Hiện nay, nhiều địa phương tổ chức diễn đàn kích cầu du lịch, các công ty lữ hành, các nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan tung ra nhiều gói sản phẩm mới với mức khuyến mãi hấp dẫn.
Là một trong 10 quốc gia tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới với doanh thu ngành du lịch đóng góp đến 8,8% GDP trong năm 2019, có thể nói sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã giáng đòn đau vào các mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam năm 2020.
Giới truyền thông quốc tế nhắc đến Việt Nam như một trong những điển hình kiểm soát dịch Covid-19 thành công bậc nhất thế giới dù có đường biên giới nằm ngay cạnh Trung Quốc - quốc gia đầu tiên dịch bệnh bùng phát. Nhưng nền kinh tế nước ta nói chung và ngành du lịch nói riêng không tránh khỏi hệ lụy nặng nề của đại dịch.
Sau khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội và bước đầu kiểm soát thành công dịch bệnh, cho đến tháng 5, ngành du lịch mới khởi động “Kích cầu du lịch”. Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch khi đó ban hành kế hoạch phát động chương trình “người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, kêu gọi sự vào cuộc tích cực của các địa phương, doanh nghiệp và hãng hàng không trong việc đẩy mạnh thu hút khách nội địa. Nhiều địa phương tổ chức diễn đàn kích cầu du lịch, các công ty lữ hành, các nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan tung ra nhiều gói sản phẩm mới với mức khuyến mãi hấp dẫn.
Bức tranh du lịch Việt sáng hơn với nhiều hoạt động đón khách sôi nổi. Dù vậy, ngành Du lịch vẫn cần những chương trình mang tính dài hơi để lấy lại đà tiến và sự phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, chương trình kích cầu du lịch nội địa đang được triển khai mạnh mẽ trên cả nước. Các doanh nghiệp hàng không, lữ hành, lưu trú, điểm đến đã liên kết xây dựng sản phẩm kích cầu chất lượng với mức giá giảm từ 40% đến 50% so với trước. Đây là đợt kích cầu thứ hai mà Liên minh kích cầu du lịch 2020 thực hiện kể từ khi xuất hiện dịch Covid-19.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu như: Vietravel, Hanoitourist, Hanoi Redtour, Vietrantour… đã bán được khoảng 60%-70% số lượng tour kích cầu. Theo Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtour Nguyễn Công Hoan, du lịch nội địa đã khởi sắc, nhiều cơ sở lưu trú kín phòng vào cuối tuần. Còn Giám đốc Công ty Du lịch Vietrantour Nguyễn Thị Huyền thông tin, hoạt động kinh doanh, bán tour sôi động cả ở hình thức trực tiếp cũng như qua mạng internet…
Hoạt động kích cầu hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động giữa tháng 5-2020 đã mang lại hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, hoạt động kích cầu tập trung vào tháng 5 và 6 mới chỉ tiếp cận đến đối tượng khách lẻ, chủ yếu là người độc thân, giới trẻ, người về hưu. Vì thế, ngành Du lịch cần có chiến lược đường dài để khi chương trình kích cầu kết thúc, các hoạt động du lịch vẫn thu hút đông du khách.
Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, dẩy mạnh du lịch nội địa trong thời điểm hiện nay có vai trò vô cùng quan trọng. Đây cũng là lựa chọn của nhiều quốc gia có thế mạnh về du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế bị ‘đóng băng.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động du lịch vượt qua đại dịch COVID-19, đề nghị Chính phủ xem xét giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai chương trình truyền thông “Việt Nam - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”; tập trung tuyên truyền về chủ trương phục hồi du lịch, kích cầu du lịch nội địa; xem xét lùi thời gian khai giảng năm học; điều chỉnh thời gian nghỉ lễ, tạo kỳ nghỉ dài dành cho hoạt động du lịch...
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương báo cáo về các giải pháp hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp du lịch; chỉ đạo Bộ Công Thương sớm ban hành chính sách điều chỉnh giá điện áp dụng cho cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng giá điện sản xuất, thực hiện trong cả năm 2020.
Nhấn mạnh việc phân chia mục tiêu thu hút khách du lịch từng thời điểm trong năm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước có động thái, chính sách mạnh tạo ra cú hích dứt khoát trong đợt cao điểm từ tháng 7 đến tháng 10 thu hút khách du lịch; xây dựng các vùng du lịch trọng điểm làm hạt nhân thúc đẩy phát triển du lịch theo từng vùng, liên kết vùng; xây dựng chuỗi sản phẩm kết nối lữ hành, hàng không và dịch vụ với phương châm hợp tác, kích cầu du lịch.
Đề cập đến giải pháp phát triển bền vững, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề nghị ban hành chính sách tài chính hỗ trợ cho các công ty du lịch lữ hành - những “đầu tầu kéo” cho hệ thống vận chuyển, lưu trú, dịch vụ phía sau nhằm phát triển ngành Du lịch. Đề nghị giảm chi phí thăm quan tại các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử do nhà nước quản lý đến hết tháng 3/2021, ông Nguyễn Quốc Kỳ mong muốn có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương thông qua việc mở các chuyên trang quảng bá du lịch… góp phần thúc đẩy du lịch nội địa với tinh thần “Tôi yêu Việt Nam”.
Còn theo ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc công ty du lịch Tiên Phong Travel, doanh nghiệp cũng có sự khởi sắc khi tăng cường lượng khách du lịch, nhưng trong sự khởi sắc lại bao hàm sự thay đổi hành vi khách hàng.
Nhóm khách hàng hưởng ứng kích cầu du lịch đa số là khách tự do, bao gồm cá nhân hoặc gia đình. Do đó, doanh số tăng chủ yếu là nhờ hoạt động bán tour lẻ. Nhóm khách hàng tổ chức, tập thể giảm mạnh do nhiều nguyên nhân khác nhau. Ví dụ hàng năm, đây là thời điểm các trường học tổ chức kỳ du lịch hè cho cán bộ giáo viên. Nhưng năm nay, kỳ nghỉ hè gần như không có vì học sinh đã nghỉ dịch vài tháng trời. Nhiều trường học do đó hủy bỏ sự kiện du lịch hè thường niên.
"Cá nhân tôi cho rằng để đẩy mạnh hiệu quả kích cầu du lịch trên cả nước một cách tối đa, cần có sự vào cuộc kết hợp của chính quyền địa phương và toàn ngành du lịch một cách đồng bộ, tránh hiện tượng kích cầu manh mún, bộc phát, thiếu đồng đều. Cần đảm bảo kích cầu du lịch giá rẻ đi kèm với chất lượng", ông Khánh nói.
Có thể bạn quan tâm
09:28, 02/06/2020
08:32, 01/06/2020
18:13, 29/05/2020
17:18, 26/05/2020