Mặc dù đấu thầu rộng rãi thông qua “Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”, nhưng kết quả lựa chọn tại nhiều địa phương lại cho thấy những bất thường khi các doanh nghiệp "quen mặt” liên tiếp trúng thầu…
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, hiện tượng doanh nghiệp “ruột” trên địa bàn hoặc vùng lân cận liên tiếp trúng thầu trong thời gian qua đã khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về sự minh bạch trong công tác đấu thầu.
Mới đây, dư luận không khỏi “giật mình” với thông tin, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, Công ty CP Đầu tư xây dựng hạ tầng và Thương mại Hà Nội (Cty XD hạ tầng và TM Hà Nội) được công khai trúng 3 gói thầu tại huyện Đông Anh (Hà Nội), với tổng giá trị trúng thầu đạt khoảng 58 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại huyện Đông Anh, nhiều gói thầu chỉ có Cty XD hạ tầng và TM Hà Nội tham dự. Theo thống kê trong vòng 4 năm qua, Cty XD hạ tầng và TM Hà Nội trúng tới 14 gói thầu với tư cách nhà thầu độc lập tại địa phương này. Trong đó, gói thầu có giá trúng thầu lớn nhất là 32,942 tỷ đồng, các gói thầu còn lại có quy mô dưới 20 tỷ đồng.
Gần đây nhất, Cty XD hạ tầng và TM Hà Nội trúng Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Nâng cấp, cải tạo đường vành đai thôn Vệ, xã Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội) với giá trúng thầu là 12,965 tỷ đồng, giảm 0,09% so với giá gói thầu. Gói thầu này được đấu thầu rộng rãi qua mạng. Thời gian thực hiện hợp đồng là 175 ngày. Theo biên bản mở thầu, đơn vị này là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu.
Theo tìm hiểu, từ cuối năm 2018 đến nay, ngoài gói thầu nêu trên, Cty XD hạ tầng và TM Hà Nội cũng được công khai trúng 4 gói thầu “không đối thủ” khác trên địa bàn huyện Đông Anh.
Theo đó, năm 2019, Công ty này được công khai trúng 2 gói thầu do UBND xã Nguyên Khê mời thầu, lựa chọn nhà thầu qua mạng, giá trúng thầu lần lượt là 13,448 tỷ đồng và 12,828 tỷ đồng, đều đạt tỷ lệ tiết kiệm dưới 1%. Đây đều là các gói thầu mà đơn vị này là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu.
Tiếp đó, tháng 1/2020, Cty XD hạ tầng và TM Hà Nội là nhà thầu duy nhất tham dự Gói thầu xây lắp số 1 (San nền, đường giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, điện chiếu sáng, hạng mục chung) thuộc Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất X1, xã Đông Hội và Mai Lâm, huyện Đông Anh để trả nợ đất dịch vụ cho các hộ dân theo chính sách giải phóng mặt bằng.
Gói thầu do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh mời thầu, lựa chọn nhà thầu qua mạng. Tại gói thầu này, Cty XD hạ tầng và TM Hà Nội trúng thầu với giá 32,942 tỷ đồng, giảm 0,07% so với giá gói thầu. Thời gian thực hiện hợp đồng là 140 ngày. Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất mà doanh nghiệp trúng trong vòng 4 năm qua.
Và gần đây nhất, tháng 2/2020, tại Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Cải tạo, nâng cấp đường từ đường 3 vào đình thôn Lương Nỗ do UBND xã Tiên Dương làm bên mời thầu, Công ty này là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu và trúng thầu với giá 11,987 tỷ đồng (giảm 11 triệu đồng so với giá gói thầu). Thời gian thực hiệp hợp đồng là 175 ngày.
Trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng trên còn diễn ra tại nhiều địa phương khác. Điển hình như năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã vô cùng bức xúc bởi hàng loạt các gói thầu được BQL dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Thất tổ chức đầu thầu rộng rãi, nhưng kết quả trúng thầu chỉ xoay quanh 3 cái tên "nhẵn mặt" là Công ty TNHH MTV Sản xuất dịch vụ thương mại Vinh Quang, Công ty TNHH Minh Tiến, Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Tâm Phúc. Còn các công ty khác với năng lực tốt đều bị loại.
Một doanh nghiệp từng tham gia đấu thầu tại địa phương này bức xúc khi cho rằng, các gói thầu tại Thạch Thất, Hà Nội bị "thao túng" bởi Công ty TNHH MTV Sản xuất dịch vụ thương mại Vinh Quang trúng liên tiếp đến 4 gói thầu lớn trên địa bàn, đó là: Dự án THPT Phùng Khắc Khoan, Dự án từ Trường THCS Di Nậu đi Hiệp Thuận, Dự án Nhà văn hóa, câu lạc bộ thôn 8 xã Phùng Xá và Dự án Xây dựng trụ sở Đảng ủy - UBND xã Phùng Xá với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng.
Đáng nói, phần lớn các gói trúng thầu nêu trên đều có tỷ lệ tiết kiệm trên dưới 1%, điều đó dấy lên trong dư luận những nghi vấn, phải chăng huyện Thạch Thất chỉ “ưu ái” cho những doanh nghiệp đã quá “quen mặt”? Có hay không việc tồn tại những "nhóm lợi ích" ở địa phương này?
Bên cạnh đó, dư luận cũng lo ngại rằng, việc liên tiếp trúng nhiều gói thầu trong thời gian ngắn như vậy sẽ tạo áp lực rất lớn, liệu đơn vị trúng thầu có đủ năng lực, tiềm lực để hoàn thiện các gói thầu theo tiến độ? Chất lượng công trình khó có thể đảm bảo?
Có thể nói, mặc dù các quy định của pháp luật về đấu thầu khá hoàn chỉnh, luôn đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả. Thế nhưng, thời quan qua trong thực tiễn tại nhiều nơi, hồ sơ mời thầu vẫn “cài cắm” nhiều tiêu chí, điều kiện khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, chỉ tạo lợi thế cho nhà thầu “ruột”, gây ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng và những bức xúc trong dư luận xã hội.
Những điển hình trên đây chỉ là những lát cắt nhỏ khiến người dân không khỏi nghi ngại về sự thiếu minh bạch, có “sân sau”, tồn tại nhóm lợi ích tại những địa phương này, tăng nguy cơ lãng phí đầu tư công cho ngân sách Nhà nước.
Có thể bạn quan tâm
11:13, 21/04/2020
16:19, 21/04/2020
06:00, 26/04/2020
13:05, 28/04/2020
11:05, 08/12/2019
00:00, 08/08/2019
11:00, 17/06/2019