Doanh nghiệp kiến nghị sớm hạ mặt bằng lãi suất cho vay

DIỄM NGỌC - HỒNG MINH thực hiện 16/03/2023 05:00

Hiện nay doanh nghiệp đang rất khát vốn, trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng quá cao... Doanh nghiệp mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách dễ dàng và sớm hạ mặt bằng lãi suất.

>>Cần giải pháp giảm lãi suất để doanh nghiệp được tiếp cận vốn

Đó là kiến nghị của ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội, Tổng giám đốc Tổng Công ty (TCT) May 10 khi trao đổi với phóng viên Diễn Đàn Doanh Nghiệp.

ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội, Tổng giám đốc TCT May 10

Ông Thân Đức Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội, Tổng giám đốc TCT May 10

- Trong thời gian vừa qua, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu được đánh giá là đang gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm sút, nhất là trong lĩnh vực dệt may. Ông có chia sẻ gì về tình hình thị trường và TCT May 10 có đang gặp những thách thức này?

Kể từ cuối năm 2022 đến nay, những tác động của nền kinh tế như lạm phát và lãi suất tăng cao khiến cho nhiều doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn do thiếu hụt đơn hàng.

Năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất xuất khẩu như dệt may, nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Các thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam cũng có xu hướng giảm. Thực tế hiện nay, cầu dệt may thế giới vẫn chưa phục hồi do sức mua chậm ở các thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn như Mỹ và Châu Âu. Để đảm bảo việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp phải chấp nhận các đơn hàng có xu hướng nhỏ lẻ, phức tạp hơn; giá gia công giảm và cạnh tranh cao.

Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng, như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… Ngoài ra, còn có những đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều chính sách khác của nhãn hàng, như phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải...

May 10 chúng tôi cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, bằng mọi biện pháp được HĐQT, cơ quan điều hành đưa ra, chúng tôi vẫn đảm bảo việc làm cho người lao động.

Theo tôi được biết, để duy trì việc làm cho người lao động, nhiều công ty phải sắp xếp cho người lao động nghỉ thứ 7 theo hình thức nghỉ phép hưởng nguyên lương, hoặc nghỉ không lương với những người đã hết ngày nghỉ phép. Một tuần chỉ làm việc 5 ngày, mỗi ngày 8 tiếng, nên chắc chắn thu nhập của công nhân sẽ bị giảm sút.

- TCT May 10 đã có chiến lược gì để ứng phó với các khó khăn, bất định từ các yếu tố trong và ngoài nước tác động, thưa ông?

Lường trước những biến động và khó khăn kéo dài của thị trường, Ban điều hành TCT May 10 đã đưa ra các giải pháp để ứng phó với tình hình, đảm bảo thực hiện tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh ngay từ đầu năm. Đặc biệt, tăng cường giải pháp nhằm duy trì sản xuất, giữ ổn định nguồn lao động, đảm bảo dòng tiền và chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường phục hồi.

Để đối phó với cuộc khủng hoảng này, HĐQT, cơ quan điều hành luôn theo dõi sát diễn biến thị trường, áp dụng đồng bộ các giải pháp như: Một là, triển khai nhanh các giải pháp chuyển đổi số, trong đó ưu tiên cho quản trị tài chính và quản lý nguồn nhân lực. Hai là, tăng cường các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải để đảm bảo vừa tiết giảm chi phí vừa theo đúng lộ trình đáp ứng các yêu cầu về môi trường của các nhà mua hàng.

Từ cuối năm 2022 chúng tôi đưa ra khẩu hiệu “chọn việc khó” để mỗi thành viên đều thấm nhuần và sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp. Cùng với đó, chúng tôi triệt để tiết kiệm trên mọi lĩnh vực.

Đặc biệt chúng tôi chú trọng tiêu thụ trong nước. Với quy mô dân số đạt trên 100 triệu dân vào năm 2030, Việt Nam sẽ là thị trường tiêu dùng hàng dệt may tiềm năng cho các doanh nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên cùng với sự gia tăng của nhóm dân số trung lưu, hứa hẹn mức chi tiêu cho các mặt hàng may mặc sẽ tăng trưởng nhanh hơn. 

Trong hàng chục năm qua, các sản phẩm chủ lực của May 10 vẫn là áo sơ mi, veston, quần âu, váy, đầm, jacket… May 10 thường xuyên nghiên cứu thị trường trong nước và trên thế giới để đưa ra những mẫu trang phục phù hợp với mọi sở thích và gu thời trang của nhiều đối tượng khách hàng, qua từng mùa. Ngoài các sản phẩm truyền thống phục vụ chủ yếu phân khúc thị trường phổ thông và thu nhập trung bình khá, May 10 còn cho ra mắt dòng thời trang cao cấp GZ phục vụ tầng lớp trung lưu, doanh nhân.

>>NHNN: Giảm lãi suất điều hành, định hướng giảm lãi vay

Nằm trong chiến lược phát triển thị trường nội địa, chinh phục khách hàng trong nước, đồng thời hướng tới mục tiêu xuất khẩu sản phẩm do TCT May 10 thiết kế, sản xuất ra thị trường quốc tế, thương hiệu thời trang nữ cao cấp DeTheia được ra đời. Ngày 16/10/2022, khai trương cửa hàng DeTheia đầu tiên tại 77 phố Bà Triệu, Hà Nội. Ngày 05/11/2022, cửa hàng Thời trang Generos đầu tiên đã chính thức được ra mắt khách hàng tại 198E Bạch Mai, Hà Nội. Thương hiệu thời trang Generos hướng tới phân khúc khách hàng trẻ, trong độ tuổi từ 25 - 35 tuổi. Với kỳ vọng sẽ mang lại một luồng gió mới, phong cách trẻ trung, năng động, trào lưu mới cho những người yêu thời trang Việt cũng như xu hướng thời trang công sở Việt Nam.

Trong thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để phục vụ cho sản xuất, TCT May 10 còn đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng năng lượng tái tạo sau khi nhận thấy tiềm năng và những lợi ích to lớn của điện mặt trời. Do đó, lãnh đạo TCT May 10 đã quyết định hợp tác cùng chủ đầu tư GreenYellow Việt Nam triển khai dự án điện mặt trời, địa điểm đầu tiên triển khai là nhà xưởng Xí nghiệp may Bỉm Sơn - Thanh Hóa.

Với việc triển khai dự án điện năng lượng mặt trời khởi đầu kết hợp với nhiều hoạt động xanh đã được triển khai, May 10 mong muốn xây dựng chuỗi “nhà máy xanh” chuẩn, thực hiện những cam kết với Chính phủ Việt Nam về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo...

- Xin ông cho biết, trong bối cảnh còn nhiều thách thức, Chính phủ, các cơ quan ban ngành đã có hỗ trợ như thế nào với cộng đồng doanh nghiệp và những vấn đề gì cần được hỗ trợ thêm?

Trong thời gian qua, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 như các giải pháp miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, các chính sách giãn thuế được xem như một khoản cho vay không tính lãi, đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp xoay vòng vốn nhanh chóng, duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.

Phía doanh nghiệp đề xuất Chính phủ có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động

Phía doanh nghiệp đề xuất Chính phủ có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động

Những khoản hỗ trợ trực tiếp vào chi phí của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính, từ đó có điều kiện cơ cấu lại tổ chức sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động, phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh.

Dự báo năm 2023, kinh tế nước ta sẽ vẫn chịu tác động từ nhiều yếu tố như xung đột giữa Nga và Ukraine; giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước đối tác thương mại lớn.

Do đó, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ, các Bộ, ban ngành tiếp tục gia hạn các giải pháp hỗ trợ về giảm, giãn các khoản thuế, phí trong năm 2023; cải cách thủ tục hành chính, giảm chí phí trung gian; tăng cường hậu kiểm. Riêng đối với tiền thuê đất, Nhà nước nên xem xét hỗ trợ ở mức dài hơi thay vì 3-6 ttháng.

Các vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay là: tìm kiếm khách hàng, tiếp cận vốn, biến động thị trường, tìm kiếm nhân sự, tìm kiếm đối tác kinh doanh… Đặc biệt, hiện nay doanh nghiệp đang rất khát vốn, trong khi lãi suất cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng quá cao... Do đó, doanh nghiệp mong muốn  được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách dễ dàng, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất.

Đặc biệt, Chính phủ có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững và tận dụng tốt các hiệp định thương mại. Nhà nước cũng cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường cho các khu công nghiệp đạt chuẩn, đây là điều kiện đầu tiên nếu chúng ta kêu gọi đầu tư nước ngoài cho các dự án sản xuất nguyên phụ liệu dệt may.

Trân trọng cảm ơn Ông!

Có thể bạn quan tâm

  • NHNN: Giảm lãi suất điều hành, định hướng giảm lãi vay

    12:35, 15/03/2023

  • Hai yếu tố thúc đẩy giảm lãi suất

    04:01, 09/03/2023

  • Cơ hội giảm lãi suất

    16:59, 07/03/2023

  • Từ ngày mai 15/3, NHNN chính thức giảm lãi suất điều hành

    19:00, 14/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp kiến nghị sớm hạ mặt bằng lãi suất cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO