Doanh nghiệp kỳ vọng gì ở Tọa đàm mùa Xuân Đà Nẵng lần 2?

Kiều Vũ 14/02/2019 14:30

Nhiều băn khoăn, trăn trở đặt ra từ doanh nghiệp với lãnh đạo thành phố đáng sống khi chương trình Tọa đàm mùa Xuân lần thứ 2 sắp diễn ra.

Còn nhớ, tại buổi “Tọa đàm mùa Xuân 2018” lần thứ nhất, phát biểu trước gần 500 doanh nghiệp tham gia, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh: “Tôi muốn quý vị nghĩ về sự phát triển dài hạn của Đà Nẵng, coi thành phố chính là quê hương, là ngôi nhà của quý vị. Doanh nghiệp làm giàu cho thành phố và sự phát triển của thành phố sẽ mang lại những cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp. Đà Nẵng sẽ mang lại cơ hội đầu tư và kinh doanh mở rộng cho tất cả mọi người”.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng trao đổi cùng doanh nghiệp tại “Tọa đàm Mùa xuân 2018” lần thứ nhất

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trao đổi cùng doanh nghiệp tại Tọa đàm Mùa xuân 2018 lần thứ nhất

Gần một năm đã trôi qua kể từ thời điểm đó, Đà Nẵng đã thực hiện lời cam kết của mình như thế nào?

Những dấu lặng!

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của TP Đà Nẵng trong năm 2018 khi hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đều đạt kết quả khá tích cực. Cụ thể, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,86% so với năm 2017, thu hút đầu tư trong và ngoài nước tăng khá về số lượng doanh nghiệp và vốn đăng ký,….

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình chung của thành phố vẫn nhiều hạn chế.

Phát biểu tại phiên họp HĐND thành phố diễn ra cuối năm 2018, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết: trong năm 2018, một số chỉ tiêu quan trọng về phát triển kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,86% trong khi kế hoạch đề ra là 9-10%; chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 7,9% trong khi kế hoạch là 9%. Cùng với đó, thành phố cũng chậm thực hiện các chủ trương liên quan đến hoạt động của hai nhà máy thép Dana - Úc, Dana - Ý… Cải cách hành chính có dấu hiệu chững lại, một số chỉ số quan trọng về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố còn thấp. Tư tưởng, động lực làm việc của cán bộ, công chức, người lao động có phần giảm sút; kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm.

Dưới góc độ thu hút đầu tư, dù năm 2018 được Đà Nẵng chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhưng tổng vốn FDI đăng ký mới trong năm chỉ đạt 155,9 triệu USD cho 126 dự án; bình quân 1,2 triệu USD/dự án. Và đặc biệt, mặc dù Đà Nẵng vẫn chọn chủ đề năm 2019 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhưng trong tháng đầu năm, kết quả thu hút vốn FDI vào thành phố lại tiếp tục rất manh mún, chỉ đạt 12 dự án với tổng vốn cấp mới 8,708 triệu USD; bình quân 0,7 triệu USD/dự án.

Thu hút đầu tư đã ít, trong năm 2018, việc chính sách thay đổi thất thường cũng đẩy nhiều doanh nghiệp trên địa bàn rơi vào cảnh khó khăn. Có thể nêu ra hàng loạt các ví dụ như chuyên di dời nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc hay chuyện qua UBND thành phố “xuống tay” ban hành mệnh lệnh “trảm” kết quả đấu thầu của công ty Vipico,… làm dậy sóng dư luận.

Có thể bạn quan tâm

  • Đà Nẵng sẽ tổ chức Tọa đàm Mùa xuân lần 2

    06:39, 13/02/2019

  • Nhiều vấn đề "nóng" tại Tọa đàm mùa Xuân 2018

    20:00, 08/03/2018

Doanh nghiệp mong muốn gì?

Nói về chương trình Tọa đàm mùa Xuân, ông Trương Đình Đức - Giám đốc Công ty CP Việt DAC, Ủy viên BCH TƯ Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chia sẻ quan điểm: Buổi Tọa đàm mùa Xuân lần thứ nhất năm 2018 có thể nói mang lại nhiều tích cực, thuận lợi, điển hình như đột phá trong du lịch, thu hút đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ quản lý hành chính... nhưng theo ông Đức, vẫn còn rất nhiều bất cập và buổi Tọa đàm mùa Xuân lần hai sắp tới lãnh đạo thành phố cũng nên xem xét.

Toàn cảnh “Tọa đàm Mùa xuân 2018” lần thứ nhất

Toàn cảnh Tọa đàm mùa xuân 2018

Ông Đức băn khoăn: "Không biết các cơ quan quản lý ngành có ban pháp chế hay không, nhưng tôi thấy tất cả đều dựa trên chuyên môn của các lãnh đạo ngành, nên chưa thể mạnh dạn giải quyết các vấn đề mang tính nhạy cảm, làm các doanh nghiệp, cá nhân rơi vào trạng thái khó khăn kéo dài. Một số nơi nhận hồ sơ của công dân nhưng lại không có biên nhận, chẳng có thời gian trả kết quả hồ sơ, thậm chí giữ lâu quá lạc mất hồ sơ".

Lấy ví dụ từ lĩnh vực quảng cáo của chính công ty mình, ông Đức cho biết: "Theo chỉ đạo của thành phố, việc tiếp nhận và trả hồ sơ ở tổ một cửa của Sở Văn hóa – Thể thao, thế nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực của chúng tôi lại đi chạy lòng vòng vì Sở Văn hóa – Thể thao nhận và trả kết quả hồ sơ nhưng vì Sở Xây dựng chưa có tham mưu nên chưa thể trả hồ sơ, cấp phép. Thấy doanh nghiệp khó khăn, Sở Văn hóa - Thể thao lại chỉ sang Sở Xây dựng nộp hồ sơ cho nhanh, Sở Xây dựng nhận hồ sơ nhưng lại không có biên nhận... Thế là một vòng luẩn quẩn cho doanh nghiệp xảy ra, các bất cập từ luật quy định, chờ xin điều chỉnh từ các bộ, ngành, trung ương nên hàng loạt các bảng quảng cáo ngoài trời hiện nay trên địa bàn thành phố đang nằm chờ cấp phép...".

Trên khía cạnh đất đai, ông Đức góp ý giữa chính quyền và doanh nghiệp cần phải quyết tâm giữ lại các vị trí đất lớn để dành cho các trung tâm thương mại, đừng vì chút lợi ích trước mắt mà đem ra phân lô, bán nền. Thành phố cần có thiết kế quy hoạch tổng thể, cảnh quan, kiến trúc, đô thị các tuyến đường dọc bãi biển, hai bên bờ sông, trưng cầu ý dân, công bố rộng rãi hệ số, mật độ xây dựng. Hiện nay cũng trên dọc tuyến đường biển, chỗ cho 20%, 30%, có chỗ lên đến 70%, đây là tình trạng chồng chéo dẫn đến doanh nghiệp được và không được.

“Sở dĩ trước đây vì điều kiện khó khăn, điểm xuất phát có thể nói là bằng không, vì thế thành phố rất khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư đến với Đà Nẵng nên phải chia nhỏ, lẻ các khu đất vàng. Điển hình như phía đường Trần Hưng Đạo, nếu điều kiện cho phép, giờ có lẻ đây sẽ là các khu thương mại sầm uất mang tầm quốc tế, cảm giác đứng bên phía bờ Tây sông Hàn nhìn sang bờ Đông chẳng khác gì với Singapore, Thượng Hải”, vị này nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của mình, Luật sư Đỗ Pháp – Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ Pháp cho rằng: Quan trọng nhất là thành phố phải mở rộng cửa đón doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động bằng hành động cụ thể chứ không thể bằng lời nói “suông” bởi cho dù chính sách tốt mấy chăng nữa nhưng không có sự đồng hành của doanh nghiệp thì không thể thành công. Việc kêu gọi doanh nghiệp đồng hành tham gia là giải pháp phù hợp nhất hiện nay.

Luật sư Đỗ Pháp cũng cho rằng về phía mình, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải dấn thân, hết mình vì sự phát triển của thành phố, đồng lòng cùng lãnh đạo thành phố để đưa thành phố đi lên.

“Theo tôi, các chương trình như Tọa đàm Mùa Xuân cũng chỉ mang lại hiệu quả ở một góc độ nào đó nhưng nó cũng chính là tiền đề, là bệ phóng cho những thành công của doanh nghiệp cũng như chính quyền. Thời gian qua, Đà Nẵng xảy ra nhiều chuyên không hay nhưng thực tế trong quá trình phát triển không thể không xảy ra những tồn tại, yếu kém. Quan trọng là thành phố có dũng cảm vượt qua hay không, doanh nghiệp có dám đương đầu với thách thức hay không? Nếu chính quyền sai trước thì chính quyền sửa sai trước, người dân sửa sai sau. Chính quyền làm gương trước và không đổ lỗi”, Luật sư Đỗ Pháp nhấn mạnh.

Gợi ý cho chính quyền cũng đã được đưa ra, câu chuyện bây giờ là làm như thế nào, và lãnh đạo Đà Nẵng có thực sự quyết tâm thực hiện những gì đã nói, đã phát biểu? Câu trả lời xin để dành cho thực tiễn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp kỳ vọng gì ở Tọa đàm mùa Xuân Đà Nẵng lần 2?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO