Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất từ các hiện tượng biến đổi khí hậu và doanh nghiệp là chủ thể quan trọng của nỗ lực thích nghi với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu là những vấn đề mà quốc gia nào cũng phải đối mặt. Không một quốc gia nào an toàn, không một khu vực nào nằm ngoài vùng ảnh hưởng. Trong một thập kỷ qua, chúng ta có thể chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan đã diễn ra ngày một phổ biến hơn, khắc nghiệt hơn và gây ra nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội. Có thể nói, rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu chính là một trong những nguy cơ tồn vong hiện hữu lớn nhất mà Trái Đất và nhân loại đang đối mặt.
Theo nhiều dự báo, Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu tác động tiêu cực nhất từ các hiện tượng biến đổi khí hậu. Những hình thái thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài bất thường hơn và liên tục lập những kỷ lục mới dựa trên các kết quả đo lường về khí hậu thủy văn. Những năm vừa qua ghi nhận những đợt nắng nóng dai dẳng ở miền Bắc, bão lũ dữ dội ở miền Trung, hạn hán gay gắt ở Tây Nguyên, ở Đồng bằng sông Cửu Long, và triều cường, xâm nhập mặn tăng cao ở các tỉnh Nam Bộ.
Những thiệt hại ấy càng nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cấp bách của những hành động bảo vệ môi trường. Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã và đang tuân thủ nghiêm túc Công ước khung của Liên Hợp Quốc, Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tích cực hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về bảo vệ môi trường và ưu tiên nguồn lực cho việc triển khai các chương trình liên quan đến ứng phó tác động rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Doanh nghiệpđóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những chủ thể quan trọng của nỗ lực ứng phó, thích nghi với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu.
Báo cáo tổng hợp nhiều đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về tác động của rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây có thể xem là điều tra doanh nghiệp có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về chủ đề rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Biến đổi khí hậu có tác động tiêu cực mang tính đa diện đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là tình trạng gián đoạn sản xuất kinh doanh, giảm năng suất lao động, giảm doanh thu, gián đoạn kênh vận chuyển, tăng chi phí sản xuất, đình trệ mạng lưới phân phối, giảm chất lượng sản phẩm, thiệt hại cơ sở vật chất, thiếu hụt nhân lực, và gây thiếu nguồn cung nguyên vật liệu.
Các doanh nghiệp ởvùng Duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long đang chịu tác động từ rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu lớn hơn cả so với các vùng cònlại. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất. Những doanh nghiệp mới đi vào hoạt động cũng chịu tác động nhiều hơn các nhóm doanh nghiệp còn lại.
Báo cáo cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được tính cần thiết của việc ứng phó với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu thông qua nhiều giải pháp đa dạng từ đơn giản đến phức tạp. Điều đáng mừng là một số lượng đáng kể doanh nghiệp đã điều chỉnh phương thức kinh doanh, nâng cấp công nghệ sản xuất và mua bảo hiểm để phòng ngừa rủi ro thiên tai.
Nhiều doanh nghiệp đã tham gia đóng góp, ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai. Hầu hết các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia các hoạt động cứu trợ, khắc phục hậu quả nếu thiên tai xảy ra.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đánh giá tương đối tích cực về mức độ sẵn sàng của chính quyền trong ứngphó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Việc tiếp cận thông tin, số liệu về thời tiết tại địa phương tương đối thuận lợi. Chính quyền các địa phương nhìn chung được đánh giá tích cực trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai cũng như hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.
Đa số doanh nghiệp cũng nhận thức biến đổi khí hậu ngoài tạo ra những thách thức còn đem lại cơ hội cho việc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, tạo ra sản phẩm và công nghệ mới, đồng thời xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.
Báo cáo cũng tìm hiểu mức độ sẵn sàng đầu tư của doanh nghiệp để cải thiện mức độ tuân thủ về môi trường. Theo đó, một doanh nghiệp điển hình sẵn sàng chi trả lên tới7,32% chi phí hoạt động cho việc thân thiện hơn với môi trường.
Thông qua kết quả khảo sát, báo cáo đưa ra hàm ý chính sách cho các cơ quan Chính phủ trong việc xây dựng các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp gia tăng đầu tư để thân thiện hơn với môi trường. Trong đó, yếu tố chất lượng lao động tại địa phương, chất lượng môi trường kinh doanh, và mức độ tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có nhiều ảnh hưởng đến quyết định đầu tư sản xuất xanh của doanh nghiệp.
Rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu là những thách thức toàn cầu của thời đại chúng ta. Đây là những thách thức ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống xã hội, từ sức khỏe của mỗi cá nhân cho đến “sức khỏe” của cả nền kinh tế thế giới.
Chúng ta đang ở trong thời điểm mà cách hành xử với môi trường sẽ có ý nghĩa quyết định đến tương lai của chính chúng ta và các thế hệ mai sau. Tất cả chúng ta cần hành động để hướng tới một nền kinh tế Việt Nam nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung xanh hơn, sạch hơn và bền vững hơn.
Chúng ta kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để khuyến khích các hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các cơ quan Chính phủ cũng cần nâng cao chất lượng thực thi các quy định pháp luật để những chính sách liên quan đến ứng phó rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống.
Chúng ta cũng kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam, với sự năng động và sáng tạo của mình, sẽ có tiếng nói quan trọng trong hoạt động ứng phó và thích nghi với rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu. Cộng đồng doanh nghiệp cần liên kết, hợp tác và nêu tiếng nói về các vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Bản thân các doanh nghiệp cần bỏ tư duy “chưa đến lúc” đối với vấn đề biến đổi khí hậu và cần thực hiện ngày những hành động bảo vệ môi trường, bắt đầu từ những hoạt động nhỏ nhất. Bên cạnh đó, từ góc nhìn của các doanh nghiệp, biến đổi khí hậu không chỉ đem lại những thách thức, mà còn có thể tạo ra động lực và cơ hội cho những thay đổi, chẳng hạn như những mô hình kinh doanh mới, các sản phẩm mới hoặc công nghệ mới.
Phát biểu của Chủ tịch VCCI tại “Hội thảo công bố Báo cáo đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam" và
chương trình công bố Báo cáo với tiêu đề “Thích ứng để thành công: Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với doanh nghiệp Việt Nam” do VCCI và Quỹ Châu Á tại Việt Nam thực hiện.