Doanh nghiệp tin tưởng “khởi sắc” cùng các “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế 7 tháng 2024, để tạo tiền đề cho tăng trưởng những tháng cuối năm.
>>Những động lực cho tăng trưởng kinh tế
Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2024 đạt gần 440 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 226,98 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2024 ước tính xuất siêu 14,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 16,5 tỷ USD).
Thực hiện vốn đầu tư ngân sách nhà nước, thu hút và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Theo đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng ước đạt 40,6% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 7 tháng, cả nước có 1.816 dự án mới được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 10,76 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 35,6% về số vốn đăng ký. Vốn FDI thực hiện ước đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Vẫn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng năm 2024 cả nước có 139.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái…
Hoạt động của doanh nghiệp khởi sắc cũng được phản ánh ngay vào con số thu ngân sách. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước bảy tháng ước đạt 1 triệu 188.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số hiệp hội doanh nghiệp đánh giá, mặc dù khó khăn vẫn còn nhưng đơn hàng sản xuất 7 tháng năm 2024 đã phục hồi và ổn định hơn so với năm 2023. Một số lĩnh vực chế biến rau quả, sản xuất nhựa, chế biến gỗ có sự khởi sắc rõ rệt.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM (HAWA) cho biết khi hiệu quả của doanh nghiệp gia tăng, mức lãi suất ổn định, thì cuối năm 2024 hoặc sang năm 2025 những doanh nghiệp đầu tư về công nghệ và thương mại điện tử sẽ trở thành hai yếu tố tạo động lực cho doanh nghiệp tăng trưởng.
Ông Yoshikuni Taniguchi, Chủ tịch UMC Electronics Việt Nam chia sẻ năm 2025 công ty dự định sẽ mở rộng quy mô nhà máy, ứng dụng thêm các công nghệ tự động hóa trong sản xuất.
“Hiện nay khách hàng của công ty chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật Bản, chúng tôi đang bắt đầu tìm kiếm những doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu sử dụng các sản phẩm của chúng tôi”, ông Yoshikuni Taniguchi nói.
Được biết, công ty UMC Electronics của Nhật Bản đã có mặt ở Việt Nam từ năm 2006. Nhà máy của công ty được đặt ở tỉnh Hải Dương với số vốn 100 triệu USD, chuyên sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử công nghệ cao. Hiện nay, công ty đang có hơn 2.000 nhân công người Việt Nam.
Tổng công ty CP Dệt May Hòa Thọ (Đà Nẵng) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ổn hơn trong nửa đầu năm, với doanh thu hợp nhất ước đạt 2.286 tỷ đồng đạt 51% kế hoạch năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 113 triệu USD đạt 46% kế hoạch năm.
Tuy nhiên, lợi nhuận riêng đã đạt 65% kế hoạch năm, với 142,7 tỷ đồng. Với tình hình đơn hàng như hiện tại, doanh nghiệp này dự kiến, doanh thu hợp nhất 6 tháng cuối năm sẽ đạt 2.225 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 120 tỷ đồng.
>>Nam Định: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 11 cả nước
>>Thái Bình: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế để cán đích năm
Bên cạnh những điểm sáng, bức tranh kinh tế tháng 7 và 7 tháng năm 2024 vẫn còn những khó khăn. Cụ thể, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, chỉ số sản xuất công nghiệp (chỉ số IIP) tăng chưa vững chắc, không đồng đều giữa các ngành. Chỉ số IIP tháng 7/2024 ước tăng 0,7% so với tháng trước; chỉ số IIP 7 tháng năm 2024 ước tăng 8,5%.
Một số ngành công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu có mức tăng khá, như dệt tăng 12,4%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre nứa tăng 10,9%, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 9,8%. Tuy nhiên, ngành may mặc chỉ tăng 6,2%, ngành sản xuất đồ uống chỉ tăng 0,8%.
Nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong mấy năm qua đang phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn, trong những tháng đầu năm và úng lụt trong mùa mưa bão đã ảnh hưởng, gây thiệt hại trong hoạt động sản xuất, đặc biệt tới sản xuất lương thực.
Dù các doanh nghiệp đã nỗ lực trong tìm kiếm thị trường và lao động, nhưng do tổng cầu trong nước và thế giới phục hồi chậm nên doanh nghiệp vẫn phải đương đầu với nhiều khó khăn. Sức mua của thị trường trong nước vẫn còn yếu, tăng thấp.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc (CESS) cho rằng bên cạnh việc tiếp tục tăng cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường, giải pháp quan trọng là tăng cả tốc độ và chất lượng giải ngân vốn đầu tư công, từ đó tác động vào việc tăng cầu đầu tư của doanh nghiệp.
“Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ở các dự án trọng điểm, quy mô lớn, nhất là các dự án cơ sở hạ tầng mang tính kết nối sẽ tạo ra các hành lang giao thông và các động lực tăng trưởng kinh tế mới cho nền kinh tế”, TS. Phạm Sỹ Thành nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
03:13, 19/07/2024
01:34, 12/07/2024
13:09, 10/07/2024