng khả quan trong các tháng cuối năm.

Báo cáo KQKD quý III/2021 cho thấy bức tranh tương đối sáng sủa cho các DN bất động sản

Nguồn cung bất động sản mở bán mới ở Hà Nội và TP HCM có tỷ lệ hấp thụ cao

LOẠT ÔNG LỚN BÁO LÃI

Theo số liệu của CBRE Việt Nam, nguồn cung mở bán mới cả Hà Nội và TP HCM trong 9 tháng ghi nhận 18.861 sản phẩm và số lượng căn hộ giao dịch đạt 20.360 căn hộ, tăng 17%, tỷ lệ hấp thụ đạt mức 108%.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) trong quý III dù nguồn cung toàn thị trường bất động sản Hà Nội và TP HCM năm 2021 đạt khoảng 30.000 căn hộ, giảm 15% so với cùng kỳ nhưng báo cáo kết quả kinh doanh lại cho thấy một bức tranh tương đối sáng.

Cụ thể, Tập đoàn Novaland ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 9 tháng, bao gồm doanh thu từ bán hàng và thu phí cung cấp dịch vụ đạt gần 10.362 tỷ đồng, tăng 159% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu từ bán hàng đạt gần 9.282 tỷ đồng (tăng 230%), lợi nhuận sau thuế hơn 2.549 tỷ đồng, dù giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, song đây cũng là con số khá ấn tượng trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Tương tự, với Tập đoàn Bất động sản An Gia, doanh thu thuần trong 9 tháng của năm cũng tăng gấp hơn 9 lần cùng kỳ, lên mức 687 tỷ đồng, song các chi phí gia tăng mạnh khiến An Gia báo lãi ròng còn 205 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm 2020.

Một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng ghi nhận mức lợi nhuận cao như Tập đoàn Nam Long ghi nhận 709 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 240% so với cùng kỳ. Công ty Phát Đạt cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.109 tỷ đồng, Công ty Năm Bảy Bảy lợi nhuận 335 tỷ đồng, Sunshine Homes thu về mức lãi sau thuế 291 tỷ đồng.

Công ty CP Vinhomes đạt mức lợi nhuận sau thuế 11.195 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với quý II/2021; Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú Invest ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế là 106,9 tỷ đồng.

Khảo sát của batdongsan.com.vn cho thấy mức quan tâm đến thị trường BĐS đã

Khảo sát của batdongsan.com.vn cho thấy mức quan tâm đến thị trường BĐS đã quay trở lại

TRIỂN VỌNG TĂNG TRƯỞNG

Nhìn nhận về triển vọng phát triển của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới, BSC duy trì nhận định lạc quan về tăng trưởng lợi nhuận năm 2022-2023 của nhóm bất động sản thương mại.

Cụ thể, thời gian tới sẽ có một số yếu tố thúc đẩy tăng trưởng gồm giá bán các dự án có thể tiếp tục cải thiện trong bối cảnh nguồn cung thiếu hụt và các dự án ra mắt gần đây đã định hình mức giá mới cho thị trường. Bên cạnh đó, với việc các doanh nghiệp bất động sản trong năm nay tích cực sử dụng đòn bẩy thông qua các hình thức phát hành riêng lẻ, phát hành trái phiếu, tăng nợ vay để gia tăng quỹ đất mới cho chiến lược trung và dài hạn.

Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng BIDV dự báo sắp tới thị trường có thể sẽ bật mạnh, dư địa phát triển còn nhiều. Cụ thể, trong quý IV/2021 được dự báo GDP tăng trưởng khoảng 4% và cả năm tăng trưởng khoảng 2,5%. Còn năm 2022, có khả năng GDP tăng trưởng đạt 6,5 - 7%. "Cùng với đó việc Nhà nước tiếp tục thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn. Yếu tố này tạo điều kiện rất lớn cho thị trường bất động sản tăng trưởng" - ông Lực nhận định.

Nhìn nhận triển vọng của thị trường từ việc nền kinh tế dần hồi phục khi dần đạt được mức miễn dịch cộng đồng, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là một sự thay đổi mang tầm chiến lược và việc áp dụng Nghị quyết 128 với tất cả hoạt động sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản tìm lại đà hồi phục.

Bên cạnh những dự báo tích cực, cũng theo các chuyên gia, thời gian tới, các doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục phải giải quyết một số tồn tại “cố hữu” gồm việc thủ tục pháp lý của các dự án vẫn còn chậm khiến nguồn cung bị tắc. Bên cạnh đó, dịch bệnh COVID-19 có thể sẽ tiếp tục làm cho sự kiện bán hàng bị hoãn lại.

Tốc độ tăng giá các loại vật liệu xây dựng được cảnh báo cũng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, trước mắt là ảnh hưởng đến tiến độ công trình, làm tăng chi phí xây dựng, đội giá bất động sản.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D Công ty DKRA Vietnam dự báo, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá nhà sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2021 do nhiều yếu tố chi phối như lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng dẫn đến nguy cơ có thể làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản của thị trường.

Có thể bạn quan tâm

  • Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn dòng vốn ngoại

    Thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn dòng vốn ngoại

    03:00, 08/11/2021

  • Bất động sản trước cơn

    Bất động sản trước cơn "bão giá" vật liệu

    00:30, 08/11/2021

  • Cân nhắc mức thuế đối với bất động sản du lịch

    Cân nhắc mức thuế đối với bất động sản du lịch

    13:00, 07/11/2021

  • Bộ Xây dựng đề nghị theo dõi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

    Bộ Xây dựng đề nghị theo dõi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

    05:00, 07/11/2021

  • TNR Holdings Vietnam khẳng định vị thế Nhà phát triển bất động sản phức hợp tốt nhất Việt Nam

    TNR Holdings Vietnam khẳng định vị thế Nhà phát triển bất động sản phức hợp tốt nhất Việt Nam

    13:02, 06/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp địa ốc sống khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO